Thầy Nguyễn Trọng Tuân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Nội) đã dạy học miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh giỏi các đội tuyển, ôn thi vào lớp 10 THPT trong nhiều năm nay.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Tuân tham quan mô hình hội chợ nông sản an toàn của trường THCS Bột Xuyên năm học 2018 - 2019. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Mỹ Đức |
Sinh năm 1976 ở một vùng quê nghèo xã Bột Xuyên, tốt nghiệm Cao đẳng sự phạm chuyên ngành Toán năm 1997. Sau khi tốt nghiệp, Thầy Nguyễn Trọng Tuân về công tác giảng dạy ở trường THCS Phúc Lâm. Từ năm 2005 đến nay, Thầy công tác tại trường THCS Bột Xuyên và được bổ nhiệm phó hiệu trưởng từ năm 2014.
Thầy Nguyễn Trọng tuân là người đã đổi mới hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; Nâng cao chất lượng Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu; Xây dựng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh kết hợp với giáo dục truyền thống cách mạng và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh…
Không chỉ đảm nhiệm vai trò quản lý nhà trường, là một giáo viên cốt cán thuộc bộ môn Toán của huyện Mỹ Đức, thầy liên tục tham gia bồi dưỡng các Đội tuyển học sinh giỏi bộ môn Toán của huyện Mỹ Đức. Kết quả, đã có nhiều học sinh của thầy đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố, cấp quốc gia.
Điều đáng trân trọng hơn nữa là từ nhiều năm nay, thầy Nguyễn Trọng Tuân dạy học miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh giỏi các Đội tuyển, ôn thi vào lớp 10 THPT.
Qua đó, thúc đẩy phong trào khiến nhiều giáo viên trong nhà trường tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các Đội tuyển học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu vào các ngày nghỉ và ngoài giờ học chính khóa.
Gặp gỡ và trò chuyện với thầy Nguyễn Trọng Tuân, ai cũng đều có chung một cảm nhận về một người thầy có lối sống giản dị, gần gũi, thân thiện, hòa đồng với mọi người, yêu mến học trò như con đẻ của mình và luôn quan tâm giúp đỡ người khác.
Thầy Nguyễn Trọng Tuân được nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo 2018”.
”Hàng ngày, tôi thường tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, học cách giải toán trên mạng và học tập cách truyền giảng kiến thức của những cây cao bóng cả trong ngành giáo dục nói chung để có thể truyền dạy cho các em đạt kết quả học tập cao nhất.
Mình tích lũy kiến thức đến đâu thì mình truyền dạy cho học sinh đến đó, bằng tình cảm và trách nhiệm cao cả của người thầy”, thầy Tuân chia sẻ.
Vi An (T/h)