(ĐSPL) - Chết đi sống lại, bị rắn độc cắn nằm viện tốn cả trăm triệu đồng nhưng với niềm đam mê, như một cái nghiệp, các thợ săn rắn độc vẫn bám trụ theo nghề tổ tiên để lại. Không quản vất vả, bất chấp nguy hiểm, những thợ săn rắn độc luôn có mặt ở mọi ngóc ngách bụi rậm để hành nghề.
Một ngày theo chân các thợ săn rắn có hàng chục năm theo nghề tại huyện Gia Bình, Bắc Ninh, phóng viên mới thấu hiểu được sự gian nan, vất vả, có khi phải bỏ cả mạng sống với cái nghề mà các thợ săn xem đây là niềm đam mê.
Một ngày theo chân thợ săn rắn lão làng
Sau nhiều lần tìm hiểu và muốn được "ngao du" với các thợ bắt rắn, cuối cùng tôi cũng được đoàn quân thợ săn nổi tiếng, có thâm niên làm nghề bắt rắn độc hàng chục năm "vào sinh ra tử" với tất cả các loại rắn độc do ông Bùi Văn Vi (60 tuổi) thuộc xã Lăng Ngâm, huyện Gia Bình làm "thủ lĩnh" cho theo chân.
|
Một thợ săn rắn độc xứ Kinh Bắc với con rắn "cạp nia" trên tay.
|
Sáng 25/3, PV có mặt tại thôn Lăng Ngâm thuộc huyện Gia Bình nơi các thợ săn đang tập trung tại nhà “sư phụ” (ông Bùi Văn Vi) để chuẩn bị dụng cụ và cơm nước cho một ngày đi săn. Thấy sự có mặt của PV, nhất là khi biết tôi có nhã ý theo chân, các thợ săn có vẻ thích thú. Mọi người sốt sắng chuẩn bị dụng cụ cho chuyến săn, tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao dụng cụ ít như vậy mà các bác vẫn săn được rắn độc?". ông Vi cười sảng khoái giơ tay chỉ vào ba vật dụng đơn sơ, đó là chiếc túi vải; chiếc thuổng đào bằng sắt và một cái móc thép dài chừng 1m và bảo: "Đấy là tất cả dụng cụ cho một cuộc đi săn, chỉ cần từng này thôi cháu ạ". Nói rồi, ông Vi móc trong túi một gói bột lá và nói thêm: "Cái này lúc nào thợ đi săn cũng phải có sẵn trong người", ông Vi bảo đó chính là thuốc để cấp cứu nhanh mỗi khi bị rắn độc cắn.
Khi mặt trời đã lên cao, "sư phụ" Vi dẫn đầu tốp tiến ra khu đồi cách làng khoảng 7km, bắt đầu cuộc săn bắt của một ngày mới. Tới địa điểm để chuẩn bị vào cuộc, anh Thơm (thợ săn trong nhóm) không quên nhắc nhở tôi: "Chú mày nên đứng xa bọn anh trong lúc săn, đề phòng rắn từ trong hang phóng ra lao vào người".
Sau khi hoàn tất mọi việc, "đoàn quân" chia thành hai tốp, mỗi tốp bốn người. Tôi được đi theo tốp của “sư phụ” Vi, tiến thẳng vào khu vực giữa của quả đồi, nơi được coi là có nhiều rắn độc nhất. Đi được một đoạn, bỗng một người hô to: "Anh bạn đây rồi". Tôi giật mình, trước mặt chúng tôi là một chú rắn Ráo đang nằm phơi nắng. Nhanh như cắt, ông Vi nhào người về phía con rắn một cách điệu nghệ rồi tóm gọn bỏ vào túi. ông Vi kể: "Rắn Ráo là loài dễ bắt nhất trong các loại rắn và cắn không nguy hiểm, còn đối với các loại như Hổ mang; Đen trắng; Đen vàng (rắn Cạp nong) thì phải hết sức cẩn thận. Giống rắn này chạy rất nhanh và cắn thì cực kỳ nguy hiểm".
Đi sâu vào trong đồi, tôi đã thấm mệt thì bỗng nghe tiếng kêu của tốp thợ săn thứ hai vọng lại bảo ông Vi vào "xử lý" con rắn Hổ mang đang nằm trong hang mà họ không dám bắt. Đến nơi, ông Vi ra lệnh cho mọi người đào hết lớp đất ngoài cho tới khi nhìn thấy con rắn mới dừng lại. Khoảng 15 phút sau, với cách làm rất chuyên nghiệp, thuần thục, ông Vi đã đưa được con rắn ra ngoài và nhẹ nhàng bỏ vào trong túi vải.
|
Nhóm thợ rắn Nguyễn Xuân Toản và Nguyễn Xuân Tính (An Bình, Thuận Thành) đào hang và bắt được rắn "cạp nia" ở Bãi Hống. |
Buổi chiều, ánh nắng mặt trời hạ dần xuống chân núi là lúc chúng tôi cùng ngồi lại và tổng kết thành quả lao động của một ngày. Hôm nay kết quả cuộc săn không mỹ mãn, mọi người động viên nhau rồi vui vẻ tạm biệt khu đồi, trở về làng.
Chết đi sống lại vì... rắn
Là những người con nối tiếp nghề nghiệp bắt rắn độc của tổ tiên đề lại bao đời nay, ông Vi đã kể cho tôi nghe những lần bị rắn độc cắn và những mối nguy hiểm của nghề rất đặc biệt này.
ông Vi kể, năm 9 tuổi ông đã theo bố đi rừng bắt rắn. Kể từ ngày đó đến nay, ông đã có thâm niên gần 55 năm theo nghề săn rắn với hơn 40 lần bị rắn độc cắn phải nhập viện. ông bảo, 40 lần bị rắn độc cắn với những người trong nghề là chuyện bình thường nhưng đối với người dân, khi nghe câu chuyện này ai cũng phải khiếp sợ.
Nhớ lại câu chuyện bị rắn độc cắn ông Vi tâm sự: "Tôi theo nghiệp của các cụ để lại nên chuyện rắn độc cắn là chuyện bình thường. Cũng vì rắn cắn, tôi đã chết đi sống lại mấy lần ở các bệnh viện Trung ương rồi, chắc bây giờ không chết nữa đâu", ông Vi nói vui.
|
Ông Bùi Văn Vi hơn 50 năm theo nghề và những vết thương còn đọng lại trên tay ông. |
Lần nhớ nhất và có thể nói là mất nhiều sức, và tiền của nhất là vào năm 1998 ông bị rắn Cạp nia đen cắn vào cổ tay phải. Đối với người trong nghề ông đã tự sơ cấp kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên phải đến bệnh viện. Gia đình đưa ông lên bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tại đây, các bác sỹ cũng phải bó tay chuyển sang viện 103 Hà Đông (Hà Nội) để cấp cứu. Sau 11 ngày cấp cứu, gia đình không còn hy vọng về sự sống của ông. Nhưng may thay, lần đó ông được các bác sỹ nối lại tĩnh mạch tay phải, giành giật lại sự sống cho ông. Hơn hai tháng nằm viện, gần một năm liệt giường, cuối cùng ông sống lại một cách lạ thường. Hiện tại, bên tay phải của ông Vi vẫn còn vết sẹo nối tĩnh mạch. Ba lần nằm viện, sống đi chết lại mất gần 100 triệu đồng nhưng ông vẫn quyết định không bỏ nghề và tiếp tục săn bắt cho tới ngày hôm nay.
Trường hợp ông Nguyễn Tiến Vũ (53 tuổi), tại Làng Hương (Đông Cửu - Gia Bình) cũng là một gia đình có thâm niên theo “sư phụ” Vi làm nghề săn rắn độc. Cũng vào năm 1998, ông Vũ đã sống lại trong gang tấc khi bị rắn "Đen trắng" cắn và sau khi sơ cứu ở nhà xong ông Vũ được gia đình đưa lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Sau khi được đưa vào cấp cứu 15 phút, bác sỹ thông báo ông Vũ đã giãn hết đồng tử và tê liệt toàn thân phải cấp cứu gấp, phần trăm sống còn rất ít. Sau khi bệnh viện cấp cứu và được một thầy lang chuyên chữa bệnh rắn độc cắn đã cứu sống ông trong gang tấc. ông Vũ gặp nạn được cứu sống thì đến lượt anh Nguyễn Tiến Nghiêu, con ông Vũ cũng sống lại thần kỳ sau khi bị rắn độc cắn và đưa đi bệnh viện chữa chạy mất gần một tháng mới khỏi.