Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện buồn ở nơi đổi con bò, đổi xe máy lấy chai rượu

(DS&PL) -

Người Mã Liềng ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) kể có người đổi gia tài lớn nhất là con bò lấy chai rượu chỉ trong mấy làn thuốc.

Người Mã Liềng ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) kể có người đổi gia tài lớn nhất là con bò lấy chai rượu chỉ trong mấy làn thuốc.
Đã có 4 hộ dân người Mà Liềng vì không ưng bụng mà vào lại rừng.
Hồ Viên được cho là gia đình giàu có nhất của người Mã Liềng ở vùng Bạch Tài, Cà Xen, Bãi Cà thuộc xã Thanh Hóa. Nhưng cái giàu ở đây cũng chỉ vừa đủ ăn, không tích lũy được. Và theo Hồ Viên: “Siêng năng làm lụng cả đời, vẫn không thoát được nghèo là khổ”.
Đập tay lên trán, Hồ Viên nói tiếp: “Bà con cũng siêng năng lao động, cũng làm việc như cán bộ định canh định cư bày vẽ trước đây, nhưng mãi vẫn thiếu ăn quá. Nhà tui còn đỡ, nhà mấy hộ dân khác trong bản khổ lắm. Phải làm răng có cái cần câu cơm để cái bụng đỡ kêu, đỡ sôi thì cái đầu đỡ tăm tối. Không thì nghèo mãi cả bản”.
Cái “đầu máy” uống nhiều rượu
Hồ Chí Thành, một thanh niên có tiếng của người Mã Liềng xã Thanh Hóa được bầu vào Đảng ủy viên của xã nói chua chát: “Trước đây khi cán bộ định canh định cư của huyện còn ở lại, phong trào sôi nổi lắm. Bà con thi đua nhau lao động làm ăn, không giàu có nhưng đủ sống. Rồi dự án xong thì cán bộ về, bàn giao lại cho xã, phong trào xuống hẳn”.
Theo lời của Thành, từ ngày xã quản lý mọi mặt đời sống của người Mã Liềng, nạn rượu chè bị buông thả, đàn bà, đàn ông cùng bập vào rượu khiến nhiều gia đình bê trễ công việc. Cán bộ xã vào nhắc nhở qua loa rồi cũng rút”.
Rượu nhiều đến nỗi ngay cán bộ xã cắm bản tên là Kỳ cũng lao vào rượu khiến việc vàn bê trễ. Hồ Viên kể: “Cán bộ cắm bản là cái đầu máy, mà cái đầu máy uống nhiều rượu thì việc của dân bản cũng vô theo rượu mà tối dần, không sáng ra được”
Chúng tôi gặp trưởng bản Hồ Hùng sặc khướt mùi rượu. Hỏi vì sao trưởng bản mà uống rượu nặng mùi, say dữ thế? Hồ Hùng không ngần ngại: “Trời mưa thì phải uống rượu thôi chớ biết làm chi”.
Hỏi tiếp, trưởng bản phải gương mẫu chứ, không rượu chè chứ? - “Ôi chào, không dừng uống được. Ngày ni qua nhà ni, mai nhà khác, rồi mai nữa nhà khác”.
Nói xong Hồ Hùng khoe ở xe có mớ xương heo đưa về để làm mồi nhậu.
Hồ Viên đề xuất cần có cán bộ huyện thay cán bộ xã để người Mã Liềng xã Thanh Hóa có niềm tin.
Tất cả đều quy về…rượu!
Hồ Chí Thành tâm sự, nay phong trào xuống thì người ngoài lợi dụng đồng bào để làm giàu trong sự kém hiểu biết của bà con.
Hồ Viên kể: “Có hộ có con bò, bị người ngoài vào lân la, cho chai rượu, uống say lên ký nợ. Cái ăn khó khăn thì cho nợ mì tôm, nợ vài tô gạo, nợ vài gói thuốc, cộng dồn dồn, nhiều tuần, nhiều tháng. Lợi dụng bà con không biết chữ, uống rượu say không nhớ thì nợ một viết hai, đến lúc sổ dày lên là đòi nợ, bà con nói chừ không có. Họ ngó con bò giá trị nhất, nói bán bò đi. Thế là bà con bán luôn cho quán.
Họ trừ nợ, còn chút tiền thấy cái đài nghe hay hay, nói mua cái đài rồi trao bò. Mua đài Trung Quốc đó về nghe mấy bữa xong hư, hư thì quán tới nói bán đi. Người có đài nói hư rồi bán ai mua. Quán nói thôi, bán ngang chai rượu, rứa là ngúc đầu, lấy chai rượu, con bò thành chai rượu”.
Chỉ ra nhà của Hồ Lùn ở góc vùng Cà Xen, Hồ Viên kể thêm: “Có người ở ngoài vô lấy tên là Tròn, mở quán. Lợi dụng bà con thiếu hiểu biết, cứ cho nợ rượu xong lấy bò gán nợ. Hồ Lùn đó, nợ rượu, thấy thằng Tròn có chiếc xe máy thích cái bụng. Xe nó chạy không mất sức mà. Chiếc xe máy xấu lắm, hư hỏng lắm. Rứa mà nó phỉnh thằng Lùn bán bò bằng xe máy xấu. Hồ Lùn ưng bụng, đi mấy bữa, không có tiền đổ xăng, Tròn nói bán lại, Lùn bán cho Tròn chưa được ba triệu, còn con bò thì Tròn bán cả 14 triệu. Chừ nhà Tròn có đến 2 trâu, bốn bò.
Mấy năm qua cứ lấy nợ bằng trâu bò như rứa, Tròn bán nhiều lắm. Ba năm trước, hắn vô đây mở quán thì chả có con trâu con bò mô cả”.
Theo cách thức đó mà số trâu bò của người Mã Liềng trước đây có hằng trăm con đã “bị lợi dụng thiếu hiểu biết” nên con bò dần biến thành rượu, thành vật ngang đổi kém giá trị.
Hồ Chí Thành kể: “Hồi trước, có cán bộ định canh định cư của huyện, nhà Hồ Thông có 10 con bò, kinh tế không đi làm thuê, con lớn bán thì nuôi con nhỏ, làm ăn được cả bầy bò thế mà vì cái rượu, vì cái thiếu hiểu biết mà Thông bán sạch, trong tay chừ còn một con trâu để đi kéo thuê, làm thuê kiếm gạo qua ngày”.
Tính lui nhẩm tới, Thành nói: “Giờ cả bản còn được 24 con trâu bò, trước đây thì nhiều đếm không hết. Rượu với sự lợi dụng làm nghèo bà con”.
Bà con Mã Liềng cũng lao động, trồng rừng nhưng nói họ buồn vì người ngoài vô xâm lấn nhiều hết đất.
Hồ Viên nói thêm: “Bà con sợ bị lợi dụng, lo cái đói, cái nghèo đeo mãi nên có 4 hộ dân vô lại vùng Quạt, Mã Đao nơi ngày xưa là gốc đất của người Mã Liềng để ở. Từ Cà Xen vô đó đến cả 20 cây số đường rừng. Bà con vô đó làm nương, làm rẫy, tránh xa lừa gạt”.
Hồ Viên cũng cho biết thêm: "Chừ có chừng đó hộ nhưng sắp tới e có nhiều hộ đi nữa, vì bà con khó khăn hơn trước, bị lợi dụng cho người ngoài làm giàu thì buồn, thì không ưng cái bụng nữa”.
Dân trông chờ ỉ lại?
Đưa câu chuyện của người Mã Liềng đến với Chủ tịch xã Thanh Hóa, ông Hoàng Quang Tiếp cùng Bí thư xã Nguyễn Hữu Tương, cả hai đồng thanh nói về người ở đó đều được quan tâm giúp đỡ hết sức: “Chúng tôi có cán bộ cắm bản, các đoàn thể luôn theo dõi sát sao với đồng bào, cứ đảng viên rồi cốt cán thường vụ xã bám sát thường xuyên, không có chuyện này kia đâu”.
Ông Tiếp còn nhấn mạnh, các phóng viên cần phải nghe hai tai từ cả dân và chính quyền. Khi đưa câu chuyện người Mã Liềng bị lợi dụng để biến bò thành đài, thành rượu thì ông Tiếp phân bua: “Thật sự là chưa nghe các anh ạ. Nhưng buôn bán thì không thể cấm, chuyện nợ nần là có, họ vào đồng bào buôn bán là có”.
Vợ Hồ Kính nói thửa đất họ cấp, trồng keo thì người ngoài vào nhổ nói đất của họ.
Riêng chuyện rượu chè của cán bộ cắm bản, cả Chủ tịch và Bí thư xã thừa nhận: “Có anh Kỳ”. Việc có 4 hộ dân rời bản vào sâu trong rừng kiếm ăn, ông Tương và ông Tiếp chối đây đẩy: “Làm gì có, làm gì có”. Nhưng đến khi kiểm chứng một hồi, ông Tương thừa nhận có 4 hộ gồm: “Hồ Thiệp, Hồ Văn, Hồ Khâu, Hồ Định”.
Chúng tôi đề cập ở vùng Bạch Tài, trưởng bản Hồ Hùng phản ánh có nhiều hộ dân Mã Liềng được cấp đất trông rừng nhưng người ngoài vào chen lấn, giành phần nói đất không phải của đồng bào nên tự ý trồng rừng khiến bà con bực. Ông Tiếp và ông Tương nói không nghe địa chính báo cáo.
Ở vùng Cà Xen, trưởng bản nói nhà Hồ Kính có sổ đỏ để trồng rừng nhưng bị người ngoài vào nhổ cây keo, vì họ nói đất của họ cũng có sổ đỏ. Thửa đất cách nhà Hồ Kính chỉ vài bước chân. Trong căn nhà chật chội, mưa giột tứ bề, Hồ Kính buồn bã nói: “E phải đưa vợ con vô rừng cho rồi”.
Nghe chuyện này, ông Tiếp cho rằng bà con ỷ lại. Không muốn làm ăn, lợi dụng mình đồng bào dân tộc, lợi dụng ít hiểu biết để trồng trên đất hộ khác. Nếu cần thì phải ra tòa xử lý. Trước việc này, Hồ Viên, Hồ Kính rồi một số người khác cho biết; bà con mà ỉ lại thì không làm ruộng, chả đi làm rẫy, chả trồng khoai mì mần chi. Ỉ lại thì đi làm thuê mần chi. Ỉ lại mà ưng có đất để trồng rừng à?
Một góc bản Cà Xen.
Trước tình trạng này, ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết sẽ kiểm tra và chỉnh đốn lại toàn bộ. Riêng đất đai, phải giải quyết tốt để đồng bào có niềm tin, không rời bản.
Ông Đề cũng cho biết, chính ông can thiệp mạnh gia đình Hồ Viên mới được xem xét để sắp tới trao quyền sử dụng đất trồng rừng 20ha, nếu không thì chia chác cho người ngoài hết cũng gay.

Tin nổi bật