Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện buồn ở làng tỷ phú nhờ nuôi rắn độc và nỗi lo phá sản, vỡ nợ

(DS&PL) -

Đối với nhiều người, rắn hổ là loài động vật cực kỳ nguy hiểm nhưng với người dân Vĩnh Sơn, rắn vừa là bạn vừa là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình giúp họ thoát

Suốt nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sinh sống bằng nghề nuôi rắn hổ mang. Đối với nhiều người, rắn hổ là loài động vật cực kỳ nguy hiểm nhưng với người dân Vĩnh Sơn, rắn vừa là bạn vừa là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình giúp họ thoát nghèo thành tỷ phú. Ấy vậy mà, nguồn thu nhập ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Ông Tiến cho biết để có thể nuôi và bắt rắn, người nuôi phải nắm được kỹ thuật để đảm bảo an toàn. 


Lao đao vì “bóng ma Covid -19”

Trước những trăn trở, sự lo lắng cũng như tình cảnh của người dân nơi đây, PV ĐS&PL đã tìm đến làng nuôi rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) để tìm hiểu. Con đường dẫn vào xã Vĩnh Sơn được trải bê tông vô cùng rộng rãi, sạch sẽ. Hai bên đường là những dãy nhà được xây rất khang trang, hiện đại. Xã Vĩnh Sơn là xã giàu có trong huyện nhờ vào nghề nuôi rắn độc.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Hạ Văn Dũng, trưởng thôn xóm 4, xã Vĩnh Sơn. Với vóc dáng khỏe khoắn cùng giọng nói hào sảng, ông cho biết: “Toàn xã chúng tôi làm nghề nuôi rắn đã từ rất lâu rồi. Cha truyền con nối. Toàn xã có mấy trăm hộ làm nghề này. Nhờ nuôi rắn, không ít gia đình đã thoát nghèo thành công. Cũng nhờ nuôi rắn mà cuộc sống của người dân nơi đây đỡ vất vả hơn rất nhiều. Các hộ nuôi rắn trên địa bàn xã quy mô nhỏ là 700 đến 1.000 con, trung bình từ 2.000 đến 2.500 con, có những hộ quy mô lớn nuôi đến 4.000 con”.

Với ánh mắt đầy lo lắng, ông Dũng tâm sự: “Do phong tục tập quán cũng như sở thích ăn thịt rắn của người Trung Quốc nên thị trường xuất khẩu rắn trước dịch Covid-19 bùng phát luôn ổn định, rất ít khi bị rớt giá”. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề đang gặp nhiều khó khăn khi không xuất khẩu được. “Kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, người dân không bán được rắn nên số lượng tồn đọng rất nhiều. Trung Quốc họ không thu mua rắn như trước nên nhiều hộ gia đình lao đao lắm”, ông Dũng cho biết.

Men theo những con đường bê tông trải dài cùng những ngôi nhà sang trọng san sát, chúng tôi đến gia đình anh Phùng Văn Hải (SN 1984), một trong hàng trăm hộ chăn nuôi rắn của xã. Mời chúng tôi một chén nước, anh cười buồn và nói: “Tôi mới nuôi rắn khoảng hơn 10 năm nay. Tuy thời gian chưa nhiều nhưng cũng nếm trải đủ mọi đắng cay, ngọt bùi”. Chúng tôi theo chân anh Hải vào một trong những căn nhà của bầy rắn. Căn phòng rộng khoảng 10m2 với hàng trăm chuồng rắn được xếp ngay ngắn thành từng chồng. Trên nền nhà, những vỏ rắn nằm la liệt.

Theo anh Hải, giá trung bình của 1kg rắn thịt dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/kg, rắn nặng trung bình 1,5kg là có thể xuất chuồng. Ngoài thu nhập từ rắn thịt, trứng rắn cũng đem về nguồn thu đáng kể. Một con rắn trung bình mỗi năm đẻ trứng một lần, mỗi lần từ 15-20 quả, giá của mỗi quả trứng dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng.

Nở nụ cười hồn hậu anh tâm sự, trên địa bàn xã đã nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ nghề nuôi rắn truyền thống này: “Ở đây nhiều nhà đổi đời nhờ nuôi rắn đấy”. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường Trung Quốc đóng băng vì lệnh cách ly khiến rắn không xuất khẩu được, các hộ dân ở làng nghề đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ lên đến hàng tỷ đồng.

Để có thể chăn nuôi đàn rắn, anh Hải gom góp được gần 1 tỷ đồng và phải vay ngân hàng hơn 1 tỷ, đợi khi đàn rắn xuất chuồng để có tiền trả nợ nhưng hiện tại quá nửa số đó đã đủ cân song vẫn chưa biết phải xuất đi đâu. Rắn không bán được nhưng giá mồi cho rắn như gà con, vịt con lại không hề giảm, lãi suất ngân hàng vẫn cứ giữ nguyên. Vậy là gia đình anh Hải lại ôm món nợ cùng đàn rắn đang ngắc ngoải chờ “xuất chuồng”. “Tôi hiện đang nuôi khoảng 2.000 con rắn. Nay thị trường lớn nhất là Trung Quốc chưa thu mua rắn, gia đình tôi phải đối mặt với khoản lãi ngân hàng tiền cùng thức ăn cho chúng, nhiều lúc thấy chán nản”, anh Hải chua chát nói.

Chờ một lối thoát

Trước nỗi lo của nhiều người dân nơi đây, chúng tôi đã tìm gặp ông Phùng Văn Tiến – Chi hội trưởng, chi hội làng nghề rắn xã Vĩnh Sơn để tìm hiểu về giải pháp khắc phục. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tiến cho biết: “Thịt rắn và trứng rắn trên địa bàn xã xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc gần như 100%, chỉ có một lượng rất nhỏ được tiêu thụ trong nước nên từ khi dịch Covid-19 xảy ra các cửa khẩu trong nước đều “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên hàng triệu con rắn đã đủ tiêu chuẩn xuất bán vẫn phải nằm yên trong chuồng”.

Cũng theo ông Tiến, trứng rắn năm nay phải bán tháo với mức giá thấp chưa từng có: 3.000 đồng/quả mà số lượng người mua vẫn không đáng là bao. Trước hàng vạn quả trứng không bán được, các chủ hộ chăn nuôi buộc phải hủy trứng đi không cho nở hoặc chế biến làm thực phẩm ăn hàng ngày. “Giải pháp duy nhất mà các hộ chăn nuôi có thể làm hiện nay là giữ không để đàn rắn tăng trưởng. Đồng thời chính quyền xã cũng tạo điều kiện cho bà con trên địa bàn vay vốn từ ngân hàng. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn biết động viên nhau mong dịch bệnh mau qua để bà con sớm thoát cảnh nợ nần”, lặng lẽ thở dài, ông Tiến giãi bày.

Nghề nuôi rắn truyền thống tại đây đã xuất hiện và phát triển từ những năm 1980, đến năm 2006 xã Vĩnh Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống. Cả xã Vĩnh Sơn có gần 800 hộ làm nghề nuôi rắn chiếm hơn 90% tổng số hộ dân. Nhiều hộ dựa vào nghề đã thoát nghèo vươn lên thành tỷ phú. Tuy nhiên, giờ đây người dân đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì đại dịch Covid-19.

Kim Ngân- Đàm Linh

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 128

Tin nổi bật