Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chứng khoán Kỹ thương (TCBS): Lợi nhuận sụt giảm 21%

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Thị trường diễn biến khó lường cuối năm 2022 khiến cho lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương chỉ đạt 2.426 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2021. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn sở hữu hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu của một số doanh nghiệp.

Lợi nhuận giảm 21%

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố Báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán cho thấy cái nhìn toàn cảnh về bức tranh tài chính của công ty trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động.

Theo đó, ở mảng tự doanh, Chứng khoán Kỹ Thương ghi nhận doanh thu hoạt động tăng nhẹ 24 tỷ đồng, ở mức 5.218 tỷ đồng.

Khác với năm 2021, doanh thu nghiệp vụ lưu ký chứng khoán chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động, thì sang năm 2022, chỉ tiêu đóng góp nhiều nhất lại là lãi từ các khoản cho vay và phải thu, đạt 1.502 tỷ đồng (tăng 561 tỷ đồng, tương đương tăng 59,6%). Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng nhẹ.

Đáng chú ý, thu nhập hoạt động khác tăng vọt lên 137 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ là hơn 1 tỷ đồng. Lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) gần 258 tỷ đồng (tăng 154%).

Ở chiều ngược lại, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm còn 901 tỷ đồng, doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành chứng khoán là 1.302 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 888 tỷ đồng. Hoạt động nghiệp vụ lưu ký chứng khoán và hoạt động tư vấn tài chính mang về gần 209 tỷ đồng (giảm 78 tỷ đồng).

Hoạt động tài chính của TCBS cũng có bước tăng trưởng mạnh với việc ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2021, đạt 24,5 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất đến từ việc chênh lệch lãi tỷ giá hối đoái đã và chưa thực hiện, ở mức 14 tỷ đồng (gấp 7 lần năm 2021), còn lại là doanh thu, dự thu cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng không có định tăng nhẹ lên 10,5 tỷ đồng.

Trong năm 2022, TCBS ghi nhận khoản lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL gần 199 tỷ đồng (tăng 126%). Điều này là nguyên nhân đẩy chi phí hoạt động của TCBS lên cao gần 991 tỷ đồng (tăng 380 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí quản lý cùng tăng so với năm 2021, lần lượt là 738 tỷ đồng và 480 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, TCBS đạt doanh thu hoạt động 5.268 tỷ đồng và lãi trước thuế 3.058 tỷ đồng, thực hiện khoảng 90% kế hoạch năm. Sau khi trừ các chi phí về thuế, TCBS thu về 2.426 tỷ đồng lãi ròng . Tuy nhiên, nếu so với năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng lãi ròng của TCBS lại đạt được con số ấn tượng ở mức hơn 3.066 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Chứng khoán Kỹ Thương, lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2022 giảm 639,5 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 21%) so với cùng kỳ năm 2021 chủ yếu do kết quả hoạt động giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở hữu 7.000 tỷ đồng trái phiếu

Một điểm sáng trong bức tranh tài chính của chứng khoán Kỹ thương là tổng tài sản của công ty này tại thời điểm ngày 31/12/2022 ở mức 26.091 tỷ đồng, tăng thêm 1.544 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, đạt gần 26.000 tỷ đồn, còn lại là 143 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Nợ phải trả của TCBS ở mức 15.102 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2021. Trong đó, nợ dài hạn của TCBS giảm còn hơn 1.723 tỷ đồng, chủ yếu là nợ từ nguồn trái phiếu phát hành dài hạn. Tuy nhiên, phần nợ phải trả ngắn hạn lại tăng khá mạnh lên hơn 13.378 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ là 10.818 tỷ đồng.

TCBS sở hữu nhiều lô trái phiếu niêm yết, chưa niêm yết của một số doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cũng cho biết TCBS có 1.708 tỷ đồng trái phiếu phát hành dài hạn đáo hạn trong giai đoạn 2023-2026. Đây là các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 2-5 năm.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2022, tổng tài sản tài chính sẵn sàng để bán AFS đạt 10.524 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm trước đó. Trong đó giá trị trái phiếu niêm yết là 861 tỷ đồng, giá trị trái phiếu chưa niêm yết gần 6.350 tỷ đồng. Trong đó có trái phiếu doanh nghiệp do các công ty Masan Meatlife, Vingroup, Vinhomes, Vinfast, Đầu tư và Phát triển Sài Gòn, Đầu tư Golden Hill... phát hành.

Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 1/2023, TCBS còn bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước ra quyết định xử phạt 250 triệu đồng vì sai phạm liên quan đến các lô trái phiếu của Công ty cổ phần Wealth Power, Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill cũng như lỗi chậm báo cáo thông tin liên quan với cơ quan chức năng.

Về kế hoạch năm 2023, TCBS đặt mục tiêu doanh thu hoạt động 4.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, Chứng khoán Kỹ Thương đang đặt kế hoạch doanh thu hoạt động giảm 10%, trong khi lợi nhuận giảm 35%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) được thành lập từ năm 2008, là công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam Techcombank với tỷ lệ sở hữu 88,8% vốn điều lệ.

TCBS Hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Hiện tại, ông Nguyễn Xuân Minh đang giữ chức Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Thu Hiền.

Vân Anh

Tin nổi bật