Trường hợp nhiễm bệnh và tử vong sau khi được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ là cực thấp. Ảnh minh họa
Đài NBC đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 2/8 (giờ địa phương) đã tiếp tục công bố một loạt dữ liệu về tình hình dịch COVID-19, trong đó đáng quan tâm chính là số liệu liên quan đến các "ca nhiễm đột phá" (nhiễm bệnh sau khi tiêm chủng đầy đủ).
Theo đó, tính đến cuối tuần trước, tổng số người được tiêm chủng đầy đủ trên cả nước Mỹ khoảng 164 triệu người, với cụ thể 125.683 ca nhiễm đột phá, chiếm khoảng 0,077% tổng số người. Điều đó có nghĩa cứ khoảng 1.300 người được tiêm chủng đầy đủ mới có khoảng 1 người mắc bệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tổng số ca nhiễm đột phá có thể cao hơn 125.683 vì 9 bang bao gồm Pennsylvania và Missouri đã không cung cấp thông tin về các ca nhiễm đột phá. Trong khi đó, các bang có tình hình dịch bệnh phức tạp như Florida cũng không cung cấp tổng số ca nhiễm đột phá nhập viện và tử vong.
CDC Mỹ cũng chỉ ra rằng trong 164 triệu người đã hoàn thành nghĩa vụ tiêm chủng ở Mỹ thì chỉ có 6.000 người bị nhiễm bệnh tử vong, tỷ lệ chưa tới 0,001%. Những trường hợp tử vong này chủ yếu tập trung ở những người đang được điều trị bệnh nền và cao tuổi. Như ở bang Louisiana, độ tuổi trung bình của những ca nhiễm đột phá bị nặng và tử vong là 73.
Ngoài ra, hơn 95% số ca nhập viện, tử vong ở các bang của Mỹ đều là những người chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm một mũi.
Mỹ ngày 2/8 đã đạt mục tiêu tiêm chủng do Tổng thống Joe Biden đề ra là 70% dân số được tiêm ít nhất 1 liều, chậm một tháng so với dự kiến ban đầu là ngày 4/7. Nguyên nhân được cho là do tốc độ tiêm chủng chậm, đặc biệt là ở những khu vực bảo thủ ở miền nam và trung tây nước Mỹ, cũng như với những người trẻ tuổi, thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số.
Theo worldometers, Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 35,89 triệu ca nhiễm và gần 630.000 trường hợp tử vong đã được ghi nhận.
Hoa Vũ (Theo Sohu)