Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chữa bệnh qua mạng: Cái giá phải trả cho niềm tin đặt sai chỗ

(DS&PL) -

Thay vì đến bệnh viện mỗi khi ốm đau bệnh tật, một số người lại ngồi nhấp chuột nhờ “bác sĩ mạng” kê đơn, bốc thuốc.

Thay vì đến bệnh viện mỗi khi ốm đau bệnh tật, một số người lại ngồi nhấp chuột nhờ “bác sĩ mạng” kê đơn, bốc thuốc. Nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt khi giao sức khỏe, tính mạng của mình và người thân cho những “lang băm” hay nhân viên bán thuốc không qua đào tạo...

Kê đơn như... thần y

Bằng vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng xã hội Facebook, PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) dễ dàng tham gia vào một số hội nhóm hỏi đáp, chia sẻ cách chữa bệnh cho con của các bà mẹ.

Tại đây, bạt ngàn những câu hỏi liên quan đến các loại bệnh được đưa ra. Đáp lại, cũng có nhan nhản những câu trả lời khác nhau để chẩn đoán dấu hiệu mắc bệnh và cách điều trị.

Hễ một bà mẹ hỏi xin ý kiến về bệnh tật của con, thông qua miêu tả và hình ảnh, video clip phản ánh triệu chứng bệnh của em bé, lập tức sẽ xuất hiện bạt ngàn lời khuyên “hợp lý” của các bà mẹ khác. Thuốc đông, thuốc tây, thậm chí là những bài thuốc dân gian không có căn cứ khoa học nào cũng được các mẹ gợi ý sử dụng cho bà mẹ có con đang ốm.

Trong bài đăng của mẹ Nguyễn Thị Nhung có con bị ho, có đoạn: “Có cách gì trị dứt điểm ho, sổ mũi cho con không các mẹ? Em nhìn con ho mà xót quá”. Bên dưới bài đăng, PV bắt gặp vô số lời chẩn đoán, kê bệnh khác nhau đến từ các bà mẹ khác. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ có một vài ý kiến khuyên bà mẹ này nên đưa em bé đến bệnh viện để được thăm khám trực tiếp.

Dù không biết đứa trẻ ho vì lý do gì nhưng mẹ Thanh Phương đã khuyên cho bé uống tinh dầu húng chanh và chắc chắn: “Chị cứ cho con uống là sẽ khỏi ngay”. Mẹ Thùy Trang thì chẩn đoán bé bị viêm họng và khuyên dùng tinh dầu tỏi.

Vô vàn những chẩn đoán “chuyên môn” được đưa ra.

Tương tự, đối với trường hợp một bà mẹ có con nghi bị chàm sữa, lại trăm ngàn ý kiến được đưa ra như: Rang hạt kê rồi đun sôi lấy nước tắm cho em bé, cho bé ăn kiêng để giảm chàm sữa hay đến cả kem bôi da đông y đủ các thương hiệu.

Thậm chí, một số bà mẹ đã đưa con đi khám, được bác sĩ kê đơn song lại không tin lời bác sĩ mà lên mạng hỏi lại cho chắc. Chị Ngọc Huyền – một người mẹ có con viêm họng có mủ - chia sẻ: “Chị không muốn cho con chị uống thuốc kháng sinh vì kháng sinh rất hại đến cơ thể trẻ con. Nên chị không mua thuốc theo đơn của bác sĩ mà về cho uống quất hấp mật ong”.

Khi PV nêu câu hỏi: “Nhưng theo chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa Nhi thì con nhà chị bị viêm họng bội nhiễm có mủ rồi, chị không sợ không điều trị thì bệnh sẽ lan xuống phế quản và phổi à?”, chị Huyền khẳng định chắc nịch: “Các mẹ trên hội bỉm sữa nói thế mà em. Trẻ con uống nhiều kháng sinh quá không phát triển được đâu”.

Nói rồi, chị Huyền gửi cho PV một mẩu giấy, trên đó là nguệch ngoạc các dòng chữ được quảng cáo chữa viêm họng hiệu quả. Khi thấy PV thắc mắc về các thành phần ghi trên mẩu giấy, chị Huyền tặc lưỡi: “Mấy cái này chị được người ta gửi cho, chứ cụ thể cái đó là gì chị cũng không biết”.

Nhốn nháo “lang băm”, “trình dược viên rởm”

Ngoài hoạt động “thăm khám, kê đơn” một cách tự phát, PV ĐS&PL nhận thấy tại các hội nhóm này xuất hiện nhiều đối tượng “thừa nước đục thả câu” rao bán đủ các loại “thần dược” trị bách bệnh. Những đối tượng này có một điểm chung là lợi dụng tâm lý xót con khi phải dùng thuốc quá nhiều và tâm lý ngại xếp hàng chen chúc ở bệnh viện của các bà mẹ để bán hàng.

Trong vai một người có cháu nhỏ bị viêm tai giữa, PV hỏi mua tinh dầu trị bệnh giá 270 nghìn đồng từ một người bán hàng có tên Phạm Thủy trên Facebook. Khi thấy PV phàn nàn rằng dù đã đưa cháu đến bệnh viện nhiều lần nhưng vẫn không đỡ, chị Thủy nhanh miệng: “Đi viện bác sĩ chỉ cho uống thuốc kháng sinh rồi vẫn bị lại thôi em, không chữa dứt điểm được đâu”.

Theo lời chị Thủy, sản phẩm chữa viêm tai này là sản phẩm lành tính, có xuất xứ thảo mộc và là một bài thuốc nam được điều chế thành tinh dầu, đảm bảo không gây hại gì cho trẻ em.

“Sản phẩm này bên chị rất an toàn, có thể dùng được cho cả mẹ bầu lẫn trẻ em trên 6 tháng tuổi nên em có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng”, chị Thủy khẳng định.

Mặc dù PV nhiều lần nhấn mạnh rằng cháu mình bị viêm tai khá nặng, vẫn phải duy trì điều trị theo quy định của bác sĩ, chị Thủy thao thao bất tuyệt về “thần dược” của mình: “Cháu em có nặng đến mấy thì đảm bảo dùng thuốc này của chị, sau 3 tháng sẽ khỏi hẳn. Nếu không khỏi chị sẽ hoàn tiền lại cho em”.

Bí kíp chữa… bách bệnh.

Như để có thêm lòng tin của PV, chị Thủy liên tục gửi đến những hình ảnh về hiệu quả sản phẩm đã được những khách hàng khác phản hồi sau khi sử dụng.

Nhìn vào các bức ảnh quảng cáo được chị Thủy gửi, PV “ngã ngửa” khi thấy cùng là lọ tinh dầu đó, có thể vừa trị viêm tai vừa trị... sâu răng. Giải đáp về thắc mắc này của PV, chị Thủy chắc chắn: “Đây là sản phẩm lành tính, dùng được cho nhiều bộ phận trên cơ thể em ạ”.

Vì trót tin vào những “trình dược viên rởm” này, chị Hoàng Thị Tuyết (Bắc Ninh) đã phải bỏ công việc để “ăn chực nằm chờ” hàng tháng cùng con ở bệnh viện. Nguyên nhân là, khi thấy đứa con 8 tháng tuổi có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên (sổ mũi, khò khè, ho có đờm, sốt nhẹ...), chị Tuyết đã ngay lập tức gia nhập “bệnh viện mạng xã hội”. Đáp lại lời cầu cứu của chị là vô vàn “bác sĩ” và các “đơn thuốc” được kê ra.

“Mọi người chỉ cho tôi nhiều cách đến mức tôi không biết phải chữa cho con bằng cách nào. Trong số đó có một chị đã chủ động nhắn tin riêng cho tôi và bày cho tôi cách pha tinh dầu cho con uống để trị dứt điểm bệnh này”, chị Tuyết nhớ lại.

Theo chị Tuyết, người này nói rằng con mình cũng từng bị viêm đường hô hấp và dùng hết một lọ tinh dầu là đã khỏi hẳn. Đang lo lắng, bà mẹ này liền tin tưởng người lạ, cho con dùng một sản phẩm mà chính mình không rõ nó có nguồn gốc xuất xứ thế nào, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất ra sao.

Cuối cùng, cái giá mà chị phải trả là sau một ngày, bệnh của con ngày càng nặng. Cháu bé sốt cao liên tục, bỏ bú, ngủ li bì, bụng thở phập phồng đến lõm cả xương sườn, chân tay lạnh và nhợt nhạt... Quá hoảng hốt, lúc này gia đình mới lập tức đưa em bé vào bệnh viện để điều trị.

Các bác sĩ cho biết, con chị bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, tiến triển thành viêm phổi cấp. Cháu bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, rất may đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. “Nghĩ lại tôi thấy hú hồn, nếu chẳng may con gặp chuyện chẳng lành thì chắc tôi không thể sống nổi vì dằn vặt”, chị Tuyết xúc động nói.

Cũng theo người mẹ này, về sau chị mới biết, bà mẹ với “ý tốt” chia sẻ phương pháp điều trị bằng tinh dầu cho chị thực ra là người bán sản phẩm đó. Đến giờ, tuy cháu bé đã khỏi bệnh viêm phổi từ lâu nhưng vẫn bị ảnh hưởng, mỗi khi trời trở lạnh là cháu dễ bị nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn hơn những đứa trẻ khác.

“Chỉ vì sự thiếu tỉnh táo, nhẹ dạ cả tin của tôi đã khiến sức đề kháng của con tôi bị ảnh hưởng. Đây là một bài học đắt giá cho những người làm mẹ như tôi”, chị Tuyết nói.

“Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 về “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”, quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Tuy nhiên, rất khó để xử lý những trường hợp này, đặc biệt trong lĩnh vực thuốc, còn cần phải tùy vào mức độ cũng như tính chất của vụ việc để có thể quyết định xem trường hợp đó cần xử phạt theo mức độ nào”.

Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Lê Trà

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (175)

Tin nổi bật