Liên tục nhận được tin nhắn đe dọa, uy hiếp tính mạng từ các số điện thoại lạ sau khi dẹp lấn chiếm hành lang tuyến đường sắt, chủ tịch xã ở Đồng Nai phải "cầu cứu" công an.
Báo Dân Trí đưa tin, ngày 13/4, ông Bùi Ngọc Thao, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3 cho biết, ông đã gửi báo cáo lãnh đạo huyện trình bày việc ông liên tiếp nhận được các tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung đe dọa tính mạng, sức khỏe của ông.
Vị Chủ tịch xã này cũng cho biết hiện UBND huyện Trảng Bom đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc, điều tra vụ việc.
Theo ông Thao, vào lúc 18h58 phút ngày 28/2, ông nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: “Cứ giải tỏa đi Thao, chúng tao không cần nữa, chỉ cần đôi mắt của mày thôi Thao, thù này quyết phải trả kể cả lâu dài”.
Tiếp đó, ngày 4/3, ông Thao lại nhận được 2 tin nhắn từ một số điện thoại lạ khác. Tin nhắn thứ nhất có nội dung: “Ông Thao, ông để cho chúng tôi yên ổn làm ăn thì ông cũng được yên, còn ác sẽ gặp ác. Quy luật mà ông, tất cả vì cuộc sống, bất chấp”. Tin nhắn thứ 2 có nội dung: “Ông Thảo, ông để chúng tôi yên ổn làm ăn thì ông cũng yên, ông hại chúng tôi thì chó cùng phải cắn giậu thôi, ông biết câu này chứ”.
Ông Thao cho biết, khi gọi lại vào các số điện thoại có nội dung đe dọa thì đã tắt máy.
Một trong những tin nhắn với nội dung đe dọa gửi đến số máy điện thoại của ông Bùi Ngọc Thao - Ảnh: báo Dân Trí |
Liên quan đến vụ việc này, báo VnExpress đưa tin, những tin nhắn đe dọa xuất hiện từ khi ông đi kiểm tra, xử lý các hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Theo ông Thao, việc người dân lấn chiếm đường sắt đi qua địa bàn xã Hố Nai 3 xảy ra nhiều năm nay, rất phức tạp, ảnh hưởng an toàn giao thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Qua kiểm tra, UBND xã lập biên bản 54 trường hợp vi phạm tự ý xây dựng nhà kiên cố, lán tạm và các công trình khác.
"UBND huyện có chỉ đạo hết tháng này, các hộ trên phải tự tháo dỡ và di dời công trình vi phạm. Nếu sau thời gian trên không thực hiện thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế", ông Thao nói.
Điều 135. Tội đe dọa người khác (Bộ Luật Hình Sự sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)