Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả: Nghị quyết 68 - Điểm tựa để bứt phá cho "những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế"

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhận định, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là thông điệp mạnh mẽ, giúp tháo gỡ những định kiến lâu nay về doanh nghiệp tư nhân.

Cơ hội vàng cho kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68-NQ/TW, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025 có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.

Kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Nghị quyết cũng nêu quan điểm chỉ đạo xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế...

Một trong những nội dung được Nghị quyết 68 đề cập đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân. Trong đó chú trọng tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm. Khuyến khích phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, nhân rộng, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhận định: “Thiếu nhân lực là điểm nghẽn lớn, cách thức đào tạo hiện nay tại một số trường thật sự chưa ổn và không phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Chúng ta hãy nhìn nhận nghiêm túc về năng suất lao động hiện nay của đội ngũ nhân lực của chúng ta, không thể tự cho mình đã giỏi rồi mà thiếu đi sự cầu thị học hỏi và chắc chắn đội ngũ kế thừa phải có sự chuẩn bị kỹ hơn, chuyên sâu hơn.

Chúng tôi từng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ những người đi trước, sáng tạo các mô hình như: cải tiến công nghệ thi công NATM (hệ Đèo Cả) hay mô hình PPP ++ cũng chính từ việc nghiêm túc nhìn nhận và biết mình ở đâu và khó khăn gì để tự học, tự hoàn thiện...

Tất cả những điều này chúng tôi đã đúc rút chứng thực tại các dự án, đang được hệ thống hoá thành cẩm nang phục vụ cho việc đào tạo nội bộ và chia sẻ cho các đơn vị đào tạo, lấy tri thức tạo nên giá trị, để các thế hệ trẻ của doanh nghiệp tiếp tục kế thừa phát huy làm tốt trong nước, sẵn sàng vươn tầm quốc tế".

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, Nghị quyết 68 được ban hành có rất nhiều nội dung nhắc đến những điều doanh nghiệp đang nghĩ, đang làm và đang lo. Từ việc phát triển nhân lực, đẩy mạnh công nghệ số, hợp tác quốc tế… hay tháo gỡ những vướng mắc đã tồn tại nhiều năm.

Nghị quyết thể hiện sự ủng hộ sâu sắc, thấu hiểu, tin tưởng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước vào sự phát triển của kinh tế tư nhân, mở ra cơ hội rõ ràng cho doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Những doanh nghiệp uy tín, trưởng thành bằng thực lực, chấp nhận hy sinh một giai đoạn để cùng chia sẻ với Nhà nước, đối diện với những bất cập sẽ có cơ hội chứng thực khi những nút thắt cũ được tháo gỡ, những vấn đề hiện tại được giải quyết, xác lập các việc phải làm của doanh nhân – doanh nghiệp lúc này và đặc biệt hoạch định rõ nét tầm nhìn cho tương lai.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, đồng hành đất nước bước vào kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải loại bỏ tư tưởng cũ - tư tưởng thiếu chia sẻ - cạnh tranh không lành mạnh.

"Khát vọng đã có sẵn và nay niềm tin đã được củng cố từ định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68 mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo vừa qua. Việc còn lại để doanh nghiệp phát triển tốt, bền vững, sẵn sàng cạnh tranh quốc tế chính là nhiệm vụ của chúng ta.

Đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp đang đứng trước những vận hội mới, đừng đòi hỏi gì thêm nữa mà cần: Dám nghĩ - Dám nói - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói… hãy đưa ra những sản phẩm thực cho xã hội - mà tốt nhất là người Việt Nam hoàn toàn làm chủ trong giai đoạn chuyển mình của đất nước”, ông Hoàng nói.

Dự án hầm Đèo Cả

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhận định, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là thông điệp chính trị mạnh mẽ, giúp tháo gỡ những định kiến lâu nay về doanh nghiệp tư nhân, đó là động lực cho doanh nhân - những “chiến sĩ thời bình” trên mặt trận kinh tế và khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của cộng đồng kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68 là cơ sở giải quyết những bất cập tồn tại cũ, xác lập công việc hiện tại phải làm và góp phần kiến tạo tương lai của dân tộc.

Nghị quyết này cũng thể hiện sự thấu hiểu của Bộ Chính trị đối với những trăn trở của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững, từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mở rộng hợp tác quốc tế.

Theo ông Hoàng, doanh nghiệp muốn làm tốt bất kỳ việc gì, muốn phát triển bền vững thì trước hết phải có một điểm tựa. Archimedes từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả quả đất lên". Với ông, điểm tựa ấy chính là Nghị quyết 68.

Cũng theo Chủ tịch Đèo Cả, Nghị quyết 68 nhấn mạnh cần tháo gỡ các rào cản thể chế, những vướng mắc tồn tại nhiều năm... Ví dụ như cam kết của Nhà nước về tháo gỡ vướng mắc kéo dài của các dự án BOT, hay cam kết của doanh nghiệp về thực hiện các dự án đầu tư không đảm bảo dẫn đến nhiều dự án trở thành “quy hoạch treo”.

Bên cạnh niềm tin của Đảng và "cánh cửa cơ hội" mà Nghị quyết 68 đã mở ra đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng chỉ ra những thách thức trước mắt trong việc triển khai hiệu quả văn kiện, bao gồm cả việc tự khắc phục những hạn chế nội tại.

"Mọi cơ chế ưu đãi được ban hành không nhằm tạo lập “luật riêng” cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào, mà để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tận tâm, tận lực và tận hiến, gắn kết vì mục tiêu phát triển bền vững chung", ông Hồ Minh Hoàng cho biết.

2 kiến nghị, 5 giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân

Sau gần 40 năm Đổi mới (1986 - 2025), hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước đã có những bước tiến đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Nhiều năm qua, hàng loạt dự án trọng điểm trong nước đã không còn phụ thuộc vào vốn ngân sách Nhà nước hay vốn, công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông được Tập đoàn Đèo Cả triển khai hiệu quả dựa trên 3 trụ cột: ứng dụng công nghệ, liên kết tài chính, đào tạo nhân lực.

Lấy dẫn chứng về dự án hầm Đèo Cả, doanh nghiệp ban đầu đã tiếp cận chuyên gia nước ngoài nhằm từng bước làm chủ công nghệ đào hầm xuyên núi, từ đó sáng tạo ra phương pháp đào hầm "NATM hệ Đèo Cả", giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian thi công.

Thi công hầm đường bộ số 3 Dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn bằng phương pháp thi công hệ Đèo Cả

Khi triển khai các dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Đèo Cả áp dụng mô hình PPP++ nhằm huy động nguồn lực tài chính, năng lực thi công của các doanh nghiệp trong nước. Từ đó giúp kiểm soát chi phí, chất lượng công trình, tối ưu hiệu quả đầu tư cho dịch vụ công.

Nhằm chuẩn bị tốt cho các dự án hạ tầng chiến lược, Đèo Cả đã hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế, lấy công trường làm thao trường, xây dựng các trung tâm đào tạo - huấn luyện - thực hành, vừa bổ sung nhân lực thi công dự án, vừa tạo môi trường để sinh viên, học viên các trường được nâng cao năng lực thực chiến.

Trong bối cảnh dư địa phát triển hạ tầng giao thông của đất nước vô cùng lớn, với hàng loạt dự án đường bộ và đường sắt sắp được triển khai, Đèo Cả hướng tới việc hình thành các tổ hợp nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp, trở thành nhà tổ chức, kiến tạo nên hệ sinh thái bền vững.

Hưởng ứng tinh thần sôi nổi trong cộng đồng doanh nghiệp kể từ sau sự ra đời của Nghị quyết 68, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đưa ra hai kiến nghị.

Thứ nhất, để Nghị quyết 68 nhanh chóng đi vào thực tiễn, kiến nghị các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá các nội dung trong văn kiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các địa phương, doanh nghiệp thuận lợi triển khai.

Thứ hai, các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng chủ động triển khai, áp dụng ngay những nội dung đã rõ trong Nghị quyết 68 trong công tác chỉ đạo điều hành, nhằm tận dụng hiệu quả chính sách, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả lưu ý các doanh nghiệp hiện nay nên coi trọng thái độ nhân sự hơn trình độ, chọn lọc nhân sự để sử dụng và đào tạo để trọng dụng

Bên cạnh đó, để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lành mạnh, minh bạch và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết 68, Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất một số phương pháp và khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp.

Một là, xây dựng doanh nghiệp văn hóa đại diện cho lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp, nơi các ý kiến được đưa ra đều hướng tới mục đích chung. Trong trường hợp có ý kiến phản biện, thì phản biện đó cũng mang tính xây dựng... có sự cạnh tranh lành mạnh.

Hai là, cộng đồng doanh nghiệp phải hoạt động theo cam kết lời nói đi đôi với việc làm. Các doanh nhân cần có tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên, nhưng cũng nhìn về lợi ích phù hợp của mình để làm động lực phát triển.

Ba là, doanh nghiệp cần kiên định với chiến lược kinh doanh, cần nắm bắt xu hướng nhu cầu của đất nước để hoạch định phương hướng phát triển. Nếu muốn mở rộng quy mô - phát sinh lợi nhuận thì phải từ mối liên kết cộng sinh các hệ sinh thái “Con đường vàng tạo ra giá trị vàng” và “Biến dòng người thành dòng tiền”.

Bốn là, doanh nghiệp tư nhân cần thay đổi tư duy “cai trị” bằng “quản trị”. Các doanh nghiệp hiện nay nên coi trọng thái độ nhân sự hơn trình độ, chọn lọc nhân sự để sử dụng và đào tạo để trọng dụng. Chủ động nhìn nhận điểm yếu về năng suất lao động của doanh nghiệp hiện nay để ứng dụng công nghệ trong quản trị, tăng cường tổ chức đào tạo nhân lực thực hành.

Năm là, lấy bài học tối ưu chi phí, giảm thiểu nhân lực của Nhà nước đã làm để tăng năng suất - tăng thu nhập cho người lao động thông qua việc tinh gọn bộ máy, phân công lao động, đánh giá hiệu quả công việc.

“Doanh nghiệp mong mỏi có được những con đường tâm huyết dưới ngọn đuốc soi đường của Đảng, để "con đường từ miệng đến tay" trở nên ngắn hơn. Nếu chúng ta cùng nhau thấu hiểu và triển khai hiệu quả Nghị quyết 68, sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho kinh tế tư nhân, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân

Không còn chỗ cho kiểu lãnh đạo  dựa trên mệnh lệnh hay cảm tính,

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, Chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân chia sẻ, việc chuyển từ tư duy sang “quản trị” theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước chuyển mình tất yếu và mang tính khai phóng đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong tâm thế phòng thủ, lo ngại rủi ro pháp lý, thiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh.

Nghị quyết 68 đã thổi luồng sinh khí mới, khi khẳng định mạnh mẽ vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế và đặt ra yêu cầu nâng cấp toàn diện năng lực quản trị. Không còn chỗ cho kiểu lãnh đạo “cai trị” dựa trên mệnh lệnh hay cảm tính, mà thay vào đó là mô hình quản trị minh bạch, hiện đại, có chiến lược rõ ràng và tôn trọng pháp luật.

Đây không chỉ là sự thay đổi trong cách điều hành nội bộ, mà còn là lời kêu gọi doanh nghiệp bước ra khỏi "vỏ bọc an toàn", chủ động đổi mới, vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Chuyển đổi tư duy quản trị không đơn thuần là kỹ thuật, đó là nền móng cho một thế hệ doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh, có trách nhiệm và đủ bản lĩnh dẫn dắt tương lai nền kinh tế. 

Tin nổi bật