Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam. Những năm qua, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác này. Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ TS.Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam xoay quanh vai trò, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
NĐT: Thưa Chủ tịch, bên cạnh thế mạnh nòng cốt tham gia xây dựng pháp luật, 7 thập kỷ qua, Hội Luật gia Việt Nam còn là địa chỉ tin cậy, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân. Xin Chủ tịch cho biết những kết quả ấn tượng đối với công tác này trong thời gian gần đây?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể khẳng định, trong thời gian qua Trung ương Hội và các cấp Hội luật gia trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý bằng nhiều hoạt động đa dạng, đã giúp đỡ cho nhiều đối tượng cần tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Nhìn lại năm 2023, các Luật gia của các Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội tham gia, thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam đã trực tiếp tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương được 89 ngày và tiếp 95 lượt công dân, được lãnh đạo Trụ sở tiếp công dân Trung ương ghi nhận và đánh giá cao.
Ở các cấp hội, nhiều tỉnh, thành Hội đã được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận, đề nghị đại diện Hội Luật gia tham gia tiếp công dân với UBND tỉnh, thành phố theo định kỳ.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền.
Hội Luật gia các tỉnh, thành phố; các trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội; các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người thuộc diện chính sách, người nghèo, người già neo đơn, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và những người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc có phí cho công dân theo yêu cầu.
Nội dung tư vấn và trợ giúp pháp lý đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực như: Hôn nhân và gia đình, lao động, bảo hiểm, tranh chấp đất đai, di chúc, trích lục hộ tịch, thừa kế, xâm hại tình dục trẻ em…Hình thức tư vấn có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp qua tổng đài điện thoại đường dây nóng.
Theo thống kê, trong năm 2023 các cấp hội đã tư vấn pháp luật được hơn 105.000 vụ việc và trợ giúp pháp lý được hơn 42.000 vụ việc. Tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại được hơn 21.000 vụ việc.
NĐT: Như Chủ tịch vừa chia sẻ, Hội Luật gia các cấp luôn chú trọng, ưu tiên việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý các đối tượng thuộc diện chính sách, vùng biên giới hải đảo. Điện Biên là một tỉnh vùng biên giới còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được địa phương quan tâm. Thời gian qua, Trung ương Hội đã có sự phối hợp với địa phương, chỉ đạo Hội Luật gia tỉnh Điện Biên như thế nào trong công tác này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Hàng năm, Trung ương Hội đều có kế hoạch,tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh Điện Biên. Sau tập huấn, cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh tập huấn lại cho đội ngũ cán bộ ở địa phương.
Bên cạnh đó, hàng năm Trung ương Hội cũng tổ chức tập huấn thường xuyên các văn bản pháp luật quan trọng, văn bản pháp luật mới đến cán bộ, hội viên Hội Luật gia các địa phương. Từ đó, cán bộ, hội viên các tỉnh về địa phương triển khai.
Về công tác phối hợp, Trung ương Hội Luật gia phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Điện Biên phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ, hội viên, hội Luật gia của tỉnh, tổ chức các hội nghị tập huấn. Cùng với đó, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến giáo dục pháp luật định kỳ hàng năm.
Ngoài ra, bổ sung thêm các nội dung gắn với tình hình của địa phương như tại Điện Biên có nội dung bảo vệ phát triển rừng; pháp luật phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm…
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được các cấp Hội triển khai sâu rộng.
Đối với công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, chúng tôi cũng thường xuyên tập huấn cho tư vấn viên pháp luật để tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người dân. Trong đó, để các tư vấn viên có kiến thức, kỹ năng và chú ý đến các nhóm đối tượng yếu thế, trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình, người chấp hành án phạt tù nay trở về địa phương…
Chúng tôi ghi nhận và đánh giá Hội Luật gia tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, bám sát nội dung tuyên truyền do Trung ương Hội Luật gia định hướng và sát với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đa dạng các hình thức phổ biến.
Các Chi hội Luật gia trực thuộc Hội Luật gia tỉnh Điện Biên luôn bám sát Chương trình công tác Hội, phối hợp, lồng ghép với công tác chuyên môn thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Như trong năm 2023, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên và các Chi hội Luật gia trực thuộc đã tuyên truyền, phổ biến các Luật như: Luật Thi đua Khen thưởng; Luật Cảnh sát cơ động và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Luật Dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình…
Cùng với đó, các chi hội luật gia trực thuộc đã tham gia tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với hàng chục nghìn lượt người tham dự.
Hội Luật gia tỉnh Điện Biên cũng đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức trong tỉnh tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người dân ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người.
Trong điều kiện một tỉnh miền núi còn khó khăn như Điện Biên, có thể nói công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết của người dân về pháp luật. Đặc biệt là người dân được trang bị những kiến thức, những hiểu biết nhất định để có tiền đề thực hiện đúng những quy định của pháp luật hiện hành, góp phần làm cho những quy định của pháp luật thiết thực đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường bảo đảm an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển bền vững ở địa phương.
NĐT: Với những đóng góp quan trọng của Hội Luật gia tỉnhĐiện Biênvà các Chi hội Luật gia trực thuộctrong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Thời gian tới, theo ông chúng tacần tiếp tục triển khai công tác này như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Hội Luật gia tỉnh Điện Biên và các Chi hội Luật gia trực thuộc cần tiếp tụctriển khai, thực hiện tốt vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương.Tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý;
Tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đường lối chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên;
Hội Luật gia tỉnh Điện Biên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại xã Sa Dung huyện Điện Biên Đông.
Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đa dạng các hình thức phổ biến như: Lồng ghép thực hiện công tác Hội Luật gia vào hoạt động chuyên môn tại các cơ quan, cung cấp đề cương phổ biến, in ấn, cấp phát các tờ rơi, tờ gấp pháp luật, sử dụng mạng xã hội, gmail để tuyên truyền pháp luật...
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các Luật, pháp lệnh mới được sửa đổi hoặc ban hành; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm, ma túy, dịch bệnh, thiên tai…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/1/2024 phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024-2030”.
Về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch thực hiện đề án đã được Trung ương Hội gửi tới các tỉnh, thành Hội và các chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội để chủ động nghiên cứu, ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của từng đơn vị.
Trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tổ chức quán triệt việc thực hiện Đề án; phát huy vai trò thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; nâng cao năng lực cho Hội Luật gia các cấp để tham gia thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tổ chức hội thảo, tọa đàm góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho từng khâu của công tác phổ biến giáo dục pháp luật…
Đồng thời, tiếp tục mở rộng đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn pháp lý đến với bà con vùng sâu, vùng xa, để bà con nhân dân hiểu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Kết quả đạt được của Hội Luật gia tỉnh Điện Biên rất rõ nét
Trong năm 2023 Hội Luật gia tỉnh Điện Biên và các Chi hội trực thuộc đã trực tiếp tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật 61 cuộc cho 19.749 lượt người tham dự và phối hợp tổ chức được 639 cuộc tuyên tuyền cho 42.008 lượt người tham dự, cấp phát miễn phí 59.167 tờ rơi, tờ gấp pháp luật.
Như Chi hội Luật gia huyện Tủa Chùa phối hợp tổ chức thực hiện 192 cuộc tuyên truyền cho 9.702 lượt người tham dự; Chi hội Luật gia huyện Nậm Pồ phối hợp thực hiện 326 cuộc tuyên truyền với 21.579 lượt người tham dự, cấp phát 7.441 tờ gấp pháp luật về chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng nông thôn mới; Chi hội Luật gia huyện Mường Ảng tổ chức 12 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với 713 lượt người dân tham gia; Chi hội Luật gia huyện Mường Chà phối hợp tham gia 82 cuộc tuyên truyền cho 8.343 lượt người tham gia, cấp phát 6.596 tờ rơi tờ gấp pháp luật…
“Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý thời gian qua và những kết quả đạt được của Hội Luật gia tỉnh Điện Biên rất rõ nét, được cấp ủy đảng và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội Luật gia tại địa phương”, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Điện Biên Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh
Theo Hoàng Thị Bích
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chu-tich-hoi-luat-gia-viet-nam-dua-phap-luat-gan-gui-voi-nguoi-dan-a659283.html