Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chữ ký số ứng dụng mạnh trong 4 lĩnh vực: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, chứng khoán 

(DS&PL) -

Chữ ký số đã và đang được mở rộng ứng dụng tại Việt Nam và đem lại những kết quả khả quan. Trong số đó, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, chứng khoán là 4 lĩnh vực đạt được kết quả ấn tượng trong ứng dụng chữ ký số.

Theo Báo cáo tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam năm 2019 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, 4 lĩnh vực đã đạt được những kết quả ứng dụng ấn tượng là thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội (BHXH), chứng khoán. Đây là báo cáo lần thứ 4 do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì biên soạn. Những thông tin, số liệu, nhận định đưa ra trong Báo cáo được tổng hợp, phân tích từ số liệu khảo sát của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Sau 10 năm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số tại Tổng cục Thuế, hiện nay tần suất sử dụng ngày càng tăng cao. Tính đến thời điểm 31/3/2019, theo báo cáo có 711.604 tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh sử dụng chữ ký số trong lĩnh vực thuế, tăng 63.474 tổ chức, doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018. 

Còn trong lĩnh vực Hải quan, báo cáo thống kê có 203.976 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, tăng 61.974 tổ chức, doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những công việc quan trọng đã và đang được ngành Hải quan triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số để xác thực và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ứng dụng chữ ký số để xác thực, trong đó có các dịch vụ như: Hệ thống VNACCS/VCIS Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Trong lĩnh vực BHXH, sau gần 03 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế, DVCTT ứng dụng CKS của ngành BHXH đã có những phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Với lĩnh vực chứng khoán, hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sử dụng chữ ký số trong các hệ thống như: hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán; phần mềm quản lý báo cáo thống kê nội bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư; hệ thống CSDL quản lý công ty chứng khoán; hệ thống CSDL quản lý nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống công bố thông tin. Theo báo cáo năm 2019, tính đến 31/3/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cung cấp 133 dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số để xác thực, trong đó có 13 dịch vụ công mức độ 4. 

Ngoài 4 lĩnh vực trên, việc ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước cũng có kết quả ấn tượng. Ngoài những ưu điểm tiết kiệm về thời gian, chi phí, còn giảm thiểu được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị; thông tin thanh toán nhanh chóng và bảo mật; minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua báo cáo thống kê trên dịch vụ công trực tuyến, tăng trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Số liệu thống kê theo số lượng tài khoản sử dụng trên các hệ thống IDS (hệ thống công bố thông tin trên thị trường chứng khoán), FMS (hệ thống cơ sở dữ liệu công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư), FIMS (hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà đầu tư nước ngoài), SCMS (hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty chứng khoán), cho thấy số lượng doanh nghiệp sử dụng chứng thư số công cộng tính đến 31/12/2018 đạt 2.815 và tính đến 31/3/2019 đạt 2.824 doanh nghiệp. Đây là những kết quả khả quan, cho thấy việc ứng dụng chữ ký số vào các lĩnh vực trở nên thiết thực và rộng rãi hơn.

Tú Linh (T/H)

Tin nổi bật