Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chống tham nhũng: Làm sao giám sát tiền ở đâu ra, có "sạch" không

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Có một thực tế là ở Việt Nam, mọi giao dịch đều thực hiện bằng tiền mặt nên chúng ta không quản lý được nguồn tiền của vị giám đốc hay một quan chức, có từ đâu.

(ĐSPL) - Trên thực tế khi mà các cơ quan hữu quan càng "căng sức" để "điều trị" vấn nạn tham nhũng thì "căn bệnh" này lại dường như có xu hướng diễn biến phức tạp. Câu hỏi đặt ra là tại sao nghịch lý này vẫn tồn tại bao năm qua và hướng tháo gỡ sẽ như thế nào.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay còn chưa tốt.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội: Đi đâu tôi cũng nhận được phản ánh của người dân liên quan đến tham nhũng

Trong nhiều năm tiếp xúc với cử tri, đi tới đâu, tôi cũng nhận được những phản ánh của người dân liên quan đến tham nhũng. Bởi đây là vấn đề mà các cử tri hết sức quan tâm. Từ trước cho tới nay, vấn đề này được Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ luôn đề cập và nhận diện rõ ràng rằng, có bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lạm dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, "ăn" hối lộ.

Nhận diện là như vậy, nhưng cho đến thời điểm này thì việc kiểm soát tham nhũng, chỉ ra được cụ thể là ở đâu, nơi nào lại rất khó. Trong vấn đề này, có trách nhiệm của công tác thanh tra và các cơ quan hữu trách. Chúng ta khẳng định, tham nhũng là có thật nhưng lại không phát hiện ra được. Đây là một nghịch lý, một vấn đề nhức nhối tồn tại bấy lâu nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá.

Đối với công tác chống tham nhũng, theo tôi, phải có sự thống nhất từ trên xuống dưới, có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị. Phải có cơ chế phòng chống tham nhũng thật mạnh mẽ và mang tính răn đe cao để những người có chức có quyền không dám nghĩ đến tiêu cực nữa. Theo tôi, đối với thanh tra, nếu cơ quan trước không phát hiện được tham nhũng, nhưng cơ quan sau lại phanh phui được thì cơ quan trước phải bị xử lý. Công tác thi đua trong chống tham nhũng cũng cần được đề cao. Chính phủ từng có các đề xuất thưởng phạt trong việc phát hiện, tố cáo tham nhũng nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo tổng kết cụ thể về vấn đề này. Một số tỉnh hiện nay có chủ trương nhưng chưa thấy đánh giá thực tế.

Do đó, một mặt, việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh nên phải có chính sách khen thưởng hợp lý để khuyến khích người dân tham gia công tác phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, cần thiết phải quy được trách nhiệm người đứng đầu cơ quan. Tức là để bị phát hiện tham nhũng thì người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải bị kỷ luật.

1.006 cuộc thanh tra tham nhũng, xử lý hình sự 1 người (!?)

Mới đây, tại cuộc họp giao ban cấp vụ của Thanh tra Chính phủ, đại diện lãnh đạo vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp cho biết, trong 9 tháng đầu năm, trong công tác phòng chống tham nhũng các ngành, cấp đã tiến hành 1.006 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua đó, phát hiện 53 vụ việc, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 16 người, xử lý hình sự 1 người, chuyển đổi vị trí công tác 4.780 cán bộ, công chức, viên chức.

ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội: Hành vi tham nhũng tinh vi mà cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ

Trả lời báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đinh Xuân Thảo khẳng định, tham nhũng là một hành vi hết sức tinh vi, do những người có chức, có quyền thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở Việt Nam, cơ chế kiểm soát tham nhũng còn chưa tốt và thiếu chặt chẽ.

Thưa ông, chúng ta đã xem tham nhũng là một "quốc nạn", do đó đã có rất nhiều cơ quan, quy định, lập ra để hạn chế, tiến tới "triệt" tận gốc "căn bệnh" này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vụ tham nhũng xảy ra ngày một nhiều. ông đánh giá như thế nào về tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay?

Tham nhũng "vặt" vẫn diễn ra hàng ngày, liên quan đến hoạt động của các cơ quan công quyền. Từ những giao dịch bình thường để giải quyết vụ việc cụ thể nếu có tham nhũng là tham nhũng nhỏ. Loại này diễn ra không phải là ít. Tại sao loại tham nhũng "vặt" khó phát hiện và xử lý, vì có thể do người hối lộ chủ động đưa người có cương vị vào thế như vậy, còn người có cương vị do lòng tham, hoặc có những hạn chế khó khăn về kinh tế. Đối với tham nhũng quy mô lớn, liên quan đến các dự án đầu tư, chúng ta cũng đã phát hiện được một số vụ việc nhưng chưa nhiều.

Vậy theo ông, nguyên nhân của thực trạng đáng báo động này xuất phát từ đâu?

Có một thực tế là ở Việt Nam, mọi giao dịch đều thực hiện bằng tiền mặt nên chúng ta không quản lý được nguồn tiền của vị giám đốc hay một quan chức, có từ đâu. Ở nước ngoài, mọi giao dịch đều phải qua tài khoản ngân hàng. Chính vì thế, hệ thống chống tham nhũng của họ sẽ biết được rằng, ông giám đốc này, quan chức kia và vợ con, anh em của ông ta có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Và căn cứ vào lương, thu nhập sẽ biết ngay được ông quan đó có tham nhũng hay không. Khi một quan chức nào giàu lên một cách bất thường thì cơ quan tham nhũng sẽ lập tức gõ cửa, yêu cầu phải giải trình khoản tiền đó từ đâu mà có.

Chưa hết, ở nước ngoài, khi một doanh nghiệp được thành lập, các cơ quan chức năng sẽ xem xét xem tiền để ông giám đốc đó thành lập công ty là từ đâu ra, có "sạch" hay không? Họ có thể truy từ ông bà, bố mẹ của ông giám đốc đó làm gì mà lại có số tiền đó. Có nghĩa là họ truy đến cùng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm được việc đó. Thậm chí ở Việt Nam, một ông quan chức có 7 cái nhà, 10 cái ô tô nhưng đều cho vợ, con cái đứng tên hết. Có thể nói rằng, hành vi tham nhũng vốn đã rất tinh vi mà cơ chế của chúng ta để kiểm soát hành vi này cũng chưa tốt, chặt chẽ.

Thưa ông, chúng ta cũng đã có quy định, quan chức phải kê khai tài sản rồi?

Đó mới là điều đáng phải suy ngẫm. Đúng là việc kê khai tài sản đã có luật, nhưng thử hỏi đã có ai đi kiểm tra và xác minh ông A, ông B kê có đúng hay không?

Mới đây Thanh tra Chính phủ vừa công bố việc thanh tra tham nhũng 9 tháng đầu năm. Theo đó, cơ quan này tổ chức hơn 1.000 cuộc thanh tra, phát hiện 53 vụ việc, xử lý hành chính 16 người, xử lý hình sự một người và chuyển công tác hơn 4.500 người. ông đánh giá như thế nào về công tác này?

Thanh tra là một cơ quan phòng chống tham nhũng từ xa, nhưng trong nhiều vụ việc, họ là người biết cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, không ít vụ khi dư luận lùm xùm, báo chí phanh phui rồi thanh tra mới vào cuộc. Thậm chí, khi thanh tra ở các cơ quan Nhà nước, nếu có phát hiện ra thất thoát, lãng phí... thì chỉ quy vào hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thuyên chuyển công tác... Hỏi như vậy làm sao mà hiệu quả cho được?

Rõ ràng từ nghị quyết, đại hội Đảng đều xác định tham nhũng là "quốc nạn" nên chúng ta phải tập trung phòng chống. Chúng ta phải tìm ra những bất cập, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng để nhanh chóng khắc phục.

Xin cảm ơn ông!

Tham nhũng ở các dự án bằng "quân xanh, quân đỏ"

Theo ĐBQH Đinh Xuân Thảo, việc triển khai các dự án ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến tiêu cực. Trước đây, nhiều người cho rằng, thực hiện các dự án nên qua hình thức đấu thầu để "hóa giải" tệ nạn tham nhũng. Tuy nhiên, khi chuyển sang đấu thầu, mặc dù đã có được một số chuyển biến đáng ghi nhận nhưng "căn bệnh" tham nhũng vẫn có đất tồn tại. Không ít các vụ đấu thầu, bên ngoài thì có vẻ rất khách quan nhưng thành viên đứng ra tổ chức đấu thầu lại bố trí "quân xanh, quân đỏ" để ưu ái công ty này, doanh nghiệp kia nhằm nhận tiền "lót tay". Từ việc tham nhũng đó dẫn đến chất lượng công trình bị ảnh hưởng vì nhà thầu phải bỏ tiền ra để "bôi trơn" cho lãnh đạo thì phải ăn bớt vật liệu để bù vào.

Tham nhũng ở khu vực công tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 gửi Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khái quát, phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của Tổ chức minh bạch thế giới vẫn đánh giá Việt Nam có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng. Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có gần 8.000 cuộc thanh tra hành chính và 190.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện gần 32.000 tỉ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước 27.000 tỉ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 4.800 tỉ đồng...

Tuy nhiên, tham nhũng ngày càng tinh vi. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của người dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của Tổ chức minh bạch thế giới vẫn đánh giá Việt Nam có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng. Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2013 của Việt Nam dù cải thiện được 7 bậc so với 2012 nhưng vẫn xếp ở tốp sau (116/177 quốc gia).

Tin nổi bật