Đóng

Chọn tổ hợp môn lớp 10: Học sinh bối rối, phụ huynh đau đầu, nhà trường cùng “gỡ khó”

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Các thầy cô chia sẻ, việc chọn tổ hợp môn lựa chọn ở cấp THPT được triển khai đã được 3 năm nhưng với phụ huynh có con mới vào cấp THPT thì vẫn rất mới mẻ.

Cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp

Báo Kinh Tế & Đô Thị cho biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nếu cấp Tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản thì cấp THPT sẽ là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp hoặc thị trường lao động trong tương lai.

Cụ thể, ở cấp THPT, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Bộ GD&ĐT quy định 6 môn học và một hoạt động giáo dục bắt buộc mà mọi học sinh cấp THPT đều phải học và tham gia bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục của địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Cùng với đó, các môn học lựa chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Mỗi học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn nêu trên.

Ngoài ra, mỗi môn học (Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thứ đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Các phụ huynh và học sinh tham dự buổi giới thiệu mô hình học tập tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Lý thuyết là môn tự chọn sẽ do học sinh tự đăng ký dựa theo nhu cầu, sở thích và định hướng của bản thân nhưng thực tế, các trường sẽ chủ động xây dựng chương trình và tổ chức các lớp học theo hướng phân hóa, phân chia cụ thể các môn bắt buộc, môn lựa chọn và các cụm chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Thông thường, các lớp theo chương trình học phân hóa sẽ được công bố ngay khi tân học sinh nhập học lớp 10 để không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng nắm được để cùng trao đổi, thảo luận, phân tích… trước khi đăng ký và lựa chọn.

Phụ huynh, học sinh bối rối khi lựa chọn tổ hợp môn lớp 10

Các thầy cô chia sẻ, việc chọn tổ hợp môn lựa chọn ở cấp THPT được triển khai đã được 3 năm nhưng với phụ huynh có con mới vào cấp THPT thì vẫn rất mới mẻ. Nhiều phụ huynh cho biết, họ đau đầu vì chọn tổ hợp cho con hoặc cha mẹ và con tranh luận gay gắt vì con muốn chọn môn này, bố mẹ lại khuyên học môn khác.

“Em thích tự nhiên nhưng bố mẹ lại muốn em chọn môn xã hội và định hướng ban D. Nếu theo bố mẹ thì không phải sở trường, sở thích của em; còn nếu theo ý mình, em lo bố mẹ buồn, không ủng hộ và gây áp lực”, học sinh N.M.A tâm sự.

Tương tự, trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân (phường Bến Nghé, TP.HCM), học sinh V.A chưa kịp vui mừng đã phải nghiên cứu để chọn tổ hợp môn lớp 10, theo báo Pháp Luật TP.HCM.

V.A chia sẻ: “Em muốn sau này trở thành người dẫn chương trình nên sẽ đăng ký xét tuyển vào khoa phát thanh truyền hình một trường chuyên đào tạo báo chí. Do đó, em tính chọn tổ hợp khoa học xã hội. Tuy nhiên, gia đình lại muốn em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vì có nhiều ngành xét tuyển lại đang thịnh hành. Hiện em đang rối vì không biết nên chọn theo sở thích hay theo gợi ý của bố mẹ”.

Mặc dù được nhà trường tư vấn chọn tổ hợp môn lớp 10 nhưng N.D.L - học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM) cũng vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.

“Ngày 7/7, trường mới bắt đầu nhận hồ sơ nhập học trong đó có phiếu đăng ký chọn tổ hợp môn. Em dự định chọn tổ hợp có các môn Lý, Hoá. Tuy nhiên, em cần thêm thời gian để suy nghĩ thật kỹ vì điều này ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp sau này. Về nhà em sẽ làm thêm bài test, sau khi có kết quả em sẽ xem xét lại”, L. cho hay.

Giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản tư vấn cho phụ huynh và học sinh về việc chọn tổ hợp môn lớp 10. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Trong vai trò phụ huynh, chị N.T.L ở phường Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ: “Khi biết con trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngôi trường mơ ước, cả nhà vui mừng khôn xiết. Nhưng khi tìm hiểu về các tổ hợp môn lựa chọn, gia đình tôi rất bối rối, không biết nên chọn lựa theo tiêu chí gì bởi chương trình bây giờ khác xa chương trình chúng tôi học”.

Cùng con đến tham dự buổi tư vấn, chị Đ.T.H ở phường Tân Thới Hiệp, bộc bạch: “Ban đầu tôi thấy hơi hoang mang nhưng sau khi được các thầy cô giới thiệu về chương trình học, tôi hiểu ra nhiều điều. Việc học là của con nên tôi sẽ để cho con toàn quyền quyết định. Hai mẹ con sẽ suy nghĩ, lắng nghe ý kiến góp ý từ nhiều người rồi mới đưa ra quyết định”.

Làm thế nào để chọn được tổ hợp môn lớp 10 phù hợp?

Do triển khai chương trình phân hóa dựa theo định hướng nghề nghiệp của từng học sinh, nên nhiều năm trở lại đây, ngoài việc gặp mặt chúc mừng tân học sinh khóa mới, các trường THPT còn thêm một nhiệm vụ quan trọng là giới thiệu về mô hình các lớp học, môn lựa chọn và cụm chuyên đề do nhà trường triển khai, tổ chức.

Các buổi gặp mặt này ngoài học sinh còn có sự tham gia của phụ huynh - những người đồng hành trên chặng đường học tập của các em. Tại các buổi gặp mặt, đại diện nhà trường sẽ giới thiệu về các lớp học, các mô hình học tập do trường tổ chức; sau đó phát cho học sinh phiếu để đăng ký môn tự chọn và nhóm chuyên đề. 

Các môn lựa chọn sẽ tương ứng với các chuyên đề lựa chọn và gắn bó mật thiết với định hướng nghề nghiệp trong tương lai và mỗi học sinh cần cố gắng giữ sự liền mạch, không nên thay đổi trong suốt 3 năm học. Muốn có được điều đó, đòi hỏi học sinh và phụ huynh phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, trách nhiệm để có sự lựa chọn phù hợp nhất.

Mới đây, Trường THPT Võ Trường Toản đã tổ chức giới thiệu, tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn các tổ hợp môn lớp 10. Ngoài việc ban giám hiệu nhà trường tư vấn chung ở hội trường, trường còn bố trí các khu vực tư vấn riêng.

Bà Phạm Thị Bình - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau 3 năm triển khai, nắm rõ xu hướng ngành nghề, nhu cầu học sinh, nhà trường đã gợi ý sẵn 7 nhóm môn lựa chọn để các em suy nghĩ. Trong đó, nhóm môn khoa học xã hội (XH) có 3 tổ hợp môn lựa chọn gồm XH1, XH2, XH3. Nhóm môn khoa học tự nhiên (TN) cũng gồm 3 tổ hợp môn là TN1, TN2, TN3 và nhóm môn khoa học tự nhiên - công nghệ.

Bà Phạm Thị Bình cho biết thêm, từ năm học 2024-2025, trường có tổ chức môn âm nhạc, em nào có sở trường có thể chọn lựa. Về môn mỹ thuật, do trường đang sửa chữa, xây dựng mới nên chưa thể triển khai

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn trong đó Văn, Toán bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Do đó, việc chọn các môn học cần hết sức cẩn thận, phù hợp năng lực, tránh mơ hồ”, bà Phạm Thị Bình nói.

Học sinh cần suy nghĩ thật kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn lớp 10. Ảnh minh họa: Kinh Tế & Đô Thị

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cho hay những học sinh có thế mạnh về các môn tự nhiên, tư duy logic, nhạy bén với con số có thể chọn nhóm TN. Các em có thế mạnh về xã hội, về nghệ thuật có thể cân nhắc về các lớp XH.

“Trường hợp các em không thấy phù hợp với các lớp gợi ý trên có thể nêu ra phương án của riêng mình, trường sẽ cân nhắc và xem xét. Chọn môn học rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến việc học trong suốt 3 năm. Do đó, các em không nên vội vàng, cần tham khảo ý kiến gia đình để đưa ra quyết định. Các em không nên chọn môn học theo bạn, phải tự quyết định hướng đi cho mình”, bà Đỗ Thị Việt Phương đưa ra lời khuyên.

Một vấn đề khiến nhiều phụ huynh quan tâm là liệu học sinh có được thay đổi tổ hợp môn lớp 10 sau khi đã chọn nếu cảm thấy kiến thức vượt khả năng của mình. Về vấn đề này, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết theo quy định có thể được thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập vào cuối năm học nhưng rất khó.

Sở dĩ như vậy là bởi, học sinh muốn đổi lớp cần căn cứ vào sĩ số lớp các em muốn chuyển qua. Mặt khác, các em phải cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng các môn học học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó.

Nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng vừa tổ chức tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh và học sinh. Theo ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường, việc chọn tổ hợp môn được tư vấn dựa trên 3 nguyên tắc phù hợp năng lực sở thích cá nhân, định hướng ngành nghề tương lai và yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Việc lựa chọn cần suy nghĩ thật kỹ, tránh thay đổi giữa chừng vì sẽ gây xáo trộn việc học”, ông Huỳnh Thanh Phú nói.

Cũng chia sẻ về việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10, theo Tuổi Trẻ Online, ông Dương Văn Thư - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) nói: "Trường chúng tôi tập huấn cho 10 thầy cô giáo để làm công tác tư vấn chọn môn học lớp 10 năm học 2025 - 2026. 

Không chỉ giới thiệu, giải thích về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, về tầm quan trọng của việc chọn môn học, 10 giáo viên này còn phải nắm rõ quy chế thi tốt nghiệp THPT, phương án tuyển sinh của các trường đại học, điều kiện dạy học bậc THPT của nhà trường để tư vấn cho học sinh và phụ huynh chọn tổ hợp môn học phù hợp".

Ông Dương Văn Thư cho biết thêm, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu chia theo ca để học sinh và phụ huynh không dồn đến trường quá đông cùng một lúc. Nguyên tắc là tư vấn theo hướng cá thể hóa từng trường hợp một để giáo viên nắm được năng lực, sở thích của từng em. 

Trên cơ sở đó, việc chọn môn học sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, ban giám hiệu trường cũng trực để khi cần thiết thì trả lời những thắc mắc của phụ huynh và học sinh. Sau giai đoạn tư vấn, học sinh sẽ chọn tổ hợp môn học và nộp hồ sơ vào lớp 10. 

"Ở trường chúng tôi, sau khi công bố danh sách lớp của khối 10 nhưng nếu phụ huynh, học sinh thấy lấn cấn thì vẫn có thể gặp ban tư vấn để xác định lại tổ hợp môn học", Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cho hay.

Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) cũng thực hiện tư vấn theo 3 vòng. Trong đó, vòng 1 tư vấn chung ở sân trường với những nội dung về chương trình học, cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. 

Vòng 2 tư vấn chung với quy mô nhỏ hơn tại lớp học với việc hướng dẫn học sinh làm trắc nghiệm tính cách, tâm lý để hướng nghiệp; quy định chọn tổ hợp môn học và vòng 3 là vòng tư vấn 1:1.

Bà Võ Thị Hồng Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho hay: "Qua nhiều năm theo dõi, tôi thấy sai lầm lớn nhất khi chọn môn học là học sinh chọn theo bạn bè, theo mong muốn của cha mẹ chứ không phải của bản thân mình. Các phụ huynh đừng áp đặt con phải theo ngành nghề truyền thống của gia đình, ngành nghề theo ước mơ của cha mẹ”.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cha mẹ nên phân tích cho con về thế mạnh, điểm yếu, sở thích,... rồi cùng con ngồi lại bàn bạc, để cho con chọn môn học phù hợp nhất với năng lực của con. Trong khi đó, học sinh nên nghiêm túc làm trắc nghiệm theo hướng dẫn của nhà trường, sau đó nói chuyện với cha mẹ, tham khảo thêm quá trình học tập ở bậc THCS... để chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp sau này.

Tin nổi bật