Người lao động mắc ung thư được lãnh BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc
Thông tư số 18/2022 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15/2 đã sửa đổi quy định về các trường hợp mắc bệnh được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần trong Thông tư 56/2017.
Theo đó, người lao động gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được lãnh BHXH nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trước đó, Thông tư 56/2017/TT-BYT yêu cầu người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng… phải đồng thời đáp ứng thêm điều kiện là không tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được giải quyết hưởng BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc.
- Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Như vậy, người lao động nếu không may mắc ung thư có thể lãnh BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc mà không phải chờ 1 năm như trước đây.
Người mắc ung thư được lãnh BHXH 1 lần. Ảnh minh họa
Xuyên tạc lịch sử trên phim sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định số 128/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 15/2 đã sửa đổi một số quy định xử phạt trong hoạt động điện ảnh tại Nghị định 38/2021.
Cụ thể, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với cá nhân (80-100 triệu đồng đối với tổ chức) có các hành vi vi phạm như: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng…
Đồng thời quy định đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam, phát hành phim, phổ biến phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh 1-3 tháng; buộc cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi cá nhân bằng văn bản…
Mức ngoại tệ cá nhân được phép chuyển ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/2/2023 hướng dẫn cụ thể về hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đó, cá nhân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều như học tập, chữa bệnh, công tác, trợ cấp cho thân nhân… nhưng bị giới hạn ở mức sau:
Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích học tập, chữa bệnh: Căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích đi công tác, du lịch, thăm viếng: Căn cứ nhu cầu hợp lý của cá nhân và đảm bảo số tiền trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người tại nước ngoài.
Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài: Căn cứ vào thông báo của phía nước ngoài.
Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân đang ở nước ngoài: Các ngân hàng được phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ.
Mức ngoại tệ mua, chuyển trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống.
Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế: Căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng.
Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích định cư ở nước ngoài: Căn cứ vào giá trị tài sản hình thành trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư.
Mức đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú mới từ ngày 5/2
Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 5/2 quy định công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú thì phải nộp lệ phí, thống nhất trên cả nước thay vì theo mức quy định riêng của các tỉnh như hiện nay.
Cụ thể, kể từ ngày 5/2, mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình) thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, theo Thông tư 75, nhiều trường hợp công dân sẽ được miễn lệ phí đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ bao như: Trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…
Thủy Tiên (T/h)