"Thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP) của Đại học Harvard, có hiệu lực ngay lập tức", Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem viết trong thư gửi Đại học Harvard ngày 22/5.
SEVP là cơ chế cho phép các đại học tại Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học.
Theo bà Noem, đây là hệ quả của việc Harvard "nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, duy trì môi trường trường học không an toàn".
"Như tôi đã giải thích trong thư hồi tháng 4, tuyển du học sinh là một đặc quyền. Mọi trường đại học phải tuân thủ các quy định từ Bộ An ninh Nội địa, bao gồm báo cáo theo quy định về SEVP, để duy trì đặc quyền này", bà Noem viết.
Bộ An ninh Nội địa xác nhận bà Noem đã chỉ đạo cơ quan này thu hồi giấy phép SEVP của Đại học Harvard. "Điều này đồng nghĩa Harvard không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế và các du học sinh hiện tại phải chuyển đi hoặc mất trạng thái pháp lý", theo thông báo từ Bộ An ninh Nội địa. Quyết định này áp dụng với cả sinh viên và nghiên cứu sinh.
Đại học Harvard
Trước đó, Đại học Harvard đã từ chối yêu cầu của Bộ An ninh Nội địa cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan tới "hành vi bất hợp pháp hoặc bạo lực" của sinh viên quốc tế đang theo học tại đây. Phía Harvard cho rằng hành động của chính quyền là trái pháp luật và trường sẽ nhanh chóng có hướng dẫn và hỗ trợ cho các sinh viên bị ảnh hưởng. Harvard cũng cáo buộc động thái trả đũa của chính quyền là cản trở các hoạt động học thuật và nghiên cứu của trường.
Trong năm học 2024-2025, Đại học Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng sinh viên của trường.
Lời đe dọa cấm tuyển du học sinh là động thái mới nhất trong chiến dịch gây áp lực của chính quyền Tổng thống Trump nhắm vào Harvard, ngôi trường danh giá và lâu đời nhất của Mỹ. Bộ An ninh Nội địa trước đó đã hủy hai khoản tài trợ trị giá 2,7 triệu USD dành cho trường.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Sở Thuế vụ (IRS) thu hồi quy chế miễn thuế cho Harvard, với lý do đại học này liên tục "làm mất lòng tin của công chúng". Yêu cầu được đưa ra ngay sau khi Nhà Trắng đóng băng 2,2 tỷ USD tiền tài trợ liên bang và các thỏa thuận hợp tác trị giá 60 triệu USD dành cho Harvard.
afp2025041542fd9f8v2highresuspol.png
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang siết chặt quản lý đối với các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Một số trường bị cho là dung túng những sinh viên có tư tưởng cực đoan, đi ngược lại những giá trị được Chính phủ Mỹ đề cao.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã triển khai chiến dịch cắt giảm hoặc đe dọa cắt giảm hàng chục tỷ USD tiền tài trợ dành cho các trường đại học lớn chính vì lý do này.
Nhiều trường đại học danh tiếng đã bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cắt giảm hoặc đình chỉ toàn bộ tiền tài trợ. Ngoài trường hợp điển hình như Đại học Harvard, các trường đại học khác như Brown, Columbia, Cornell, Pennsylvania, Princeton... cũng đang bị "trừng phạt" ở khía cạnh kinh tế.
Chính quyền của ông Trump đã nhiều lần tuyên bố, các trường bị nhắm đến là những cơ sở giáo dục không kiểm soát được nhóm sinh viên có tư tưởng cực đoan, để hoạt động biểu tình từng có thời điểm lan rộng không kiểm soát.
Một bộ phận sinh viên tại Mỹ được cho là quá tự do trong việc thể hiện quan điểm trước các vấn đề chính trị diễn ra trên thế giới. Những cuộc biểu tình của sinh viên nhiều khi đi ngược lại những giá trị mà Chính phủ Mỹ đề cao.
Trong bối cảnh ấy, nhiều trường đại học danh tiếng bị Chính phủ Mỹ đánh giá là thiếu tập trung vào hoạt động đào tạo các ngành học đưa lại hiệu quả thực tiễn, để có đóng góp đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ.