Trường đua Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi) ra đời xuất phát từ ý tưởng ngẫu hứng của vợ ông. Thế nhưng điều làm nhiều người bất ngờ là từ ý tưởng táo bạo ấy đến việc triển khai đầu tư công trình trị giá 100 USD chỉ trong vòng 24h.
Theo chia sẻ mới đây của ông Huỳnh Uy Dũng (tức ông Dũng “lò vôi”) – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, chủ đầu tư Trường đua Đại Nam thì có lần, vợ ông (tức bà Nguyễn Phương Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) có đặt câu hỏi rằng, tại sao không xây dựng một trường đua ngựa tại Khu du lịch Đại Nam? Lúc đó, ông ngẫm nghĩ cũng hợp lý khi mà trường đua ngựa duy nhất là Trường đua Phú Thọ đã đóng cửa từ lâu.
Chỉ từ một ý tưởng ngẫu hứng ban đầu, cả 2 vợ chồng đã cùng bàn bạc, trao đổi, thống nhất sẽ đầu tư xây dựng Trường đua Đại Nam. Ngay lập tức, ngày hôm sau ông họp HĐQT Công ty Đại Nam và triển khai ngay các bước xây dựng Trường đua ngựa.
Ông Dũng cho hay, tổng thời gian từ lúc phát sinh ý tưởng đến khi triển khai đầu tư xây dựng Trường đua Đại Nam không quá 24 giờ.
Ông Dũng "lò vôi" xây trường đua ngựa 100 triệu đô vì chiều ý vợ. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Và rồi liên tục những ngày sau đó, vào giữa năm 2016, ông Dũng đã huy động lớp lớp xe xúc, xe đào, máy ủi… san bằng một đoạn dài tường thành Khu du lịch Đại Nam và bứng hàng ngàn gốc cây cảnh, cây trồng gần chục năm ở khu du lịch, để lấy trọn diện tích 60 ha xây dựng Trường đua Đại Nam.
Chỉ sau 6 tháng, Trường đua Đại Nam đã thành hình trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Tổng chi phí cho dự án này ước tính khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng).
Khoảng cuối năm 2017, Trường đua Đại Nam đã đi vào hoạt động gồm 5 loại hình: đua ngựa, chó, môtô, go-kart, jet-ski và biểu diễn fly-board. Riêng đường đua ngựa có chiều dài 1,6 km, rộng 16m trên bề mặt cát mịn. Bao quanh khu vực đường đua là khán đài lắp ghép có sức chứa 18.000 chỗ ngồi, cùng 2 màn hình LED hiện đại.
Hình ảnh đua ngựa rất quen thuộc đối với người dân, tại Trường đua Đại Nam, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lao động |
Được biết, dự án trường đua ngựa Đại Nam của ông Dũng “lò vôi" không phải là đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, Trường đua ngựa Phú Thọ (TP.HCM) được người Pháp xây dựng từ năm 1932 từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á. Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP.HCM, trường đua Phú Thọ đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.
Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trường đua ngựa Phú Yên cho Công ty Golden Turf Club Pty Ltd, có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng), được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại xã An Phú (Thành phố Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Tại Bình Phước, Tập đoàn đầu tư Australia đã nhận được sự đồng thuận của UBND tỉnh trong việc mở một trường đua ngựa tại đây. Dự án này được quy hoạch với tổng diện tích 100ha, bao gồm khu trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm chăm sóc y tế và sức khỏe cho người cao tuổi, các cơ sở thể thao... Tổng vốn ban đầu dự kiến trên 100 triệu USD.
Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã thông qua dự án trường đua ngựa do Công ty Đua ngựa Thiên Mã - Madagui làm chủ đầu tư từ năm 2014 với mục tiêu xây dựng một trường đua ngựa, câu lạc bộ mã cầu (polo) và ngựa biểu diễn tầm cỡ khu vực, phục vụ cho du lịch và thể thao, với số vốn đầu tư xấp xỉ 517 tỷ đồng.
Vũ Đậu (T/h)