Với Đại tá Nguyễn Kim Hồng, 10 năm giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 mãi là vệt ký ức chói sáng không thể nào quên về những tháng ngày đầy gian khổ, kiên cường của quân và dân Việt Nam để bảo vệ từng tấc đất mẹ Việt Nam anh hùng.
Buổi sáng sớm 40 năm trước, ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn 600.000 quân và hàng ngàn xe tăng, khí tài quân sự ồ ạt tràn qua biên giới với mục đích tấn công 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Trong thời khắc non sông bị xâm phạm ấy, quân và dân ta đã anh dũng đánh trả, đứng lên bảo vệ bờ cõi non sông dù phải trải qua những đau thương, mất mát lớn vô cùng. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, hàng nghìn người con ưu tú của đất Việt Nam anh hùng đã ngã xuống để làm nên những trang sử chói sáng của dòng dõi con lạc cháu hồng.
Những ngày tháng ác liệt ấy, vẫn mãi là vệt ký ức không thể nào quên của vị Đại tá 87 tuổi, sống tại căn nhà trong một con ngõ nhỏ nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng Giêng năm 1947, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng gươm thì dùng cuốc thuổng gây gộc đánh quân thù xâm lược”, cậu thiếu niên vừa tròn 15 tuổi có tên Nguyễn Kim Hồng (tên thường gọi Kim Hồng) đã xung phong lên đường tham gia đội dân quân tự vệ.
Là nhân chứng lịch sử đi qua những ngày tháng nạn đói năm 1945, nhìn dáng người gầy gò, xanh xao của cậu thiếu niên nhiệt tình nhiều cán bộ cách mạng e ngại, sợ cậu bé 15 tuổi không chịu được gian khổ, ác liệt của chiến trường. Phải mất hơn một ngày thuyết phục, cuối cùng chàng trai Kim Hồng cũng được nhận vào đội dân quân tự vệ.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, anh bộ đội Cụ Hồ có tên Kim Hồng kinh qua nhiều vị trí. Trước cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ông Kim Hồng đã là tham mưu trưởng kỹ thuật của quân khu II tại bộ Quốc phòng. Ngày 17/2/1979 khi hay tin Trung Quốc đưa quân sang đánh biên giới phía Bắc ông và 6 cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường miền Nam được điều động lên khu vực tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái, Lào Cai), bổ nhiệm làm tham mưu trưởng kỹ thuật của Quân khu.
Đại tá Kim Hồng nhớ lại những năm tháng chiến tranh khốc liệt nơi biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc. |
“Ngày 19/2 chúng tôi lên đến nơi khi đó là ở km 21 Yên Bái, đập vào mắt chúng tôi là cảnh bốn bề hoang tàn, xơ xác. Cây cối bị chặt phá, nhà cửa, giếng nước cũng bị đập phá tan hoang. Ngoài người lớn, có cả trẻ nhỏ vô tội bị giết hại dã man, xác người nằm la liệt. Sau phút lặng người vì đau xót, tôi cùng các đồng đội dằn lòng mình đi thu dọn lại chiến trường, tìm đồng đội hy sinh và những người bị thương. Đây là cảnh tượng khiến tôi ám ảnh mãi đến tận bây giờ”, vị Đại tá 87 tuổi đau đáu nhớ lại ký ức về chiến trường biên giới phía Bắc.
Đại tá Kim Hồng hồi tưởng lại: “Thời điểm năm 1979, Trung Quốc chủ yếu dùng sức người là chính, họ dùng cả dân của họ để làm lá chắn cho đội quân tiến sang biên giới Việt Nam. Do địa hình các tỉnh biên giới phía Bắc chủ yếu là rừng núi, cây cối um tùm vì vậy, quân đội Trung Quốc để dân của họ đi trước cầm dao phát bờ bụi rậm, bộ đội đi sau. Khi đó, quân đội ta rơi vào hai tình thế lưỡng nan: Một là, nếu không đánh thì sẽ bị kẻ địch giết. Hai là, nếu đánh thì sẽ làm hại đến người dân vô tội nên khi ấy chúng ta đã rất phân vân. Thế nhưng, khi địch ồ ạt tấn công, pháo bắn cấp tập, quân ta thương vong nặng nề buộc chúng ta phải lựa chọn cầm súng đánh. Chiến trường bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra rất ác liệt. Cứ địch chiếm thì ta lại tiến công lại, rồi quân Trung Quốc lại áp sát nã đạn pháo, cao điểm có ngày cả hai bên đánh nhau tới 5-7 lần”.
Trong ký ức vị Đại tá 87 tuổi, cuộc đời nhà binh của ông chưa tham gia trận đánh nào mà quân địch lại sử dụng nhiều pháo đến như vậy. “Tôi gọi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc thời điểm đó là đại tiệc bắn pháo của Trung Quốc. Địch dùng pháo nhiều không kể xiết, thậm chí dùng cả pháo 105 bắn ầm ầm vào quân ta”, ông Kim Hồng chia sẻ.
Vị Đại tá này kể tiếp: “Là tham mưu trưởng kỹ thuật, trực tiếp đảm bảo kỹ thuật cho anh em, tôi có trách nhiệm đến từng nơi diễn ra trận đánh quan sát, nắm tình hình ở đâu khó khăn về kỹ thuật thì có phân đội kỹ thuật đi theo để đảm bảo pháo, súng có thể bắn được. Những đồng đội bị thương thì đều được chuyển về tập trung nên tôi cũng được tiếp xúc, chăm lo sức khoẻ và tổ chức chôn cất cho các đồng chí đã hy sinh. Nhìn những vết thương trên cơ thể đồng đội lúc ấy tôi không còn lời nào có thể diễn tả hết được. Thế nhưng, trong những lần trò chuyện với những người bị thương, ai cũng nói sẵn sàng hy sinh, họ không sợ cái chết chỉ để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc”.
Kết thúc đợt 1, Đại tá Kim Hồng cùng đồng đội tiếp tục di chuyển lên km 12 ở Vị Xuyên – Lao Chải (Hà Giang). Tại đây, có cao điểm 1509, địch muốn chiếm đóng làm bàn đạp khống chế toàn bộ các nơi khác. Chiến trường tại đây rất khốc liệt, khoảng 400 đồng đội của ông đã mãi mãi ngã xuống, đau xót vô cùng. Thế nhưng dù phải hy sinh nhưng chúng ta phải chấp nhận để giữ bằng được, bởi đây là cứ điểm quan trọng quyết định cục diện của cuộc chiến.
“Tại Vị Xuyên – Lao Chải, trước khi đổ bộ vào, quân đội Trung Quốc đánh vào cầu Thanh Thuỷ (huyện Vị Xuyên) đầu tiên. Địch dùng pháo bắn tới tấp vào trận địa, bắn vào cả những nơi mà họ nghi bộ đội ta đóng quân và bắn vào 29 cao điểm bộ đội ta đang canh giữ, nhưng Vị Xuyên là cao điểm mạnh nhất. Khi pháo bắn nhiều như vậy là quân đội ta biết rằng Trung Quốc sẽ tấn công bằng bộ binh. Nên khi pháo bắn dồn dập, tất cả anh em xuống hầm ẩn nấp. Khi hết pháo bắn rồi thì mới ra khỏi hầm chiến đấu. Tôi còn nhớ lúc ấy ở dưới hầm mà tiếng hò hét của quân Trung Quốc ác liệt, thậm chí có cả kèn đi theo. Nhưng, bằng mọi giá, có hy sinh, đổ máu thì chúng ta phải giữ bằng được cao điểm ấy, không cho phép địch lấn chiếm và chúng ta đã giữ được cao điểm 1509 – Vị Xuyên”, ông Kim Hồng hồi tưởng lại trận đánh ác liệt.
Trong quá trình tham gia chiến đấu cùng các đồng đội, Đại tá Kim Hồng vẫn còn nhớ như in về một sư đoàn 334 vô cùng đặc biệt. Sư đoàn 344 khi ấy toàn phụ nữ làm đường. Khi Trung Quốc bắt đầu đánh sang thì những nữ thanh niên xung phong rút lui, nhưng sau đó cả sư đoàn cùng quyết tâm tham gia chiến đấu. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng lòng của quân và dân không kể già trẻ, trai, gái đều đứng lên cầm súng bảo vệ non sông Tổ quốc.
Suốt quá trình trực tiếp chỉ huy, tham mưu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Đại tá Kim Hồng cho hay có những kỷ niệm sâu sắc thể hiện tình cảm đồng chí đồng đội gắn kết, một lòng vì Tổ quốc, mà đến hôm nay, khi nhắc lại ông vẫn lâng lâng niềm tự hào.
“Trong quá trình tham gia chiến đấu ở Vị Xuyên – Lao Chải, trong lúc đang chỉnh sửa kỹ thuật, triển khai nhiệm vụ tôi bị đạn pháo của địch vùi dập dưới chiến hào. Khi đó, có hai chiến sĩ của sư đoàn 313 ra bới hầm lên để kéo tôi ra, nếu không tôi đã không còn sống sót đến ngày hôm nay”, Đại tá Kim Hồng nhớ về giây phút mình được đồng đội cứu sống.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông chưa khi nào cho phép mình nghỉ ngơi, ông vẫn hăng say viết hồi ký, làm thơ… |
Theo lời của Đại tá Hồng, trong cuộc chiến gian khổ, thiếu thốn đủ thứ thì mỗi ngày quân ta chỉ được ăn 2 nắm cơm, rồi lại cầm súng chiến đấu. Có nhiều đêm trên rừng mưa rét, mọi người lại cùng ra ruộng nhổ sắn mang về lùi bên bếp lửa cùng ăn.
“Lúc này, tôi mới thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Chia nhau một củ sắn lùi/bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Chúng tôi, những người lính sống với nhau bằng tình cảm gắn bó, như anh em, cha con ruột thịt và cùng sẵn sàng sinh tử trên chiến hào khi đánh giặc… Có lẽ, đây chính là sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đó là một quân đội chiến đấu vì chính nghĩa, một quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mới làm được những việc đó”, Đại tá Kim Hồng nhấn mạnh.
40 năm theo nghiệp nhà binh trải qua rất nhiều trận đánh lớn, với Đại tá Kim Hồng đó là những ngày tháng ông cùng đồng chí, đồng đội nằm giữa ranh giới sinh tử để ngày hôm nay đây được sống trong hòa bình. Tâm trí ông lúc nào cũng nhớ tới những đồng đội ngã xuống để ông và mọi người có hòa bình hôm nay.
Đại tá Kim Hồng bày tỏ: “Tôi luôn biết ơn những người đã ngã xuống để tôi được sống, nhiều khi tôi khóc khi nghĩ đến hàng ngàn anh em đã nằm lại nơi chiến trường. Kể từ khi cuộc chiến tranh ác liệt ấy kết thúc, tôi vẫn cùng những đồng chí khác tìm về nơi chiến trường xưa để thắp nén hương tưởng nhớ đến những người đồng chí đã ngã xuống, chiến trường xưa nay đã đổi khác nhưng chúng tôi dặn lòng mình không thể quên, không được phép lãng quên những ký ức hào hùng đã qua”.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Kim Hồng đọc một bài thơ mà ông vừa sáng tác như một sự tưởng nhớ về đồng chí, đồng đội nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979).
“Đất nước thăng hoa
40 năm ấy đã trôi qua
Đánh đuổi xâm lăng cứu nước nhà
Đồng đội bao người nằm lại đó
Anh em mấy đứa bước đi xa
Mường Khương, Bát Xát còn nồng ấm
Phong Thổ, Vị Xuyên vẫn mặn mà
Quét sạch quân thù xây dựng nước
Cõi bờ bền vững đất thăng hoa”.
Theo Người Đưa Tin