40 năm nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, lời nói “Cây Trường Sơn không thể ghi hết tội ác của tập đoàn phản động Pol Pot, nước sông Mê Kông mãi không gột rửa hết tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam và Campuchia”, đã trở thành chân lý.
Chế độ diệt chủng, tàn bạo chưa từng có trên thế giới
Trong gần 2 năm tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam, quân phản động Pol Pot đã giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, làm cho 400 ngàn người dân mất nhà cửa, trên 3.000 nhà bị bỏ hoang, nhiều nhà thờ, chùa chiền, trường học bị chúng đốt phá.
Giáo sư - Tiến sỹ Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Dưới chế độ Khmer Đỏ, Campuchia là một đất nước đầy tang tóc, bị biến thành một lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ này, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt.
Pol Pot đã thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; chúng áp dụng các biện pháp hành hình tàn bạo thời trung cổ, chẳng hạn dùng cuốc xẻng đập nát sọ nạn nhân.
Theo Giáo sư - Tiến sỹ Võ Văn Sen: Từ năm 1975 đến năm 1978, quân Pol Pot đã sát hại gần 3 triệu người Campuchia. Chế độ Khmer Đỏ đã để lại cho đất nước Campuchia gần 142 ngàn người tàn tật, hơn 200 ngàn trẻ mồ côi; gần 640 ngàn nhà cửa bị phá hủy…; những hành động diệt chủng tàn bạo của chúng là không thể dung tha.
Nhà mồ Ba Chúc tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là di tích lịch sử cấp quốc gia nới lưu giữ, trưng bày 1.159 bộ hài cốt của người dân bị Pol Pot giết hại. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng CPP Xămđéc Hiêng Xomrin khẳng định: Chế độ diệt chủng Pol Pot là chế độ tàn bạo chưa từng có trên thế giới.
Dưới sự cầm quyền của chế độ vô cùng dã man này, nhân dân Campuchia đã phải hứng chịu muôn vàn thống khổ không khác gì súc vật, bị cấm đoán quyền tự do, bị tàn sát hàng loạt. Chúng đem chính nhân dân mình ra làm thí nghiệm để thực hiện cho học thuyết chính trị đen tối của mình.
Được sự giúp đỡ tận tình của Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia tiến hành tập hợp lực lượng, xây dựng lực lượng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đập tan chế độ tàn bạo Pol Pot.
Ngày 23/12/1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
Thấu suốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, đáp lại lời gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam không chỉ đánh tan quân xâm lược Pol Pot trên tuyến biên giới Tây Nam, mà Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đưa quân tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tiến công tiêu diệt chế độ Pol Pot, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng; ngày 8/1/1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: “Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hoà nhân dân Campuchia.
Biểu hiện của tinh thần cộng sản quốc tế cao cả
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Chỉ trong gần 4 năm, tập đoàn Pol Pot đã xóa bỏ gần hết cơ sở, vật chất xã hội và đẩy dân tộc Khmer trước thảm họa diệt vong. Sự giúp đỡ của Việt Nam với Campuchia trước nạn diệt chủng này là "trong sáng, vô tư, chí tình chí nghĩa". Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, cùng với thời gian, sự giúp đỡ và tình đoàn kết giữa Việt Nam - Campuchia sẽ trở thành biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng.
Tiến sĩ Đinh Thị Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Quyết định giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot không chỉ xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng của Việt Nam, biểu hiện tinh thần cộng sản quốc tế cao cả, mà còn vì sự tiến bộ nhân loại.
“Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít kiểu mới; cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự”, Tiến sĩ Mai nhấn mạnh.
Đánh giá về sự giúp đỡ to lớn, trong sáng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Campuchia Hun Xen ngày 27/12/2013 khẳng định: “Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế, nếu Campuchia tự giải phóng thì dân Campuchia chết hết rồi và không có sự giúp đỡ của Việt Nam chúng tôi sẽ chết”.
Khép lại một trang sử đen tối
Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng ngày 5/1/2014, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch danh dự Đảng CPP, Xămđéc Hiêng Xomrin nhấn mạnh: “Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn sẽ không còn tên tuổi của mình trên thế giới này. Thay mặt nhân dân Campuchia, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Campuchia...”.
Nói về chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot của Campuchia dưới sự giúp đỡ hào hiệp, vô tư của quân và dân Việt Nam, Thiếu tướng - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: Đây là chiến thắng lịch sử, nhân dân Campuchia khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do, phát triển.
Chiến thắng là thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, là bước tiếp nối của tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia được bắt nguồn từ trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Theo Thiếu tướng - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia luôn giúp đỡ nhau, nhất là trong những lúc hoạn nạn, khó khăn...
Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Vương Quốc Campuchia đã khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận; không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay”.
Tiến sĩ Đinh Thi Mai khẳng định: Lịch sử đã chứng minh rằng, quyết định cùng với những hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam giúp đất nước Campuchia chiến thắng hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp đất nước Campuchia hồi sinh và tái thiết, đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, biểu hiện tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam…