Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10

(DS&PL) -

Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ t10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Chiều 3/11, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 3/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018. Trước đó, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, có đánh giá 3 năm 2016-2018, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh, trong đó có các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ cũng đã trả lời chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề được Quốc hội, cử tri quan tâm.

Tại phiên họp hôm nay, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội là kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cao hơn so với lần trước, người thấp nhất cũng đạt 70% cả hai tiêu chí “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. Tuy nhiên kết quả thấp hay cao thì đều thôi thúc Chính phủ, các thành viên Chính phủ làm việc tốt hơn. Điều quan trọng với Chính phủ là như 5 ngón tay trên 1 bàn tay (có ngón dài, ngón ngắn), song cần chụm lại, đoàn kết, thống nhất để phát triển đất nước trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển tích cực, nổi bật là:

- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI tháng 10/2018 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% (trong mức kiểm soát).

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,8% cao hơn mức tăng 13,2% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Trong 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ USD.

- Trong 10 tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3%, có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8%. Tính chung vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 21,4 tỷ USD.

- Cả nước có gần 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn. Còn có gần 28.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ.

- Nông nghiệp phát triển tốt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng, 10 tháng năm 2018 tăng 10,4% cao hơn so với cùng kỳ năm trước (9,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI tăng từ 51,5 điểm tháng 9 lên 53,9 điểm vào tháng 10, thể hiện sự tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những khó khăn, thách thức như:

- Theo xếp hạng của WB và WEF, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy tăng điểm nhưng lại tụt hạng nhẹ. Điều này cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam hạn chế, đây khâu cần dồn sức chỉ đạo; cần tiếp tục đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để xóa bỏ rào cản trong quản lý và cơ chế xin-cho, phát huy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh.

- Một số mặt hàng nông sản vẫn còn giá thấp, xuất khẩu nông sản tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm như điều, cao su, hạt tiêu. Còn nhiều vấn đề cần lưu tâm như dịch tả lợn châu Phi. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý tình trạng bản quyền giống khi Việt Nam có nhiều giống cây trồng quý nhưng đã rơi vào tay nước khác.

- Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa còn diễn biến rất phức tạp. Tình hình trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy, hoạt động xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Về tình hình và nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ đánh giá những kết quả đạt được trong tháng 10 càng củng cố thêm dự báo chúng ta sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh không để văn bản nợ đọng.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết xử lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các loại tội phạm (ma túy, giết người, cướp giật, băng nhóm xã hội đen, tín dụng đen…).

Thủ tướng yêu cầu các bộ phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2019 để trình Quốc hội thông qua.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về một vấn đề đang được dư luận quan tâm là thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019. Theo báo cáo của Bộ, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, kỳ thi năm 2019 cơ bản giữ ổn định như đã tổ chức trong các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi, phát huy các ưu điểm và khắc phục các bất cập, tồn tại.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cũng tại phiên họp, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý và kết quả kiểm tra tháng 10 của Tổ công tác.

Hiện còn nợ đọng 04 Nghị định, 01 Quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, 03 thông tư.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ, trong 10 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 17.411 nhiệm vụ. Trong đó, có 8.792 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.354 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 265 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,9%, giảm 0,1% so với tháng trước).

Trong tháng 10, Tổ công tác đã tiến hành 03 cuộc kiểm tra đối với các cơ quan trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.

Qua kiểm tra, việc thực hiện nhiệm vụ giao của các bộ, ngành về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến rất tích cực so với tháng trước.

Về điều kiện kinh doanh, đến nay, các Bộ đã trình ban hành được 22 văn bản (01 Luật và 21 Nghị định), đã cắt giảm, đơn giản được 3.004/6.191 điều kiện (đạt 97% so với chỉ tiêu giao, tăng 1.871 điều kiện - tăng 60,4% so tháng trước).

Về kiểm tra chuyên ngành, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21văn bản, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2%, đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phóng viên báo Tuổi trẻ: Vừa qua báo Tuổi trẻ có đăng loạt bài về tình trạng chèo kéo du khách khu vực hồ Hoàn Kiếm. Xin hỏi Chính phủ có giải pháp gì để thời gian tới không tái diễn tình trạng này tại các địa điểm du lịch?

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này đã nghe thảo luận về chủ trương miễn học phí cho cấp trung học cơ sở thuộc khối học công lập trên địa bàn TPHCM. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của các bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trong 10 tháng qua, ngành du lịch đã đón tiếp 12,8 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam. Chúng ta cũng biết là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các bộ, địa phương rất quyết tâm xây dựng kinh tế du lịch. Năm ngoái, chúng ta tiếp đón 13 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam, năm nay ngành du lịch đặt mục tiêu tiếp đón 15 triệu lượt khách.

Vấn đề bây giờ là chúng ta phải đảm bảo chất lượng du lịch, trong đó có hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch, đặc biệt là liên quan đến vấn đề làm sao để khách quốc tế đến Việt Nam và sẽ quay trở lại Việt Nam.

Vấn đề liên quan đến chèo kéo khách chỉ xảy ra tại một vài điểm nhất định. Khi nhận thông tin này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Thành phố Hà Nội chỉ đạo làm sao không có vấn đề chèo kéo, làm sao để du khách tự nguyện mua bán, tham quan, và quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo an toàn cho du khách, không để xảy ra tình “chặt chém”, giật đồ…

Chúng tôi sẽ trao đổi lại với TP. Hà Nội để quản lý vấn đề này chặt chẽ hơn, để tránh tình trạng chèo kéo khách du lịch.

Ngày 18/10, Thủ tướng có nhận được văn bản của UBND TPHCM và ngày 29/10, có văn bản đề xuất của Thành ủy TPHCM liên quan đến đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở đối với học sinh các trường công lập trên địa bàn Thành phố. Luật Giáo dục quy định miễn học phí đối với cấp Tiểu học, không miễn học phí đối với cấp Trung học cơ sở và đưa ra mức khung từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng/học sinh/tháng. Trên cơ sở khung đó, các tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân để đưa ra mức thu cụ thể của từng địa phương trên cơ sở khả năng cũng như mức sống, điều kiện của từng vùng, từng địa phương.

Ví dụ hiện nay ở TPHCM, khu vực Thành phố đang có mức thu 100.000 đồng, khu vực nông thôn đang thu 85.000 đồng, như vậy vẫn nằm trong mức thu trung bình. Đề xuất này của Thành phố rõ ràng thể hiện sự quan tâm của Thành phố đến công tác giáo dục, đặc biệt là đối với cấp Trung học cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất Quốc hội sửa Luật Giáo dục, trong đó có liên quan đến vấn đề học phí. Vì vậy Thủ tướng cũng cân nhắc và đặt vấn đề TPHCM chờ. Khi có Luật Giáo dục sửa đổi thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật.

Phóng viên Hiếu Công (Zing.vn): Ông Lê Tiến Thành, Giám đốc BQL dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 về chất lượng, Bộ GTVT bình luận gì về điều này?

Trong gói thầu A5 của dự án, Thanh tra phát hiện POSCO đã chuyển cho 18 nhà thầu khác, việc này có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng công trình và có chuyên gia cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc ở dự án này cho khách quan. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng?

Vừa rồi Hãng hàng không Bamboo Airways có tuyên bố bay vào 10/10 nhưng đang vướng thủ tục cấp phép. Họ đang vướng vấn đề gì mà Bộ GTVT chưa cấp phép?

Phóng viên VN Media: Liên quan đến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xem xét trách nhiệm cá nhân. Xin hỏi Bộ đã xử lý việc này thế nào?

Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước với dự án này, cụ thể là trách nhiệm của Cục Quản lý công trình xây dựng thuộc Bộ GTVT.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Về việc Thanh tra Chính phủ có vào cuộc Dự án Cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng không, ngày 18/10 vừa qua, Bộ GTVT đã có quyết định thanh tra đột xuất dự án này và để có chỉ đạo tiếp thì hiện nay Bộ GTVT chưa có báo cáo tiếp lên Chính phủ. Bộ GTVT đang tiến hành làm theo đúng quy định, sau khi có kết quả báo cáo của Bộ GTVT chúng tôi sẽ công bố.

Liên quan đến cấp phép bay cho Hãng hàng không Bamboo Airways, tôi cho rằng đây là sự cạnh tranh sẽ mang dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Sau khi FLC có đề xuất thành lập Hãng hàng không, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xin chủ trương và Chính phủ đã đồng ý thành lập Hãng hàng không.

Còn việc cấp phép bay, ngày 17/8/2018, Bamboo Airway có đề xuất và Bộ GTVT cũng đề xuất lên Chính phủ đề nghị cấp phép bay. Theo Luật Hàng không trước đây, việc cấp phép bay này phải có ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên theo quy định mới thì việc đề xuất cấp phép bay do cơ quan thẩm định là Cục Hàng không của Bộ GTVT thẩm định và dựa trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến toàn bộ các điều kiện như an ninh, an toàn, hạ tầng… nên VPCP rất thận trọng lấy ý kiến của các nộ, ngành trên cơ sở đề xuất thẩm định của Bộ GTVT. Có nhiều ý kiến khác nhau, VPCP đã tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT trả lời, làm rõ các vấn đề. Hiện nay, VPCP đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ tại một phiên họp gần nhất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Liên quan đến việc một cán bộ của Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đánh giá tỉ lệ chất lượng dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chỉ đạt 6/10, tôi khẳng định rằng, việc xác định chất lượng công trình có bộ tiêu chuẩn riêng để xác định. Còn những đánh giá định tính thì không có cơ sở. Còn trong quá trình thi công đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật, từ nguyên liệu đầu vào, rồi xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. Đây là kết quả trong quá trình giám sát thi công, không do cá nhân nào phát biểu.

Với gói thầu A5 của POSCO (Hàn Quốc) có 18 nhà thầu phụ, nhà báo cho rằng có việc “bán thầu”. Tôi xin trả lời rằng, trong các quy định của hợp đồng vay vốn, theo quy định của Hiệp hội Kỹ sư Quốc tế đều có việc nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ được xác định ngay từ trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính và trong quá trình thi công các hạng mục. Công việc giao cho nhà thầu phụ nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu chính. Có bao nhiêu nhà thầu tuỳ vào các hạng mục công trình. Nhà thầu chính không được thoái thác trách nhiệm trong quá trình thi công cho đến khi hoàn thành công trình, đảm bảo chất lượng cũng như bảo hành. Việc “bán thầu” là không có cơ sở vì các nhà thầu phụ này đều có hợp đồng thầu phụ và được chấp thuận bởi Chủ đầu tư trên cơ sở có cả sự xem xét của Tư vấn giám sát. Đây là việc làm bình thường của các nhà thầu quốc tế trúng thầu các gói thầu của các dự án nói chung và của các dự án ODA nói riêng.

Liên quan đến việc Hãng hàng không Bamboo Airways vướng gì, Bộ GTVT đã thẩm định hồ sơ trên cơ sở thẩm định của Cục Hàng không theo Luật Hàng không và theo quy định cấp phép cho các hãng hàng không mới. Bộ GTVT đã hoàn tất thẩm định để báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đang hoàn thiện xử lý nội dung này.

Về việc Hội đồng thành viên của VEC đã báo cáo việc xử lý trách nhiệm cá nhân chưa, tôi xin trả lời rằng: Đối với những khiếm khuyết của Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có trách nhiệm của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư dự án. Cơ quan chủ quản là Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện việc khắc phục kịp thời và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của VEC và cả các cơ quan bên dưới như: Tư vấn giám sát, nhà thầu thực hiện… Thực tế như nhà báo nêu về phía Bộ GTVT đã rà soát, xem xét nhưng ngày 29/9/2018 có Nghị định 131 về việc chuyển VEC về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Trong giai đoạn giao thời này, của Bộ GTVT đang tiếp tục phối hợp với Uỷ ban để xử lý việc này.

Về trách nhiệm của Cục Quản lý xây dựng đối với dự án này, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản và VEC là chủ đầu tư. Với trách nhiệm cơ quan chủ quản, Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông quản lý về tiến độ, chất lượng chung của các dự án kết cấu hạ tầng giao thông như: Đôn đốc chung về tiến độ, tham mưu cho Bộ về quản lý chất lượng, phát hiện các vấn đề, chỉ định các đơn vị kiểm định, theo dõi kiểm tra thực hiện, theo dõi việc tuân thủ các quy định về chất lượng, về quy định hợp đồng… Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng kiểm điểm trách nhiệm về việc này và sẽ có công bố sau.

Phóng viên Hoài Thu (báo điện tử Vnexpress): Tôi có một số câu hỏi liên quan đến Dự thảo Luật An ninh mạng mà Bộ Công an vừa công bố. Trong Dự thảo Luật An ninh mạng, quy định lưu trữ thông tin khi đặt văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam. Tôi muốn hỏi quy định lưu trữ thông tin yêu cầu lưu trữ thông tin mật của văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam có khả thi hay không? Đây có phải là trở ngại trong việc tiếp cận với công nghệ thông tin, hòa nhập với thế giới của người dân hay có vi phạm một số hiệp định, quy định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia hay không?

Điều 24 của dự thảo này cũng quy định các dữ liệu, thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở, quốc tịch… sẽ phải cung cấp cho cơ quan quản lý. Nếu như người dùng internet buộc phải cung cấp hết các thông tin cá nhân như thế này thì mức độ bảo mật, cũng như bảo đảm an toàn của người dùng sẽ bị đe dọa. Cơ quan soạn thảo có tính đến điều này hay không và có giải pháp gì để chống lại việc hacker đe dọa bảo mật người dùng?

Người Phát ngôn Chính phủ có nói tại phiên họp vừa rồi Chính phủ có lắng nghe, xem xét báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Vậy xin cho biết cụ thể quyết định của Chính phủ như thế nào?

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chính phủ đã lắng nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo. Vậy xin cho biết định hướng của kỳ thi năm tới sẽ ra sao để khắc phục những bất cập của kỳ thi năm vừa rồi?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, phải khẳng định đây là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm nay chỉ báo cáo đến Chính phủ biết, chứ không phải Chính phủ quyết làm sớm hay muộn. Vấn đề đổi mới kỳ thi, đổi mới ra đề thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liên quan đến kỳ thi, Thủ tướng đã kết luận là yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4/11/2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Còn riêng vấn đề sách giáo khoa, yêu cầu phải thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 51 của Quốc hội ban hành ngày 21/11/2017. Trong nghị quyết ghi rõ lộ trình năm 2020-2021 bắt đầu thực hiện đổi sách giáo khoa tiểu học, chậm nhất là năm 2021 với lớp đầu cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu của THCS; năm 2022-2023 lớp đầu của THPT. Tinh thần Thủ tướng kết luận là yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, còn việc tổ chức như thế nào thì thực hiện theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Thủ tướng không kết luận phải làm trước hay làm sau, mà yêu cầu thực hiện đúng như vậy, tránh đùn đẩy đưa ra trình Chính phủ.

Liên quan đến Luật An ninh mạng, Thủ tướng cũng đã nhận được một số ý kiến của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, các cơ quan ngoại giao. Thực ra, việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết và Quốc hội cũng đã thông qua rồi, bây giờ chỉ là xây dựng nghị định của Chính phủ để hướng dẫn thi hành chi tiết Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2019. Tinh thần hôm nay, Thủ tướng cũng đưa ra vấn đề bảo toàn an ninh mạng và an ninh thông tin truyền thông là rất cần thiết.

Như chúng ta vẫn thường nói, vấn đề an ninh lương thực, an ninh trật tự an toàn xã hội nằm trong phạm vi bảo vệ chủ quyền quốc gia là những vấn đề luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng trong tổng thể vẫn phải bảo đảm môi trường tốt để thu hút đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp. Cho nên việc xây dựng nghị định này cần hết sức thận trọng, cân nhắc.

Thủ tướng hôm nay nói sẽ đưa ra thực hiện theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. Như vậy, thực hiện quy trình này sẽ dành thời gian 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhân dân. Trong chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử cũng đang phải tập trung để xây dựng văn bản liên quan đến quy định về chia sẻ dữ liệu, ban hành quy định về bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân. Chúng ta đang tiến tới Chính phủ điện tử, phải có bảo vệ, nếu không làm tốt thì sẽ bị lạc hậu. Vậy vấn đề công bố, cung cấp, bảo mật như thế nào, trách nhiệm như thế nào sau này sẽ được thể chế hóa, quy định hóa. Chúng ta quyết tâm sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang: Phải khẳng định quy định lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong Luật An ninh mạng là phù hợp vì những lý do sau đây:

Một là, đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia như: Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil. Ngày 25/5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, thay đổi, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình; các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3, nếu vi phạm mức phạt có thể lên tới 20 triệu EUR hay 4% doanh số toàn cầu.

Hai là, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp vì Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở các văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia, Indonesia.

Ba là, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Facebook, Google đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook…) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Bốn là, không trái với các cam kết quốc tế, bao gồm các điều ước liên quan của WTO và CPTPP. Cụ thể, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có điều khoản tôn trọng và đề cao an ninh quốc gia trong bất cứ hoạt động thương mại nào được đề cập trong các cam kết đó.

Trên đây là 4 vấn đề mà chúng tôi khẳng định sẽ không trái và cũng xin báo cáo, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng hiện do Bộ Công an là đơn vị chủ trì dự thảo và Nghị định đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia đóng góp để chúng tôi tiếp thu, giải trình và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Trong phiên họp Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình 2 vấn đề. Một là thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Chính phủ kết luận sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51 ban hành ngày 21/11/2017. Theo lộ trình này, nghị quyết ghi rõ, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất là vào năm 2020-2021 với lớp đầu tiên của cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp THCS; năm 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp THPT. Chỉ đạo của Chính phủ rất rõ là Bộ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51.

Liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chính phủ cũng đã kết luận yêu cầu Bộ khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng của Kỳ thi năm học 2017-2018, thực hiện tốt kỳ thi này theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ đã trình theo tinh thần kỳ thi phải bảo đảm giảm những áp lực, khó khăn và cũng bảo đảm đánh giá đúng độ tin cậy cũng như chất lượng năm học của học sinh. Phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để có thể là cơ sở xét tuyển đại học. Chính vì vậy, Bộ trưởng trong cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để khắc phục: Một là làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, đại học. Thứ hai là bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn và thứ ba là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi bảo đảm an toàn, sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.

Phóng viên báo điện tử Tri thức trẻ: Từ năm 2006 đã có thanh tra vi phạm che phủ đất rừng Sóc Sơn. Sau 12 năm việc thực thi kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa được TP. Hà Nội làm nghiêm túc, nhiều công trình vi phạm mọc lên như báo chí phản ánh. Xin Thanh tra Chính phủ cho biết quan điểm của mình và thời gian tới có đốc thúc TP. Hà Nội xử lý theo kết luận không?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Từ 2006, kết luận thanh tra đã thực hiện tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, báo chí đã đưa tin. Từ thời điểm đó đến nay, nhiều nội dung Hà Nội xử lý chưa triệt để, đặc biệt xử lý các công trình xây dựng, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí… Vì vậy Hà Nội đã quyết định thanh tra, chấn chỉnh sai sót và chúng tôi cũng kiểm tra đôn đốc việc chấp hành của Thành phố theo kết luận. Với trách nhiệm Thanh tra Chính phủ, chúng tôi sẽ theo dõi, thậm chí đôn đốc kiểm tra xử lý bảo đảm đúng theo quy định pháp luật.

Theo Báo Chính phủ

Tin nổi bật