Theo thông tin mới nhất từ hãng tin RT, các quan chức Mỹ đã nêu lên nghi ngờ về tính hiệu quả của các tên lửa tầm xa ATACMS mà chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp cho Ukraine vào tháng 9. Họ cho rằng chúng có thể không phải là yếu tố tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow.
“Nỗi lo ngại về ATACMS hiện nay là chúng sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn như kỳ vọng vì Nga đang tìm cách đặt máy bay của họ ngoài tầm bắn của vũ khí”, tờ New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của chính quyền ông Biden chia sẻ.
Các quan chức Mỹ lo ngại tên lửa tầm xa ATACMS khó giúp Ukraine "thay đổi cuộc chơi". Ảnh: Euro News
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, Ukraine đã nhiều lần đề nghị chính quyền Mỹ cung cấp ATACMS, cam kết không sử dụng vũ khí này trong lãnh thổ của Nga. Kiev nhấn mạnh những loại vũ khí mạnh như ATACMS có thể làm thay đổi tình hình cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua.
Ngày 17/10, cả Mỹ và Ukraine xác nhận Kiev đã nhận được tên lửa tầm xa ATACMS phiên bản M39 có khả năng chứa đạn chùm bên trong. Tuy nhiên, phiên bản ATACMS này chỉ có tầm bắn khoảng 160-165km, thay vì tầm bắn tối đa của hệ thống là hơn 300km.
Ngoại trưởng Kuleba ngày 19/10 cho biết, lô tên lửa tiếp theo sẽ bao gồm phiên bản mới hơn và có thể tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300km. Nếu điều này xảy ra, các tên lửa mới sẽ gia tăng đáng kể năng lực tấn công tầm xa của Ukraine nhằm vào mục tiêu quan trọng của Nga ở khu vực tiền tuyến.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định khi khai hỏa, ATACMS phiên bản M39 sẽ gây thiệt hại trên một khu vực rộng lớn. Song, vũ khí này vẫn còn những điểm thiếu sót nhất định sẽ bộc lộ khi được đưa vào chiến đấu. Đáng chú ý nhất là việc khó có thể phá hủy các phương tiện chiến đấu được bảo vệ kiên cố của Nga.
Với việc sử dụng đạn chùm, M39 ưu tiên tấn công trên diện rộng bằng cách bung các quả đạn nhỏ bên trong ra, sức công phá của mỗi quả là chưa đủ để gây thiệt hại nặng cho xe tăng Nga. Vì vậy, Ukraine chỉ có thế phá hủy thiết giáp của đối phương nếu tên lửa nhắm trúng mục tiêu một cách chính xác nhất.
Vào cuối tháng 10, lực lượng Nga tuyên bố đã đánh chặn hai tên lửa ATACMS. Ukraine đã sử dụng vũ khí này để nhắm vào các sân bay của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cảnh báo ATACMS không phải là yếu tố thay đổi tình hình trên chiến trường mà sẽ chỉ “kéo dài nỗi đau” cho Ukraine.
Phương Uyên (Theo RT)