Báo Sức khoẻ & Đời sống, ngày 9/1, lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) xác nhận các nhà khoa học vừa phát hiện một loài ốc mới tại hang Sơn Đoòng.
Theo đó, trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phát hiện loài ốc cạn có tên khoa học là Calybium plicatus sp.nov.
Loài ốc mới được phát hiện tại hố sụt 1, hang Sơn Đoòng, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân
Đây là loài thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia, được phát hiện tại hố sụt 1, hang Sơn Đoòng. Loài ốc này có hình dạng vỏ tương tự như loài Calybium massiei, Morlet nhưng có kích thước vỏ nhỏ hơn, thành đỉnh có sáu phiến cách đều nhau. Loài ốc cạn mới phát hiện được nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên tiếng Việt là ốc nón Sơn Đoòng.
Ảnh chụp loài ốc mới được phát hiện tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn loài ốc cạn mới này, lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ đạo các đơn vị bổ sung vào Danh mục loài mới của Phong Nha - Kẻ Bàng và đưa ra giải pháp để bảo quản, lưu trữ mẫu vật nói trên.
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện đã ghi nhận được 2.954 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành.
Trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019.
Về động vật, đã ghi nhận 1.399 loài thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 82 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019, 66 loài có tên trong các phụ lục CITES…