Luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty luật Bảo An, đoàn Luật sư TP.Hà Nội tư vấn:
Trước hết, cần căn cứ hợp đồng thuê tài sản mà các bên đã thỏa thuận, giao kết. Trường hợp các bên thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường khi có hỏa hoạn mà thỏa thuận này không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì pháp luật tôn trọng và công nhận thỏa thuận đó. Khi có sự kiện cháy và xảy ra thiệt hại thì nghĩa vụ bồi thường sẽ được thực hiện theo hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng thuê tài sản không quy định về trách nhiệm bồi thường thì giải quyết căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) như sau:
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này."
Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Lưu ý: Trường hợp bên gây thiệt hại không áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì có thể không được coi là bất khả kháng).
Như vậy, với các quy định nói trên thì bên nào có lỗi trong việc gây ra hỏa hoạn thì phải bồi thường cho bên kia, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc xác định bên nào có lỗi sẽ do cơ quan có thẩm quyền điều tra, kết luận.
Việt Hương (T/h)