Dưới sông “cát tặc” lộng hành, trên bờ thì hàng loạt bến bãi trái phép hoạt động gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó tình trạng xe quá khổ quá tải chở cát hoạt động khiến đường tại hai xã Trung Hà và Trung Kiên, huyện Yên Lạc xuống cấp trầm trọng…
Hàng loạt bến bãi trái phép hoạt động gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.
Sau khi làm việc với UBND xã Trung Kiên như đã thông tin ở kỳ trước, chúng tôi tiếp tục tìm đến xã Trung Hà, nơi có tình trạng bến bãi trái phép hoạt động “rộn ràng”. Khác với ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Trung Kiên, ông Trần Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Trung Hà lại có nhiều thông tin “hấp dẫn” như sau:
Đầu năm 2017, UBND xã Trung Hà, huyện Yên Lạc đã cho một số hộ gia đình thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Khánh thuê 20.000m2; ông Trần Văn Nạp thuê 30.000m2; ông Trần Văn Sách thuê 40.500m2. Thời gian thuê của các hộ này là 5 năm từ ngày 01/01/2017 đến 31/12/2021.
Tuy nhiên, theo ông Trò, do hoạt động không đem lại hiệu quả nên những hộ gia đình trên “tự ý” chuyển đổi từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản sang tập kết vật liệu xây dựng và làm bến bãi.
Dù việc các hộ gia đình thuê đất lập bến bãi trái phép hoạt động kéo dài nhiều năm, chưa đúng quy định của pháp luật, song chắc có lẽ, lãnh đạo xã lại “đồng cảm” với vấn đề này.
Vì vậy, ngày 04/04/2019, UBND xã Trung Hà đã đề xuất Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện Yên Lạc, cho phép chuyển đổi 12.000m2 trong tổng số 131.000m2 từ đất nuôi trồng thuỷ sản sang kinh doanh dịch vụ và tập kết nguyên vật liệu cát, sỏi.
Trên cơ sở đó, ngày 21/11/2019 UBND huyện Yên Lạc đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận để UBND xã Trung Hà cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất bãi bồi ven sông Hồng để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, xây dựng bãi tập kết vật liệu xây dựng tại xã Trung Hà. Ngày 04/12/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và báo cáo UBND tỉnh để thống nhất giải quyết đề nghị của UBND huyện Yên Lạc.
Qua tìm hiểu, ngoài những hộ dân trước đây được cho thuê đất nuôi trồng thuỷ sản thì mới đây, một cá nhân cũng được UBND xã Trung Hà cho thuê hàng chục ngàn m2 đất để làm bến bãi tập kết vật liệu.
Liên quan đến vấn đề trên ông Trò cho biết, UBND xã còn cho một cá nhân tên Oai thuê đất. Hiện ông Oai cũng đang sử dụng diện tích đất được thuê để làm bến bãi. Khi PV xin hồ sơ tài liệu liên quan đến hợp đồng cho thuê đất ở trên thì ông Trò từ chối cung cấp với lý do kế toán đi vắng?
Như vậy, đến nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có quyết định chính thức nào về việc đồng ý cấp phép hoạt động cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực người dân nuôi trồng thuỷ sản ở xã Trung Hà. Nhưng hiện nay cả một khu vực bãi bồi ven sông tại xã Trung Hà hiện đã biến thành một đại bản doanh buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng. Những núi cát sừng sững cả một vùng khiến ai lần đầu chứng kiến cũng phải choáng ngợp. Chưa cần nói về việc nguồn gốc những núi cát này có hợp pháp hay không nhưng với quy mô và số lượng cát như trên có thể thấy, dòng sông đã bị đục khoét khủng khiếp như thế nào…
Những núi cát sừng sững cả một vùng khiến ai lần đầu chứng kiến cũng phải choáng ngợp.
Dư luận địa phương cho biết, cách những núi cát này vài chục mét, đêm đêm tiếng máy nổ vẫn hoạt động ầm ĩ, tàu thuyền hoạt động nhộn nhịp bất thường tại đây.
Những khâu vận chuyển “cồng kềnh”
Việc bến bãi trái phép hoạt động không được kiểm soát dẫn đến tình trạng xe quá tải hoành hành làm cho cơ sở hạ tầng tại khu vực xã Trung Hà và Trung Kiên huyện Yên Lạc xuống cấp trầm trọng. Những ổ voi, ổ trâu được cho là do những chiếc xe hàng chục tấn tạo ra khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn. Kéo theo đó là tình trạng bụi bẩn và nguy cơ mất an toàn giao thông cũng là nỗi khiếp sợ của người dân khi tham gia giao thông.
Những ổ voi, ổ trâu được cho là do những chiếc xe hàng chục tấn tạo ra
khiến việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo chân những chiếc xe tải cát, hoạt động công khai cả ngày đêm, chúng tôi không thấy bóng dáng của lực lượng CSGT và lực lượng TTGT tỉnh Vĩnh Phúc đứng ra ngăn chặn, xử lý. Có lẽ là do nhóm đối tượng này khá “may mắn” hoặc do các đơn vị này lực lượng còn “mỏng” đang bận đi chống dịch, hoặc còn một lý do gì đó…
Với hàng loạt những hệ luỵ từ bến bãi trái phép ở trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Vĩnh Phúc nên cân nhắc trong việc cấp phép cho những cá nhân tổ chức đang hoạt động trái phép tại đây, tránh việc hợp thức hóa, tiếp tay cho vi phạm. Đồng thời, cần rà soát kỹ, yêu cầu các cá nhân tổ chức chấp hành đúng pháp luật nếu được cấp phép và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng và lực lượng CA tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ nguồn gốc của những núi cát tại xã Trung Hà. Qua đó, chặt đứt việc tiếp tay cho hành vi khai thác cát lậu nếu có.
Việc khai thác cát trái phép tại huyện Yên Lạc đã diễn ra từ rất lâu và đã nằm trong tầm ngắm của Bộ Công an. Câu hỏi đặt ra là cá nhân tổ chức nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho sự việc này? Có hay không sự “bảo kê, nhóm lợi ích” trong hoạt động khai thác cát trái phép tại đây? Tạp chí Đời sống và Pháp luật sẽ thông tin tới quý khán giả trong phóng sự “ Chảy máu tài nguyên tại Vĩnh Phúc - Kỳ 3: Khi dòng sông Hồng dậy sóng"