Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chàng trai nghị lực và tiệm cắt tóc "giao tiếp bằng nụ cười" giữa lòng Hà Nội

(DS&PL) -

Những mảnh giấy, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và nụ cười thường trực trên khuôn mặt của chủ tiệm cắt tóc nói chuyện" với khách hàng bằng tay khiến nhiều người cảm phục.

Những mảnh giấy, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và nụ cười thường trực trên khuôn mặt của ông chủ tiệm cắt tóc "nói chuyện" với khách hàng bằng tay khiến nhiều người cảm phục nghị lực vươn lên của chàng trai không đầu hàng trước số phận.

[presscloud]17173[/presscloud]

Tại số 55 ngõ Văn Chương (Hà Nội), tiệm cắt tóc của anh Nguyễn Thái Thành (29 tuổi, Bắc Giang) là một cửa hàng đặc biệt so với những nơi khác. Ở đây, cả chủ lẫn khách đều giao tiếp với nhau bằng những mảnh giấy hay bằng những kí hiệu đặc trưng của thủ ngữ, bởi người lập ra cửa hàng này bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. 

Vượt qua rất nhiều khó khăn, những tưởng có những khi phải chùn bước nhưng anh Thành vẫn gây dựng và duy trì tiệm cắt tóc này. Đồng thời, anh Thành cũng tìm được một nửa hạnh phúc của mình, cùng nhau gây dựng tổ ấm nhỏ đầy ắp hơi thở hạnh phúc. 

Đến cửa hàng của anh Thành trong một ngày Hà Nội mưa rả rích trong tiết trời se lạnh của mùa thu, những ánh mắt chứa đầy tự tin những nụ cười thường trực trên môi của anh Thành, dù không phát ra tiếng của anh nhưng cũng khiến người đối diện cảm thấy ấm lòng. Thông qua người phiên dịch thủ ngữ, những điều ông chủ của tiệm cắt tóc đặc biệt chia sẻ càng khiến người khác cảm phục chàng trai có nghị lực kiên cường.

PV: Chào Thành, là một người khiếm thính bẩm sinh, anh gặp phải những khó khăn gì trong cuộc sống?

Anh Nguyễn Thái Thành: Sinh ra trong gia đình có 3 chị em nhưng chỉ bản thân bị điếc khiến tôi gặp nhiều rào cản về giao tiếp. Khi đi học, tôi thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, chèn ép. Có những lần vì tức giận, tôi đã đánh nhau với bạn. 

Đến năm 13 tuổi, tôi nhập học trường Nhân Chính. Tại đây, tôi biết đến câu lạc bộ cho người điếc. Môi trường mới giúp tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Cuộc sống bắt đầu thay đổi khi tôi có nhiều bạn bè hơn, vui vẻ hơn, được tiếp thêm động lực để bản thân nỗ lực mỗi ngày. 

Anh Nguyễn Thái Thành sử dụng thủ ngữ khi giao tiếp với mọi người.

PV: Đâu là động lực để anh vượt qua sự tự ti và cố gắng vượt mọi khó khăn trong cuộc sống?

Anh Nguyễn Thái Thành: Gia đình luôn yêu thương, quan tâm và là điểm tựa vững chắc của tôi để vượt qua mọi khó khăn. Mặc dù còn nhiều rào cản trong cuộc sống nhưng nhờ tình yêu của cha mẹ và các thành viên trong gia đình đã giúp tôi luôn cảm thấy tự tin và cố gắng phấn đấu. Ngoài ra, hàng ngày, tôi đọc sách, xem truyền hình, tạp chí, tìm hiểu thông tin và học hỏi thêm nhiều kiến thức mới cũng là cách vừa giúp tôi tiếp cận với thế giới, thu nạp thêm thông tin và hoàn thiện bản thân.

PV: Cơ duyên nào khiến anh đến với công việc hiện tại? Đặc biệt là gặp được người thầy dạy nghề cho mình?

Anh Nguyễn Thái Thành: Trước khi đến với công việc hiện tại, tôi đã ứng tuyển vào nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chỉ vì bản thân là người câm, điếc nên tôi không nhận được sự đồng ý của nhiều công ty. Sau những ngày tháng tìm việc khó khăn, may mắn đã đến với bản thân tôi khi chính chị tôi đã liên hệ và giới thiệu một người thầy dạy cắt tóc để cho em trai mình đến học nghề.

Những ngày đầu, dù không biết thủ ngữ nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình, cẩn thận của thầy nên tôi dần dần học được những kiến thức căn bản của nghề cắt tóc. Tuy nhiên, cũng vì rào cản ngôn ngữ giao tiếp mà thầy của tôi chỉ dạy những kỹ thuật cơ bản. Sau đó, trong quá trình học, tôi nhìn thầy làm rồi thực hiện theo, lặp lại động tác nhiều lần cho đến khi quen và trở thành kĩ năng của bản thân. 

PV: Sau khi quyết định mở cửa hàng riêng cho mình, trong những ngày đầu khởi nghiệp, anh gặp phải khó khăn như thế nào?

Anh Nguyễn Thái Thành: Khi mới lập nghiệp, tôi cũng như mọi người đều gặp những khó khăn nhất định. Khi mới bắt đầu cửa hàng này, vấn đề về tài chính đề duy trì quán và cuộc sống, kinh nghiệm làm nghề, cũng như giao tiếp với khách hàng bị hạn chế... chính là những khó khăn mà tôi phải trải qua. 

Những ngày đầu khởi nghiệp, thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tự bản thân tôi phải tự nhủ luôn cố gắng học tập tấm gương của người đi trước, tự rút kinh nghiệm và cố gắng vươn lên cả trong công việc và cuộc sống. 

Đặc biệt, khi được khách nhận xét về thành quả, góp ý về kỹ năng, tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe và đúc kết kinh nghiệm, từ đó làm động lực để học sâu hơn và nâng cao tay nghề. Sau những lần thất bại, tôi thay đổi từng ngày và dần mở rộng quy mô tiệm cắt tóc.

Từ một tiệm cắt tóc nhỏ, anh đã mở rộng quy mô cửa hàng và nhận được sự yêu miến của nhiều khách hàng.

PV: Vậy trong công việc thường ngày, anh giao tiếp với khách hàng như thế nào? 

Anh Nguyễn Thái Thành: Khi đến tiệm của tôi, khách hàng sẽ viết thông tin ra giấy hoặc nhắn tin trao đổi qua điện thoại. Với những vị khách chưa biết bản thân tôi bị điếc, tôi viết giấy để giải thích về cách nói chuyện. Đa phần mọi người đều vui vẻ và mỉm cười đồng ý với hình thức giao tiếp này.

PV: Không chỉ làm việc, anh còn dạy nghề cho những học viên khiếm thính, vậy thầy và trò gặp phải những bất lợi gì không?

Anh Nguyễn Thái Thành: Tôi bắt đầu dự án dạy nghề cho trẻ câm, điếc từ năm 2015. Trong quá trình dạy nghề, khó khăn lớn nhất là các bạn không biết chữ, ký hiệu ngôn ngữ cũng hạn chế. Vì vậy, tôi phải dạy chậm, dạy kỹ và hướng dẫn từ từ để các bạn dễ hiểu. Nếu họ không hiểu, tôi sẽ giải thích cho đến khi tất cả mọi người đều nắm rõ thông tin. 

Anh Nguyễn Thái Thành đang sử dụng thủ ngữ để truyền đạt kiến thức cho các học viên (Ảnh: Linh Chi).

PV: Anh muốn nhắn gửi điều gì đến những người xung quanh, đặc biệt là tới những người giống bản thân anh?

Anh Nguyễn Thái Thành: Tôi hi vọng rằng, cộng đồng người điếc, cũng như người khuyết tật nói chung hãy cố gắng động viên nhau để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn những người bình thường có thể tạo điều kiện giúp người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Tôi tin rằng, nếu hai bên hiểu nhau, mọi người có thể hợp tác để cùng phát triển. 

Cảm ơn anh vì buổi phỏng vấn này!

Tiệm cắt tóc không lời của anh Nguyễn Thái Thành nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng. Chị Tống Thị Nga, khách hàng thân thiết của quán cho biết: “Mình đã cắt tóc rất nhiều nơi nhưng vẫn cảm thấy ưng nhất ở tiệm tóc của bạn Thành. Bạn cắt tóc rất kỹ, luôn quan tâm và hỏi thăm khách hàng nhiệt tình.”

Bên cạnh khách hàng, các học viên đều dành sự yêu mến và trân trọng đối với thầy Nguyễn Thái Thành. Học viên Nguyễn Viết Trung (20 tuổi, quê Hà Tĩnh) chia sẻ, thầy giảng dạy rất tận tình, luôn sử dụng ký hiệu rõ ràng giúp các bạn hiểu công việc nhanh hơn. Trong một năm gắn bó, hai thầy trò chưa từng gặp bất đồng hoặc có xung đột khi làm việc chung.

An Nhiên

Tin nổi bật