Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chàng thợ xăm tốt bụng và nghĩa trang kỳ lạ giữa đại ngàn

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Nhìn thấy những thai nhi vô tội bị vứt bỏ ven đường, thậm chí nơi bãi rác, kênh, rạch…, anh Trung lặng lẽ đem về chôn cất ở “ngôi nhà chung”.

(ĐSPL) - Nhìn thấy những thai nhi vô tội bị vứt bỏ ven đường, thậm chí nơi bãi rác, kênh, rạch…, anh Trung lặng lẽ đem về chôn cất ở “ngôi nhà chung”. Hơn 4 năm qua, mặc dù bận rộn với việc mưu sinh nhưng hàng ngày, anh Trung vẫn đều đặn nhang khói để “ngôi nhà chung” thêm ấm cúng.

Việc làm lặng lẽ của chàng thợ xăm hình

Nhiều năm qua, giữa vùng cao nguyên xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) có một khu nghĩa trang kỳ lạ thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Đó là nghĩa trang thai nhi, nơi yên nghỉ của hàng trăm bào thai vô tội bị cha mẹ “từ chối”. Hơn 300 thi hài là hơn 300 câu chuyện đẫm nước mắt về những sinh linh tội nghiệp. Chúng tôi gọi đây là nghĩa trang kỳ lạ bởi nó được tạo nên từ tấm lòng thiện nguyện của một anh thợ xăm hình trẻ tuổi. Người dân địa phương quen gọi anh bằng cái tên thân mật Ngô Trung chứ ít ai biết rõ về lai lịch, công việc của anh.

Chúng tôi gặp Ngô Trung tại tiệm xăm hình nhỏ của anh ở thị trấn Gia Nghĩa vào một chiều mưa tầm tã. Trong căn phòng nhỏ, Ngô Trung đang ngồi nắn nót xăm hình trên tay cho một chàng trai trẻ. Bên cạnh đó, chiếc điện thoại được đặt ở vị trí dễ quan sát nhất. Anh Ngô Trung giải thích: “Tôi luôn sợ có người gọi điện đến nhờ chôn cất thai nhi mà mình không biết thì tội nghiệp lắm. Các con dù chẳng bao giờ được làm người nhưng có linh hồn và số phận”.

Anh Trung (thứ 2 từ trái sang) phát động chương trình đổi 1 hình xăm lấy 1 thùng mì gói cho đồng bào nghèo khó.

Ngô Trung sinh năm 1988, trong một gia đình nghèo ở tỉnh Thái Bình. Nhiều năm trước, anh một mình khăn gói lên mảnh đất Tây Nguyên lập nghiệp. Ngô Trung cho biết, anh từng tốt nghiệp trường cao đẳng Sư phạm Thái Bình, chuyên khoa Mỹ thuật. Sau ngày ra trường, chàng trai quê lúa mưu sinh bằng việc vẽ tranh trên gốm tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Vì thu nhập bấp bênh nên Ngô Trung trăn trở về hướng khởi nghiệp mới. Có năng khiếu nghệ thuật, Ngô Trung quyết tâm kiếm sống bằng bàn tay và khối óc của mình. Lúc này, ở Hà Nội đang có trào lưu xăm hình nghệ thuật. Ngô Trung hiểu đây chính là cơ hội để phát huy tài năng của mình. Anh tìm đến những bậc thầy về nghệ thuật xăm hình xin học nghề. Sau đó, Ngô Trung mạnh dạn mở tiệm xăm hình ở huyện Từ Liêm (cũ), Hà Nội.

Công việc làm ăn thuận lợi, càng thôi thúc Ngô Trung về những ý tưởng phát triển mới. Đầu năm 2011, chàng trai trẻ với máu “xê dịch” sẵn có quyết định khăn gói vào mảnh đất Gia Nghĩa để đối diện với thử thách mới. Trung tâm sự: “Từ trước đến nay, người ta luôn có định kiến với những ai xăm hình, đặc biệt là với thợ xăm hình. Tôi luôn nỗ lực làm việc để dư luận thấy xăm hình vốn là một nghệ thuật và rất trí tuệ. Nhiều người cho rằng thợ xăm hình đều là dân giang hồ ngổ ngáo, đây là quan niệm không đúng. Ở nước ngoài, nghệ thuật xăm hình trên cơ thể phát triển từ rất lâu. Khi du nhập vào Việt Nam, nó gặp phải không ít định kiến. Cũng chính vì thế mà những ngày đầu mới mở, tiệm xăm hình của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo”.

Việc anh thợ xăm hình hòa đồng, vui tính trở thành “cha” của những bào thai vô tội là một câu chuyện đầy tính nhân văn. Anh kể: “Sau thời gian sống ở Gia Nghĩa, không ít lần tôi bắt gặp những bào thai vô tội bị bỏ rơi bên vệ đường. Nhìn các hài nhi bị ruồi, kiến bâu, hết sức tội nghiệp. Tôi hiểu cha mẹ các con vì lý do nào đó không thể sinh con ra. Nhưng hơn hết, các con cũng có linh hồn và số phận, cần được đối xử công bằng hơn. Tôi lặng lẽ mang các con về chôn cất ở khu mộ tập thể trên quả đồi nhỏ ở nghĩa trang thị xã. Sau này biết tôi làm việc chôn cất thai nhi, nhiều cha, mẹ của các hài nhi đã chủ động liên lạc nhờ giúp đỡ”.

Xăm hình đổi mì tôm làm từ thiện

Việc làm thiện nguyện của Ngô Trung dần được nhiều người biết đến. Sau đó, bạn bè, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm đồng ý chung tay cùng anh làm việc thiện giúp đời. Hiện tại, do số lượng các hài nhi quá lớn, anh Trung và nhóm bạn quyết định lưu giữ, bảo quản ở nhà thờ Gia Nghĩa, chờ đến khi có đủ 10 sinh linh tội nghiệp mới đem đi chôn cất ở khu mộ tập thể trong nghĩa trang.

Theo lời anh, những thai nhi là của các cặp vợ chồng có thai ngoài ý muốn, hoặc chết lưu, các cô gái nhẹ dạ cả tin bị bạn trai lừa gạt... Nhiều người sau khi phá bỏ mầm sống của mình đã chủ động gọi cho anh nhờ chôn cất. Cũng có bà mẹ sợ hãi bỏ con lại bên đường. Bất cứ ai phát hiện thai nhi, chỉ cần gọi đến số của anh thợ xăm hình tốt bụng là anh lập tức có mặt để nhận thai nhi về chôn cất mà không đòi hỏi một khoản chi phí nào. Tất cả thai nhi đều được anh Ngô Trung đặt tên và nhận làm con nuôi. Anh ghi chép tên tuổi, ngày mai táng những hài nhi vào sổ sách cẩn thận. Những hài nhi có họ chung là “Thiện”. Anh Trung giải thích: “Thiện ở đây là thiện tâm, lòng tốt, tôi mong các con được hưởng cuộc sống an lạc ở thế giới bên kia”.

Anh Ngô Trung dẫn chúng tôi lên khu nghĩa trang đỉnh đồi. “Ngôi nhà chung” của các bé có diện tích gần 10m . Anh Trung cho biết đang có hơn 300 thi hài yên nghỉ ở đây. Khu nghĩa trang này có thể an táng được hơn 1.000 hài nhi. Tuy nhiên, người đàn ông tốt bụng đó không hy vọng số hài nhi sẽ tăng lên. Anh nói: “Tôi biết các bà mẹ phải đau khổ, dằn vặt lắm khi bỏ đi những đứa con vô tội. Tôi chỉ khuyên họ nên suy nghĩ thấu đáo trong các mối quan hệ, đừng vì phút bốc đồng, yếu đuối trao thân cho người khác để phải ôm lấy nỗi đau cho riêng mình”.

Không chỉ làm “cha” của những hài nhi bị bỏ rơi, anh Trung còn tham gia rất nhiều công tác từ thiện khác. Vào dịp cuối tuần, hay những ngày lễ, tết, anh Trung và nhóm bạn lại đi nấu cơm tại “Tịnh thất Thiện Hoa” để phát cơm cho người nghèo. Các anh tự nấu cơm, thay nhau mang cơm đến bệnh viện Đa khoa Đắk Nông phát miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo khó. Việc làm của các anh như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho người bệnh nghèo chiến đấu chống lại bệnh tật.

Tiệm xăm hình của anh Trung lúc nào cũng đông khách. Sở dĩ có điều này bởi mọi người đều hiểu anh thợ xăm hình không hẳn làm việc vì tiền bạc. Anh Trung thường mở những đợt xăm hình quyên góp tiền từ thiện. Mới đây nhất là chiến dịch “xăm hình đổi mì tôm” gây tiếng vang lớn. Theo đó, khi đến xăm hình, thay vì trả tiền, khách chỉ cần mang đến một thùng mì tôm tương đương với chi phí xăm. Bằng cách này, Ngô Trung hy vọng sẽ sớm gom đủ 200 thùng mì phát miễn phí cho đồng bào nghèo, người tàn tật, neo đơn trên địa bàn.

Nhận xét về những việc làm thiện nguyện của chàng thợ xăm trẻ, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đức Thuận (Tổ trưởng tổ 2, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Trung là một chàng trai giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không mấy khá giả, hằng ngày Trung vẫn phải tất bật mưu sinh, lo cho gia đình nhưng lúc nào chàng trai ấy cũng dành thời gian quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội. Việc chôn cất hài nhi xấu số của Trung, chúng tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng”.

CƯỜNG MAI

[mecloud]hPQkr4ag3D[/mecloud]

Tin nổi bật