Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chàng kỹ sư bỏ việc đi “lang thang” khắp Việt Nam thành người truyền cảm hứng

(DS&PL) -

Chuyến hành trình của anh chỉ mới bắt đầu sau khi từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng để trở thành người kể chuyện đầy cảm hứng.

Ngoại hình không mấy nổi bật, thường diện quần âu, áo sơ mi, giọng nói trầm nhỏ không bắt tai, đôi khi lúng túng trước camera... lại là những yếu tố tạo nên trav- el vlogger Khoai Lang Thang hút gần 1 triệu người theo dõi trên kênh YouTube riêng. Chuyến hành trình của anh chỉ mới bắt đầu sau khi từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng để trở thành người kể chuyện đầy cảm hứng.

Sau các video của mình, Khoai Lang Thang đã góp phần tạo ra sân chơi cho các trẻ em vùng sâu vùng xa.

Kết thúc để bắt đầu

Hoài Phương sinh ra ở Bến Tre, như cái cách mà anh từng nói trong một video của mình, “xứ miền Tây nghèo tiền bạc nhưng đầy ắp nghĩa tình”. Dù đam mê việc thiết kế nhưng không có điều kiện để xuống thành phố học vẽ nên Phương đành phải đăng ký học ngành kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp Á khoa trường đại học Tôn Đức Thắng, anh đã có 3 năm làm các công việc liên quan đến những gì mình đã học với một mức lương ổn định.

Nhưng điều khiến Hoài Phương trăn trở nhất là anh không tìm thấy niềm vui trong chính công việc mình theo đuổi. Nhớ về những ngày đó anh tâm sự: “Lúc học năm 3 mình đã biết mình không hợp với ngành kỹ sư xây dựng nhưng vẫn tự nhủ lòng là nên cho mình cơ hội trải nghiệm với nghề. Sau 3 năm đi làm ở các vị trí khác của ngành, Phương nhận ra đây không phải là công việc mình có thể theo đuổi cả đời, không phải là đam mê mà mình tìm kiếm”.

Sau một năm suy nghĩ, đắn đo, Hoài Phương quyết định bỏ việc và bắt đầu xây giấc mơ trở thành một “người kể chuyện” và kênh YouTube Khoai Lang Thang ra đời từ đó. Bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê không phải điều dễ dàng. Ban đầu Hoài Phương vẫn duy trì công việc và chỉ đi du lịch vào những ngày nghỉ phép. Khi việc làm vlog ổn định, đi vào quỹ đạo, anh quyết định nghỉ hẳn. “Mình giấu gia đình về quyết định nghỉ việc kỹ sư. Phải gần một năm sau mẹ mới biết chuyện. Khi đó thì mọi chuyện đã rồi và kênh cũng phát triển khả quan nên mẹ cũng không trách gì mình cả", Khoai Lang Thang nói.

“Lý do để Phương đặt tên kênh YouTube của mình dung dị như cái chất người miền Tây là vì ở quê, bạn bè hay nói lái Hoài Phương tiếng miền Tây là “vườn khoai”. Mình làm kênh du lịch, ẩm thực, văn hóa, trải nghiệm nên mình nghĩ cái tên "Khoai Lang Thang" phù hợp”, anh chia sẻ. Đến nay, Khoai Lang Thang đã có hơn 1.000 ngày rong ruổi khắp Việt Nam để ghi lại hơn 100 thắng cảnh đẹp.

Câu chuyện nhỏ, thay đổi lớn

Với hơn 200 video đã được đăng tải nhưng trong suốt hành trình của mình nơi Hoài Phương dành tình cảm đặc biệt nhất vẫn là miền Tây. “Đây là nơi Phương sinh ra cũng là nơi gắn bó nhiều nhất trong suốt hành trình vừa qua. Lý do với Phương đơn giản lắm. bởi nơi này luôn cho mình cảm giác thân thuộc”, anh nói.

Qua những thước phim đẹp về cuộc sống của người dân, ai cũng nhận thấy sự hòa mình, trải nghiệm hết sức tự nhiên với những vùng đất mà anh đi qua. Hoài Phương không khác gì một anh nông dân miền Tây thứ thiệt, lúc dầm mình nhổ hẹ nước khi lại đổ bánh xèo, bánh khọt, lội ruộng bắt ốc... Khoai Lang Thang sẵn sàng ăn cơm cùng gia đình người dân nếu được mời. Chẳng có bất cứ khoảng cách nào, cứ thế, cái tình, cái nghĩa được lan tỏa một cách tự nhiên nhất.

Không chỉ đến miền Tây, Hoài Phương còn có nhiều video nói về cuộc sống của người dân miền Tây Bắc, sự thích nghi của những đứa trẻ nghèo khó Hà Giang. Đầu tháng 8/2019, clip “Việt Nam chuyện chưa kể” nói về khát vọng có một sân chơi an toàn của những đứa trẻ vùng cao được đăng tải. Mỗi lần nhìn những đứa trẻ vùng cao vô tư lớn lên Khoai lại nhớ về những kỷ niệm nhiều màu sắc của tuổi thơ. Những trẻ em vùng cao còn thiếu lắm những trò chơi an toàn, phát triển tư duy của mình. “Các em chơi với đất, với cỏ cây, với sông nước. Từ những thứ đó, các em sáng tạo ra vô vàn những trò chơi. Đó là ký ức tuổi thơ, là thứ mỗi người mang theo trong hành trình sống của mỗi mình. Các em đã nghe thấy bóng rổ, bóng bàn, cầu lông nhưng chưa một lần được chơi. Tôi mong muốn các em có những sân an toàn để vun đắp những kỷ niệm đó”, Hoài Phương trăn trở.

Hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt chia sẻ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều nhãn hàng, nhà hảo tâm đã quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, sau clip này, một thương hiệu bột giặt đã trở thành người đồng hành cùng Khoai Lang Thang làm những sân chơi cho những đứa trẻ vùng khó khăn. Sau đó, một sân chơi khác tiếp tục được xây dựng tại trường tiểu học KNai, tỉnh Lâm Đồng cũng từ cảm hứng mà Khoai Lang Thang mang đến cho mọi người. Ngoài ra, có 30 sân chơi ở nhiều tỉnh thành khác đã và đang được thực hiện và hoàn thành vào đầu năm 2020.

Nhiều người băn khoăn là tại sao gần như tất cả những nhân vật trong video đều thân thiện, cởi mở và gần như không có khoảng cách với Khoai Lang Thang. Với anh, bí quyết lớn nhất là nụ cười và sự chân thành thật sự. “Với những người xa lạ thì món quà tốt nhất để bạn làm quen là nụ cười và sự chân thành. Nếu bạn đủ chân thành bạn sẽ truyền được cảm hứng cho những người xung quanh. Ít nhất, bạn sẽ làm cho họ quên đi mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả”, anh trải lòng.


Chỉ cần là chính mình

“Tôi luôn nghiêm túc với mọi thứ mình làm. Với công việc này, tôi đã suy nghĩ, lên kế hoạch và thực hiện nghiêm túc. Ngay từ đầu, tôi đã quan niệm mình phải làm cho ra những sản phẩm đàng hoàng”.

“Nói tôi hạnh phúc thì đúng, tôi đang cảm thấy hạnh phúc hơn trước kia. Còn cuộc sống mơ ước thì ai mà chẳng luôn có những mơ mộng lớn hơn hiện tại. Tôi đang học cách hài lòng với cuộc sống nhưng vì còn trẻ nên tôi cho phép mình được mơ mộng nhiều hơn, đặt mục tiêu xa hơn để cố gắng nhiều hơn. Khoảnh khắc hiện tại là hạnh phúc nhất rồi còn tương lai có hạnh phúc hơn nữa hay không, tôi sẽ nỗ lực dần dần”, Hoài Phương bày tỏ.

HÀ NHÂN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời Sống & Pháp Luật số 10

Tin nổi bật