Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chân dung những kẻ báng bổ lừa đảo... hàng loạt nhà chùa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trước đây, Hiệp làm nghề buôn bán, kinh tế thuộc dạng khá giả. Tuy nhiên, hắn đã đưa tất cả gia sản của mình vào trò đỏ đen và trở thành một con nợ không còn khả

(ĐSPL) - Trước đây, Hiệp làm nghề buôn bán, kinh tế thuộc dạng khá giả. Tuy nhiên, hắn đã đưa tất cả gia sản của mình vào trò đỏ đen và trở thành một con nợ không còn khả năng thanh toán. Đường cùng, hắn lôi kéo người thân, thành lập một băng nhóm lừa đảo tại hàng loạt chùa chiền.

Chuyên án đặc biệt

Trong suốt gần một năm, công an nhiều tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Dương, TP.HCM... nhận được đơn tố cáo của trụ trì các chùa cho biết họ bị một nhóm người lừa đảo. Đại diện các chùa này cho hay, họ bị lừa với cùng một chiêu thức: Nhận được điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là lãnh đạo ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, Giám đốc công ty xổ số kiến thiết... hứa sẽ tài trợ lên đến vài trăm triệu đồng, có lúc lên đến cả tỉ đồng để tu sửa chùa.

Để tạo niềm tin, chúng nêu rõ danh tính, đơn vị cung cấp nguồn tài trợ. Chúng chấp nhận gặp và đưa số điện thoại của các Giám đốc cơ sở những nơi này để trụ trì gọi điện xác minh. Kết thúc cuộc gặp, bao giờ chúng cũng yêu cầu các trụ trì nộp một khoản tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng gọi là chi phí nhận tài trợ.

Sau khi nhận đơn tố cáo, Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Cần Thơ nhận thấy, đây là một băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp, liên tỉnh. Do đó, ông đề xuất Giám đốc Công an TP.Cần Thơ lập chuyên án đặc biệt để triệt phá nhóm đối tượng này.

Trong khi công an đang điều tra thì một cơ sở thờ tự tại TP.Cần Thơ nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.Cần Thơ. Người này cho biết, nhân cơ hội đang ngồi họp với Giám đốc công ty xổ số kiến thiết TP.HCM, ông đã đề nghị và được công ty này chấp nhận tài trợ tu sửa ngôi chùa lên đến 500 triệu đồng. Hắn đưa cho vị trụ trì một số điện thoại.

Ngay sau đó, vị trụ trì gọi điện vào số điện thoại đã được người đàn ông nọ cung cấp. Qua điện thoại, một người đàn ông khác tự xưng là Giám đốc công ty xổ số kiến thiết TP.HCM. Tên này cho hay, chấp nhận hỗ trợ chùa 500 triệu đồng, nhưng trụ trì phải chuyển vào tài khoản ngân hàng tên Lưu Kim Yến 30 triệu đồng để làm thủ tục.

Nhóm đối tượng này không thể ngờ, hành động của chúng đã bị ban chuyên án nắm rõ. Chiều 5/7/2013, trong khi nhóm lừa đảo gồm Lê Minh Hiệp (SN 1962), Lê Minh Tuấn (con trai Hiệp, SN 1985), Nguyễn Văn Hoàng (cháu ruột Hiệp, SN 1979, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Thị Ngọc Lai đang rút tiền ở một chi nhánh ngân hàng tại Bình Dương thì bị bắt giữ.

Giả danh tài trợ để yêu cầu nộp tiền làm thủ tục

Do băng nhóm này thực hiện nhiều vụ ở nhiều tỉnh khác nhau, nên lần lượt được TAND các tỉnh đưa ra xét xử. Cách đây chưa lâu, tại ba tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, nhóm này đã bị đưa ra xét xử. Ngày 5/1/2015, Hiệp, Tuấn và Hoàng được di lý lên TAND TP.HCM dự phiên tòa sơ thẩm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiệp khai, trước đây hắn làm nghề buôn bán, kinh tế gia đình cũng thuộc dạng khá. Tuy nhiên, hắn hay chơi cờ bạc để giải khuây. Cũng vì cờ bạc, tài sản có giá trị trong nhà hắn lần lượt đội nón ra đi. Để thỏa đam mê, hắn vay “nóng” với lãi suất cao để “đốt” vào trò đỏ đen. Dần dà, số tiền nợ quá lớn, không có khả năng thanh toán. Hôm nào, cũng bị các chủ nợ đòi, hắn nghĩ đến việc lừa đảo để lấy tiền trả nợ và đánh bạc tiếp.

Điều đáng nói, chiêu thức Hiệp nghĩ ra để lừa đảo hoàn toàn khác với những kẻ khác. Hắn nghĩ đến việc giả danh lãnh đạo ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, lãnh đạo công ty xổ số kiến thiết để lừa đảo các chùa, nơi thờ tự, tôn giáo. Bất kể đến tỉnh, thành phố nào, Hiệp cũng lên kế hoạch lừa đảo. Hắn lấy số điện thoại cố định của các chùa, nơi thờ tự, tôn giáo. Sau đó, tùy vào từng nơi, hắn hoặc con trai thay nhau gọi điện, giả vờ là Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, Giám đốc công ty xổ số, có nguồn vốn tài trợ. Chúng yêu cầu những cơ sở này đưa vài chục triệu đồng để làm thủ tục.

Riêng tại TP.HCM, Hiệp cùng con trai thực hiện tổng cộng 7 vụ với tổng số tiền lên đến 179 triệu đồng. Trong đó, vụ đầu tiên chúng thực hiện là tại chùa Phước Thiện (quận 7). Sau khi “lừa” hỗ trợ 300 triệu đồng để sửa chữa chùa, chúng yêu cầu trụ trì nộp vào tài khoản 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do trụ trì không có tiền nên chỉ nộp 2 triệu đồng. Cha con Hiệp nhiều lần gọi điện hối thúc, nhưng không kiếm chác được gì thêm. Sau cùng hai cha con rút ra, chia nhau tiêu xài.

Chúng còn khai, ngoài 7 vụ trên còn lừa đảo một người tên là Trần Phước Hành, làm ban hộ niệm chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) số tiền 2 triệu đồng. Tuy nhiên, qua xác minh, tại chùa Hoằng Pháp không có ai tên Trần Phước Hành nên chúng không phải chịu trách nhiệm đối với vụ thứ 8.

Chân dung những kẻ báng bổ

Trong phiên tòa, lời khai của Hiệp khiến nhiều người tham dự không khỏi bất ngờ. Trong quá trình lừa đảo, hắn không chỉ kéo con trai của mình là Tuấn thực hiện hành vi mà còn nhờ thêm nhiều thành viên khác trong gia đình. Ngày 18/9/2012, Hiệp yêu cầu con dâu là Nguyễn Thị Hạnh đến ngân hàng mở tài khoản bằng chứng minh nhân dân mang tên Hồ Kim Cương do Hạnh mượn của bạn rồi đưa cho Hiệp thay hình Hạnh vào. Ngày 15/1/2013, Hiệp yêu cầu con ruột là Lê Quốc Nam mở tài khoản bằng giấy phép lái xe mang tên Dương Hoàng Tâm do Hiệp nhặt được rồi dán ảnh của Nam vào...

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Chủ tọa cho biết, Nam và Hạnh có hành vi mở tài khoản ngân hàng sử dụng nhưng không biết Hiệp sử dụng số tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không phải là đồng phạm của Hiệp. Riêng hành vi sửa chữa, sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên Hồ Kim Cương, giấy phép lái xe mang tên Dương Hoàng Tâm để mở tài khoản ngân hàng, cơ quan chức năng không đủ căn cứ xử lý về tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức bởi Cơ quan điều tra không thu được vật chứng là giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe để giám định. Đồng thời, Hạnh và Cương đã đi khỏi địa phương không ghi được lời khai...

Video tham khảo:

Bắt nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng

Đứng trước vành móng ngựa, Hiệp cho biết, đây là lần thứ 4 hầu tòa. Cứ mỗi lần bước vào phòng xử, hắn lại cảm thấy hối hận. Bởi, chỉ vì sự ham mê cờ bạc của mình nên lâm vào nợ nần và kéo theo con trai vào vòng lao lý. Nhiều lần, hắn ngồi và ước nếu thời gian trở lại thì sẽ không bao giờ chơi trò đỏ đen và chắc chắn sẽ không kéo con trai vào cảnh tù tội. Nhưng, hắn biết, điều ước ấy đã quá muộn màng. Và, trong khoảng thời gian tới, thêm nhiều lần nữa, hắn sẽ phải hầu tòa ở nhiều tỉnh khác.

Còn Tuấn nghẹn ngào chia sẻ, trước đây, thấy cha rượu chè, cờ bạc thì cũng khuyên can. Tuy nhiên, những lời khuyên của Tuấn không khiến cha thay đổi. Sau đó, thấy cha nợ nần, thường xuyên bị các chủ nợ đòi thì rất thương. Đây cũng chính là lý do hắn tiếp tay cho cha mình. Ở những phi vụ đầu tiên, hắn đã từng nghĩ đến việc dừng lại. Tuy nhiên, suy đi ngẫm lại, mỗi lần lừa, chỉ cần vài cuộc điện thoại, “kiếm” được đến vài chục triệu đồng mà không cần mất giọt mồ hôi nào. Lòng tham trỗi dậy, hắn cứ lậm vào con đường đen tối cùng cha. Trong tất cả các phiên tòa, hắn đều xin được nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Bản án phải trả

HĐXX nhận định, trong vụ án này, Hiệp là kẻ cầm đầu, thu lợi bất chính nhiều nhất. Hai bị cáo còn lại là “cánh tay đắc lực” cho Hiệp, nên cũng phải bị xử phạt nghiêm khắc để làm bài học cho kẻ khác. Do đó, tòa quyết định tuyên phạt Hiệp 6 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp với mức án 12 năm 6 tháng tù từ 4 bản án trước đó, mức án chung phải chịu là 18 năm 6 tháng tù giam. Tuấn lãnh 4 năm tù, tổng hợp với 5 năm 6 tháng tù từ các bản án trước thành 9 năm 6 tháng tù giam. Hoàng lãnh 4 năm tù, tổng hợp với hình phạt từ các bản án trước thành 11 năm 6 tháng tù giam.

Tin nổi bật