(ĐSPL) - Mặc áo dài, tay xách cặp, Hiền vào vai "cô giáo" xuất hiện tại các trường học để hỏi mượn xe đạp điện và xe đạp của học sinh, vờ đi ra ngoài mua đồ rồi bỏ trốn. Phát hiện sự việc, phụ huynh học sinh đã báo cáo sự việc với nhà trường và cơ quan công an. Các chiến sỹ công an đã lên kế hoạch vây bắt "cô giáo" đúng lúc thị đang "tác nghiệp"...
"Cô giáo" bí ẩn
Ngày 19/11, cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) ra quyết định tạm giam hình sự đối tượng Vũ Thị Hiền (SN 1992, quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Hiền trong vai "cô giáo Hằng" sau khi bị bắt. |
Theo thông tin ban đầu, vào đầu tháng 10, cơ quan CSĐT nhận được tin trình báo từ phụ huynh và em Nguyễn Tấn Lực (học sinh lớp 7, trường trung học cơ sở Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An), về việc em Lực bị một "cô giáo" mượn xe đạp điện đi rồi lấy mất. Theo lời kể của em Lực, "cô giáo" trên mặc áo dài trắng, tay xách cặp táp, xuất hiện ở sân trường vào giờ ra chơi.
Em Lực kể lại: "Cô giáo" trên đã tiến lại gần chỗ em Lực hỏi mượn xe đạp để đi mua thuốc. "Vì cô giáo nói là mới về trường, ngại nhờ các thầy cô giáo khác giúp đỡ, em tưởng thật nên chạy vào bãi lấy chiếc xe đạp điện cho cô mượn. Nhưng mãi tới chiều và tối, em không thấy cô giáo quay trở lại trường trả xe nên báo cáo sự việc lên cô giáo chủ nhiệm. Lúc này, em mới biết trường không có giáo viên mới nào cả".
Trong khi nhà trường và cơ quan công an còn đang bán tín bán nghi về "cô giáo nọ" thì bất ngờ tại trường trung học cơ sở Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An) cũng xảy ra một vụ "cô giáo" mượn xe học sinh rồi lấy đi mất. Như trình báo của nữ sinh tên Nguyễn Thị H., có một "cô giáo" mặc "áo dài, xách cặp" đến gặp em, hỏi mượn xe đạp để đi mua cơm trưa. Trước khi đi, "cô giáo" còn hứa với H. rằng sẽ mang trả xe lại trong vòng 15 phút. Tuy nhiên, em H. đợi mãi vẫn không thấy "cô giáo" quay lại trả xe.
Khi em H. về nhà và kể lại sự việc, bố mẹ em đã đưa em lên trường để nhận diện các cô giáo trẻ đang làm việc tại trường. Tuy nhiên, không có cô giáo nào giống "cô giáo" em H. đã cho mượn xe. Sau đó không lâu, một học sinh nữ của trường trung học cơ sở Dĩ An (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) cũng trở thành nạn nhân của "kịch bản" lừa đảo tương tự.
Xâu chuỗi lại những vụ việc "cô giáo" mượn xe của học sinh tại hai thị xã Thuận An và Dĩ An, Cơ quan điều tra quyết định tìm ra bộ mặt thật của "cô giáo" bí ẩn nọ.
Sau khi xem xét lời khai của các em học sinh, cơ quan CSĐT nhận định, "cô giáo" sẽ sử dụng một chiêu trò giống nhau để thực hiện mục đích. Ngoài việc khoanh vùng đối tượng nghi vấn, Cơ quan điều tra gửi thông báo tới các trường học trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng để "đón" "cô giáo".
Sáng 13/11, tại trường trung học cơ sở Võ Trường Toản (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) xuất hiện một "cô giáo" trẻ đang đứng giữa sân trường trò chuyện với một số học sinh. Ngay lập tức, hành vi của "cô giáo" này lọt vào "tầm ngắm" của bảo vệ nhà trường và các trinh sát. Ngay khi "cô giáo" "mượn xe" của hai học sinh nữ thì bị các trinh sát và bảo vệ nhà trường tóm gọn.
"Cô giáo" Hiền bị bắt quả tang khi đang lừa học sinh. |
Ra cơ quan công an vẫn khai tên giả
Tại cơ quan CSĐT, "cô giáo dởm" có khuôn mặt hiền dịu, dáng người nhỏ nhắn, mặc áo dài đỏ, tay mang cặp, hiện nguyên hình là một phụ nữ chuyên đi lừa đảo xe đạp điện và xe đạp của học sinh tại thị xã Thuận An và Dĩ An trong thời gian vừa qua. Đối tượng khai là Trần Thị Hằng (SN 1990, ngụ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Qua quá trình đấu tranh, Hằng cho biết, đã chiếm đoạt được hai xe đạp điện, hai xe đạp của các học sinh, đem bán được gần 6 triệu đồng. Số tiền này, thị sử dụng cho việc tiêu xài cá nhân.
Video tham khảo:
Bắt cô giáo lừa đảo, chiếm đoạt tiền tỷ
Hằng cho biết, sở dĩ đi lừa đảo học sinh một phần vì hoàn cảnh, phần vì suy nghĩ đơn giản, việc lấy đồ vặt của học sinh sẽ rất dễ dàng. Món đồ bị lừa lấy giá trị không quá lớn hoặc có em học sinh khi bị mất xe đạp cũng không dám nói thật với bố mẹ do sợ bị mắng. Hơn nữa, phụ huynh cũng không tin có chuyện "cô giáo" hỏi mượn xe con mình rồi lấy mất mà sẽ nghĩ là học sinh mải chơi hay do sơ suất nên làm mất. Trong vòng chưa đầy một tháng, Hằng đã thực hiện trót lọt bốn vụ lừa đảo thành công và một vụ đang thực hiện thì bị bắt quả tang.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã xác minh và kết luận rằng đối tượng đã không khai tên thật. Theo lý lịch, tên thật của "nữ quái" là Vũ Thị Hiền (SN 1992). Hằng chỉ là tên giả, phòng tránh việc khi sa lưới công an, thì những người thân quen không biết tội lỗi do Hiền gây ra.
Theo tìm hiểu của PV được biết, Hiền từ quê vào Bình Dương làm công nhân khoảng hai năm nay. Trong thời gian này, Hiền chung sống như vợ chồng với một nam thanh niên tên Q.. Do hai bên gia đình thúc ép, sau đó, hai bên đã làm đám cưới. Tuy nhiên, sau khi cưới không lâu, vợ chồng Hiền quyết định ly hôn.
Sau khi ly hôn, Hiền sống buông thả. Vì lười nhác nên Hiền bị công ty đuổi việc. Thất nghiệp, Hiền không có tiền thuê phòng trọ nên đành sống nhờ ở chỗ người quen. Thấy Hiền lười biếng lại thích dựa dẫm, người quen của Hiền đã từ chối không cho cô ta tá túc nữa. Đường cùng, Hiền nảy sinh ý định đi lừa đảo tài sản để bán lấy tiền tiêu xài. Sau khi vắt óc suy nghĩ, Hiền tận dụng ngoại hình trẻ trung, có nét dịu dàng của mình để vào vai "cô giáo", mặc áo dài, xách cặp táp, tới các sân trường học gạ gẫm học sinh hỏi mượn xe đạp.
Tuy nhiên, "cô giáo Hiền" lại chưa lường được việc khi mình gây ra hàng loạt vụ việc tương tự thì sẽ dễ bị cơ quan công an để ý. Trao đổi với PV, một cán bộ cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An cho biết: "Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Hiền đã nhiều lần giả dạng giáo viên đến các trường học, lừa lấy xe đạp của học sinh. Có thể, Hiền đã gây ra nhiều vụ tương tự nhưng chưa bị tố cáo. Qua vụ việc, chúng tôi cũng thông báo tới các phụ huynh, học sinh trên tỉnh Bình Dương, ai là nạn nhân của Hiền thì hãy đến trình báo với cơ quan công an".
Cảnh giác với loại tội phạm giả danh người khác Một cán bộ đại diện cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An cảnh báo: "Hiện nay, nhiều đối tượng sẵn sàng giả danh "thầy, cô giáo", phụ huynh học sinh, thậm chí thành viên của nhóm tình nguyện... để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chúng đã lợi dụng sự cả tin, ngây thơ của học sinh để hành động. Do đó, chúng tôi khuyến cáo với các em học sinh, các bậc phụ huynh và người dân, nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu bất thường, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng". |