Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2024 - 2029 (ĐHĐCĐ) vào ngày 15/6 tới tại tòa nhà Hội sở MB (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo tờ trình của HĐQT MB về cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT, BKS và bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2024 – 2029, dự kiến nhà băng này sẽ có 11 thành viên HĐQT bao gồm 1 thành viên độc lập. Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029 của ngân hàng sẽ có 5 thành viên.
Cụ thể, danh sách các ứng cử viên thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ mới gồm ông Lưu Trung Thái, ông Phạm Như Ánh, ông Phạm Doãn Cương, ông Lê Viết Hải, bà Hoàng Thị Thu Hiền, bà Vũ Thái Huyền, bà Nguyễn Thị Hải Lý, ông Vũ Xuân Nam, bà Vũ Thị Hải Phượng, ông Vũ Thành Trung, ông Hoàng Văn Sâm.
Ảnh minh họa.
Trong đó, 7 gương mặt mới gồm nhiều đại diện từ Viettel như bà Nguyễn Thị Hải Lý (sinh năm 1974) ông Phạm Doãn Cương (sinh năm 1981). Ngoài ra, ông Vũ Xuân Nam (sinh năm 1987) là một ứng cử viên hiện đang giữ vị trí Trưởng Phòng Đầu tư của Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam. Bà Hoàng Thị Thu Hiền (sinh năm 1976) là đại diện từ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Ngoài ra, ứng cử viên cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới của MB là ông Hoàng Văn Sâm (sinh năm 1960). Ông Sâm từng làm Phó Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương và trước đó có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, giám sát tài chính, quản lý Nhà nước và có thời gian dài công tác tại Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, đã nghỉ hưu từ tháng 10/2020.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, MB báo lợi nhuận trước thuế trong quý đạt hơn 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của MBBank ghi nhận mức hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 11%. Hoạt động dịch vụ đem về cho nhà băng này 945,2 tỷ đồng, tăng 37%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối, lãi từ chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn lần lượt ở mức 461 tỷ đồng và 217 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% và 61% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khoản lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh bất ngờ tăng đột biến với việc mang về cho MBBank tới gần 965 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ thu về hơn 37 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, tổng chi phí hoạt động của MBBank là hơn 3.514 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Dù vậy, khoản trích lập dự phòng rủi ro lên tới 2.700 tỷ đồng đã ăn mòn lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này. Sau cùng, MBBank báo lãi sau thuế quý I/2024 ở mức 4.533 tỷ đồng, giảm 11%, đồng thời là mức lợi nhuận thấp nhất trong 5 quý kinh doanh vừa qua.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của MBBank ở mức hơn 900.647 tỷ đồng, giảm 5% với số đầu năm. Trong đó, tiền, vàng gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác đạt hơn 77.809 tỷ đồng, tăng 68%. Cho vay khách hàng đạt hơn 615.300 tỷ đồng, tăng 1%
Ở chiều ngược lại, số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm tới 82%, xuống còn 12.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng quý I của MBBank là 558.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%.
Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của MB là gần 15.300 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là hơn 4.038 tỷ đồng; tăng 26%. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là hơn 5.207 tỷ đồng, tăng 40,5%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của MBBank đã tăng gấp 2,1 lần chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, lên mức 6.048 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo đó tăng từ 1,6% đầu năm lên 2,49%.