Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet cho biết, hãng đang nỗ lực với mong muốn tạo nên một thương hiệu Việt mang tầm như Samsung, Alibaba..."
Chiều ngày 17/1, "Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019" tiếp tục tổ chức với phiên Đối thoại chính sách cấp cao xoay quanh vấn đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành Trong đó, nội dung Kinh tế tư nhân là động lực kinh tế, rất được quan tâm.
Đánh giá về vai trò của Kinh tế tư nhân (KTTN) đối với nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch hãng hàng không tư nhân Vietjet Air cho biết: "Mỗi năm, KTTN tạo ra 1,2 triệu việc làm với hơn 750 nghìn doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 43% GDP, trong đó dịch vụ đóng góp tới 85% GDP. Với ngành hàng không Việt Nam có 20 cảng hàng không trên cả nước đã phản ánh sức sống mạnh của nền kinh tế.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Trí thức trẻ |
Với Vietjet Air, những gì chúng tôi làm trong 6 năm qua bằng thành tích trong 63 năm của ngành hàng không. Trong năm 2018, Vietjet thực hiện 66 đường bay quốc tế, doanh thu năm 2018 là trên 53 nghìn tỷ đồng, đóng góp tiền thuế 6.000 tỷ đồng, tương đương ngân sách 1 tỉnh vừa của Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi vẫn tập trung phát triển dịch vụ cung ứng, mua sắm thiết bị mà không làm tăng nợ quốc gia".
"Là đơn vị sở hữu cơ sở vật chất lớn chiếm 1/2 thị phần hàng không Việt Nam, nhưng hệ thống dịch vụ cung ứng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống Nhà nước.
Chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng mình không “một tấc đất cắm dùi” dù đủ năng lực làm tốt. Chúng tôi đang nỗ lực với mong muốn tạo nên một thương hiệu Việt mang tầm như Samsung, Alibaba...", nữ tỷ phú bày tỏ.
Đóng góp ý kiến về phát triển KTTN tại diễn đàn, bà Thảo cho rằng: Tốc độ tái cơ cấu khu vực Nhà nước cần đẩy mạnh hơn để ổn định kinh tế vĩ mô; Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho tư nhân có điều kiện phát triển thêm nữa; Chú trọng, tận dụng tốt nền công nghiệp 4.0 để tạo đột phá trong kinh tế; Trong thời mở cửa cần tập trung thu hút chất xám trong và ngoài nước.
Những tháo gỡ trong thời gian tới sẽ thu hút được nguồn nhân lực cho đất nước.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng bộ KH&ĐT đánh giá, trong năm 2018, cả nước có thêm mới 130 ngàn doanh nghiệp tư nhân được thành lập. Dự đoán trong năm 2019 và 2020, số lượng sẽ tiếp tục tăng thêm và đạt đủ 1 triệu như mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020. Có được những kết quả đó là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, sửa đổi luật đầu tư và luật doanh nghiệp, tạo điều kiện cho KTTN phát triển.
Trong những năm tới, Chính phủ vẫn xác định tạo điều kiện cho KTTN phát triển, mong muốn lĩnh vực này sẽ ngày càng có những bước phát triển đóng góp lớn vào sự phát triển nền kinh tế đất nước.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nhằm tạo diễn đàn quốc tế, tập hợp trí tuệ của cộng đồng các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước.
Sự kiện thường niên này là sáng kiến của Ban Kinh tế Trung ương được tổ chức từ năm 2017. Ở lần thứ 3 diễn ra năm nay, có gần 2.000 đại biểu tham dự - quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Vũ Đậu (T/h)