(ĐSPL) - Dù trường học không quá xa, nhưng hàng ngày Thuận phải đi học từ 4h30 sáng. Chàng sinh viên năm nhất tật nguyền phải đi bộ 4km để ra đến điểm bắt xe bus đến trường.
Bị bỏng nặng khi mới 5 tháng tuổi
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Lê Viết Thuận không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, từ lúc sinh ra đã đau ốm triền miên. Số phận càng nghiệt ngã hơn khi mới 5 tháng tuổi, một tại nạn bỏng ở chân đã khiến Thuận phải nằm liệt giường.
Năm lên 8 tuổi, Thuận được gia đình đưa đi phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Bỏng quốc gia. Trước tình hình bệnh tật của Thuận, bác sĩ nói nếu muốn thoát khỏi cảnh bại liệt thì phải cưa chân trái đi. Thương con, bố mẹ Thuận không đồng ý. Nhờ tình thương của bố mẹ và sự cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ mà cậu bé Thuận ngày đó đã giữ lại được đôi chân.
2 năm sau, khi 10 tuổi Thuận đã có thể tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. “Khi đó, mình được ông nội đóng cho một chiếc dàn tre với 2 trụ bám (mỗi trụ dài một mét) để cho mình tập đi. Có nhiều lần vì mải tập luyện mà vết mổ đã bị sưng tấy lên khiến mình cảm thấy rất đau đớn và cho tới năm 10 tuổi thì mình đã có thể đi lại được, nhưng mỗi bước đi đều rất khó nhọc” – Thuận chia sẻ.
Nhờ tình thương của bố mẹ và sự cứu chữa tận tình của các y, bác sĩ mà cậu bé Thuận ngày đó đã giữ lại được đôi chân. |
Nghị lực phi thường của cậu bé đi học muộn 4 năm
Dù đi lại khó khăn nhưng Thuận vẫn kiên quyết đòi bố mẹ cho đi học. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, năm ngoái Thuận đã đỗ hai trường đại học là Học viện Quản lí giáo dục, khoa Công nghệ thông tin và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, khoa công tác xã hội.
Dù học công nghệ thông tin nhàn hơn rất nhiều nhưng chàng trai khuyết tật này lại lựa chọn theo học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội với mong muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình.
“Một lần đi chợ với mẹ, mình thấy một người khuyết tật đi bán tăm và bông ngoáy tai. Người đó phải lê từng bước trên một cái bao tải. Mình nghĩ còn có rất nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình nhiều nên mình quyết định chọn ngành công tác xã hội để có cơ hội giúp đỡ những người khuyết tật.” – Thuận chia sẻ.
Đi học từ 4h30 sáng
Sống cùng với người chị họ bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn, dù trường học không quá xa, nhưng hàng ngày Thuận phải đi học từ 4h30 sáng. Chàng sinh viên năm nhất tật nguyền phải đi bộ 4km để ra đến điểm bắt xe bus đến trường.
Thuận cho ngâm ngùi: “Hàng tháng bố mẹ chỉ gửi cho mình 1 triệu thôi, đấy là toàn bộ chi phí sinh hoạt của mình nên phải chịu khó trọ xa trường một ít cho rẻ. Dậy sớm đi học khổ lắm, mùa hè thì không sao nhưng mùa đông trong khi mọi người vẫn còn đang đắp chăn ngủ mình đã phải soi đèn đi học rồi”.
Điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu có ý định bỏ trường bỏ lớp. Không chỉ lên lớp đều đặn Thuận còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội trong nhà trường. Hiện nay Thuận đang là thành viên trong câu lạc bộ Hoa đá - câu lạc bộ dành cho những người khuyết tật cùng động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống.
Thuận hăng hái trong các hoạt động cộng đồng |
Gần đây nhất câu lạc bộ Hoa đá tổ chức chương trình Mình yêu nhau đi, Thuận luôn là người hăng hái tham gia vào khâu tổ chức đặc biệt là vận động tài trợ. Ngoài ra, câu lạc bộ còn giúp đỡ cho những trẻ em trong trung tâm khuyết tật và hội khuyết tật Thanh Xuân.
Thuận chia sẻ: “Người khuyết tật sẽ được nhà nước ưu tiên và được tạo điều kiện để học tập và phát triển. Nhưng với những người mang khuyết tật như mình thì đừng nên ỷ vào việc mình bị khuyết tật mà phải cố gắng khắc phục để vươn lên, mình khuyết tật nhưng trí óc của mình không khuyết tật.”
Không chỉ học tập, hoạt động xã hội hết mình, chàng sinh viên còn đang ấp ủ xuất bản cuốn tự truyện của bản thân. Cuốn tự truyện với 16 chương kể về 23 năm cuộc đời đang được Thuận chỉnh sửa và hoàn thiện để có thể xuất bản trong thời gian sớm nhất.