Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Câu chuyện xúc động của nhà thơ mang trường học ra biển khơi

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tháng 5/2016, tôi có chuyến đi thực tế sáng tác với nhiều kỷ niệm không thể nào quên ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

(ĐSPL) - Tháng 5/2016, tôi có chuyến đi thực tế sáng tác với nhiều kỷ niệm không thể nào quên ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Trong hải trình gần chục ngày trên tàu HQ 561 của hải quân, tôi có cảm giác mình như đang sống trong một thế giới khác khi dưới chân là mênh mông biển thẳm và trên đầu là ngút ngàn mây trắng…

Mang âm hưởng trường học ra biển

Một trong những kỷ niệm thiêng liêng và xúc động nhất khi tàu chúng tôi vừa tới vùng biển Trường Sa và làm Lễ thả hoa tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến ở đảo đá Gạc Ma cách đây 28 năm. Trước khi hy sinh, các anh đã kết thành “vòng tròn bất tử”, tay giương cao lá cờ Tổ quốc trong mưa đạn quân thù.

Nhiều người trên tàu đã không cầm được nước mắt khi mỗi bông hoa và nén hương trên tay mỗi người thả xuống vùng biển thiêng liêng này như một lời cầu nguyện và biết ơn.

Có thể những người lính hy sinh ngày ấy nay đã hóa thành sóng, thành những cánh chim sớm chiều về với quần đảo thân thương này. Ôi! thiêng liêng và đau thương hai tiếng Gạc Ma.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa.

Tôi xúc động nhớ lại, trước chuyến đi này hai tháng, con trai tôi, học sinh lớp 6 của trường dân lập THCS ở Hà Nội về khoe với tôi: “Bố ơi, trong giờ giáo dục công dân hôm nay, lớp con được học bài về Trận hải chiến ở bãi đá Gạc Ma- QĐ Trường Sa với chủ đề ngày 14/3, bố ạ!”.

Tôi bảo con trai mang vở giáo dục công dân cho tôi xem, bài học đã được thầy giáo cho cháu ghi chép đầy đủ như sau: “Chủ đề ngày 14/3 (Trận hải chiến ở bãi đá Gạc Ma- QĐ Trường Sa). Tháng 1/1988, TQ bắt đầu cho quân chiếm các bãi đá thuộc QĐTS của Việt Nam. 1/1988, VN cho thực hiện kế hoạch CQ-88. 3/1988, VN cho xây dựng công trình phòng thủ tại bãi đá Gạc Ma. 14/3/1988, trận hải chiến xảy ra, 64 chiến sĩ hy sinh (61 chiến sĩ mất tích). TQ chết 6, bị thương 18 người. VN giữ được 2 bãi đá Cô Lin và Len Đao. TQ chiếm bãi đá Gạc Ma, VN gửi công hàm lên LHQ để phản đối”.

Lúc ấy, tôi xúc động nói với con trai: “Có lẽ đây là giờ học đầu tiên về trận hải chiến Gạc Ma tại một trường THCS dân lập ở Hà Nội”. Trước đó, vào cuối năm 2015, tại một ngôi trường dân lập khác ở Hà Nội là trường THPT Marie Curie, tôi đã có buổi giao lưu, nói chuyện về biển đảo với học sinh, giáo viên của trường nhân buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển, thầy Hiệu trưởng đã đề nghị mua 300 tập thơ này của NXB Phụ nữ để phục vụ cho học sinh và giáo viên.

Trường Marie Cuire đã xây 2 chiếc cổng trường lớn đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa như một cách tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì đất nước Việt Nam ở hai quần đảo này và giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh.

Còn trong chuyến đi thực tế ở Trường Sa lần này, khi các thành viên cúi đầu tưởng niệm những người con đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc, tôi nghẹn ngào thầm đọc bài thơ mới viết Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình: Nghẹn ngào hai tiếng Trường Sa/ Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình/ Sáu tư người lính hy sinh/ Vòng tròn bất tử mang hình Gạc Ma/ Đau thương hai tiếng Hoàng Sa/ Máu Việt Nam đỏ thấm qua bao đời/ Các anh nằm lại cuối trời/ Bao người lính Việt xương vùi biển sâu/ Cầm lên hạt muối thương đau/ Mẹ Việt Nam tóc bạc màu héo hon/ Muối này thấm máu các con/ Thấm hồn tử sĩ trong hồn biển xa/ Hoàng Sa vọng tới Trường Sa/ Máu Việt Nam chảy trong da thịt mình/ Sớm nay bao lớp học sinh/ Đánh vần hai tiếng ân tình Gạc Ma/ Trường Sa nói với Hoàng Sa/ Bài học thấm máu ông cha bao đời/ Để được tự do làm người/ Máu Việt Nam chảy ngàn đời về tim.

Hát với lính

Trong hải trình qua 8 đảo ở Trường Sa, chúng tôi có 9 ngày ăn và ngủ trên biển khi tàu đi xuyên đêm. Tới các đảo, tàu neo ở ngoài xa, gần 200 thành viên của đoàn công tác lần lượt xuống ca nô, vượt sóng vào đảo. Mỗi người đều phải mặc áo phao, đi dép rọ nhựa và đội mũ cứng quân nhân.

Tất cả mọi động thái lên tàu, xuống tàu, lên đảo, rời đảo... của mọi người đều được các chiến sĩ hải quân giám sát và giúp đỡ để bảo đảm an toàn. Ngồi trên ca nô, cưỡi trên những đợt sóng ào ạt xô tung, nghiêng ngả mới thấy đời thủy thủ nhiều hứng thú nhưng cũng lắm gian lao.

Lên tới đảo, các thành viên của đội văn nghệ xung kích như những cánh chim biển bay lượn, reo vui. Tiếng hát, tiếng đàn đã nối các chiến sĩ ở đảo trong vòng tay lớn. Nhìn gương mặt những người lính trẻ tưng bừng, hớn hở tay bắt, mặt mừng với các nữ sinh viên trẻ trung của trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trong các bài ca, các điệu nhảy mới thấy sức sống hồn nhiên nơi những người trẻ tuổi chính là mạch sống tinh thần của họ những năm tháng này.

Trên các hòn đảo chìm quanh năm bị vây bọc bởi sóng biển, bão gió và thời tiết khắc nghiệt giữa đại dương bao la, những người lính còn phải đối mặt với cô đơn và sự xa vắng tình yêu nam, nữ. Họ phải nén mình xuống, dằn lòng xuống để dồn tất cả nghị lực sống cho việc học tập, luyện tập, tuần tra, luôn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu để bảo vệ các hòn đảo chìm như những cột- mốc-sống trên vùng biển Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Bởi vậy, khi gặp các bạn gái văn công xinh tươi mang hơi thở nồng ấm, hồn nhiên của đất liền ra đảo, các chàng lính trẻ ngất ngây trong tình người gần gũi.

Tôi đã chứng kiến cảnh các chiến sĩ trẻ cõng các bạn gái văn công chạy quanh đảo trong trò chơi vui nhộn đầy phấn khích. Tôi cũng đã thấy nhiều nữ sinh viên trường nghệ thuật sẵn sàng chia sẻ những nụ hôn nóng bỏng lên đôi má sạm nắng của các chàng lính đảo. Và, các chàng trai trẻ cũng đặt những nụ hôn nồng ấm lên má các em gái thân thương.

Nhưng tôi biết, những giây phút xúc động ấy sẽ còn thao thức mãi trong trái tim mỗi người lính trẻ sau khi đoàn công tác chúng tôi từ biệt họ, lên tàu rời đảo. Và, bài thơ Nhật ký ghi ở Trường Sa tôi đã viết ngay trong những khoảnh khắc đáng nhớ ấy: Anh lên tàu đi Trường Sa/ Quần đảo bão tố phía xa chân trời/ Vượt muôn dặm sóng trùng khơi/ Tổ quốc ở phía biển trời thẳm xanh/ Em lên Đá Lát cùng anh/ Đảo chìm xưa đá hóa thành san hô/ Có loài chim biển ngây thơ/ Đậu trên nòng súng, hót chờ mưa rơi/ Lên Trường Sa đảo cùng tôi/ Có vầng mây ấm bồi hồi tóc em/ Có nụ hôn thật hồn nhiên/ Má chàng lính đảo mấy phen đỏ dừ/ Thuyền ra đảo sóng lắc lư/ Phan Vinh đảo nổi trầm tư một màu/ Sóng đi đâu, biển về đâu/ Chỉ người lính với con tầu biết thôi/ Thuyền Chài đảo phía xa xôi/ Tên nghe thân thuộc như lời quê hương/ Tốc Tan đảo nhỏ yêu thương/ Dáng bao người lính can trường bên ta/ Ngày mai đảo đá nở hoa/ Mấy anh lính trẻ xa nhà, nhớ quê/ Ôm súng ngồi hát say mê/ Bạch Đằng Giang sóng cuộn về trong tim/ Lên Tiên Nữ đảo tìm em/ Vỗ tay hát với lính miền biển xa/ An Bang chiều xuống ngân nga/ Hoàng hôn trên sóng bao la hôn hoàng/ Chiều nay cập bến nhà giàn/ Sóng DK1 dâng tràn quanh ta/ Tình yêu gửi đến Trường Sa/ Dạt dào như sóng thiết tha đêm ngày/ Mai rồi trong phút chia tay/ Trường Sa trong trái tim này chứa chan/ Anh lên chót đỉnh nhà giàn/ Chợt thấy Tổ quốc ngập tràn trong tim/ Bên anh, người lính lặng im/ Lặng im xương máu từ nghìn năm qua/ Đến Trường Sa nhớ Hoàng Sa/ Biển còn vọng mãi trong ta mỗi ngày.

Nhiều chiến sĩ hải quân ở quần đảo bão tố Trường Sa cho chúng tôi biết, họ rất xúc động trước tình cảm yêu thương, chia sẻ của các đoàn công tác của đất liền ra thăm đảo, đây chính là nguồn động viên lớn của quê hương đối với những người con ở xa ngàn hải lý, đang ngày đêm đối mặt với bão giông, nắng gió khắc nghiệt và nhiều hiểm họa để bảo vệ từng tấc đảo, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong chuyến đi này, một kỷ niệm không thể nào quên với tôi khi được mời lên đọc bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của mình trong đêm giao lưu văn nghệ với quân và dân đảo Trường Sa lớn. Các chiến sĩ đã ùa lên cùng hát với tôi ca khúc phổ bài thơ này và tôi chợt thấy Tổ quốc nhìn từ biển ở Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt của thi ca và cuộc đời tôi. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa.

Nhà thơ  NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Tin nổi bật