Bên cạnh câu chuyện thi tốt nghiệp THPT, điều mà các bậc phụ huynh trăn trở đó là việc chọn ngành học cho con. Bởi tâm lý đám đông và lo sợ, nhiều học sinh và các phụ huynh đã có cả một quá trình “nghiên cứu” chọn ngành học. Mới đây, báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Trung Kiên (Trưởng phòng Tuyển sinh của ĐH Bách Khoa Hà Nội), PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG HN) về các ngành học đang có xu hướng “ế” năm 2019.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh – Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học Tự nhiên – đại học Quốc gia Hà Nội. |
BTV Nguyễn Quốc: Thưa PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, số liệu nguyện vọng đăng ký vào trường đại học Khoa học Tự nhiên của bên ông năm nay so với các năm trước thế nào ạ?
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Năm nay, theo thống kê, số lượng các thí sinh đăng ký vào 29 chương trình đào tạo của trường ĐHKHTN cao hơn so với năm 2017 nhưng thấp hơn so với năm 2018. Một phần cũng là do số lượng thí sinh dự thi kỳ thi THPT QG năm nay giảm hơn so với năm 2018.
Nguyên nhân thứ hai, sẽ còn một đợt điều chỉnh vào tháng Bảy sau khi biết điểm thi. Chính vì thế, có rất nhiều các thí sinh còn phân vân. Khi có kết quả thi THPT QG và có nhiều thông tin về ngành nghề thì có một số bạn sẽ có sự điều chỉnh nguyện vọng của mình.
BTV Nguyễn Quốc: Thưa ông, cho tôi hỏi sâu một chút, trường mình có một số ngành học, ông thấy nhu cầu của xã hội hoặc những nguyện vọng của các thí sinh tuyển vào ngành học ấy như thế nào?
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN vốn xuất thân từ đại học Tổng hợp Hà Nội và đúng như trước đây là trường đại học được Nhà nước phân công đào tạo về khoa học cơ bản.
Tuy nhiên trong vòng 20 năm trở lại đây, nhà trường cũng có sự điều chỉnh, dịch chuyển không chỉ tập trung vào các ngành nghề khoa học cơ bản là: Toán, Lý, Hóa, Sinh mà còn có cả các chương trình thiên về ứng dụng khoa học cơ bản, đấy cũng là những chương trình khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học hay là máy tính và khoa học thông tin... Như vậy, các chương trình đào tạo của nhà trường có thể chia ra làm 2 nhóm: Nhóm 1- Khoa học cơ bản, nhóm 2- Ứng dụng của khoa học cơ bản. Đối với các ngành khoa học cơ bản là các chương trình kén người, vì thí sinh phải thực sự có đam mê và có khả năng thì sẽ chọn vào những ngành học này. Điều đó thể hiện trường chúng tôi vẫn thu hút được các em học sinh xuất sắc, đặc biệt là các bạn đã tham gia kỳ thi đội tuyển quốc tế hoặc đạt giải quốc gia vào các chương trình khoa học cơ bản.
Bởi vậy, nhiều người lầm tưởng nhà trường với cái tên gọi như thế chỉ đào tạo khoa học cơ bản nhưng thực tế trường còn có các ngành ứng dụng cơ bản. Trong bối cảnh hiện nay, cơ hội việc làm rất lớn còn có: Hóa dược, công nghệ kỹ thuật môi trường. Chúng tôi cũng đã mạnh dạn đổi mới, chuyển đổi và tạo sự thu hút tiếp cận với xu hướng của thị trường lao động và xu hướng của công nghệ.
BTV Nguyễn Quốc: Theo tôi được biết ĐH Bách Khoa Hà Nội đã thành lập riêng một phòng tuyển sinh và ông (PGS.TS Trần Trung Kiên) làm Trưởng phòng, tức là bên trường mình đã nhấn mạnh vào công việc tuyển sinh. Như vậy có những điểm mạnh gì của ĐH Bách Khoa để thu hút thí sinh thi tuyển?
PGS.TS Trần Trung Kiên: Thực ra, công tác tuyển sinh trước đây cũng rất được quan tâm tuy nhiên nó còn hơi tản mản vì có nhiều đầu mối thực hiện công tác này. Sau khi nhận ra những điểm yếu, điểm mạnh nhà trường đã thành lập một bộ phận chuyên trách cho công tác tuyển sinh. Chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng không phải là thành lập phòng tuyển sinh mà điều quan trọng nhất vẫn là công tác định hướng tư vấn nghề nghiệp cho thí sinh và từ định hướng đó việc lựa chọn ngành nghề học.
Chúng tôi hy vọng việc lựa chọn ngành học sẽ có bước chuyển biến lớn trong thời gian tới. Từ bước chuyển biến đó thì việc nhìn nhận ngành học cũng chính xác hơn và không còn tình trạng bỏ học giữa chừng do không có động lực.
BTV Nguyễn Quốc: Tôi rất mong hai vị sẽ đưa ra những đánh giá, những nhận xét về ý kiến: Các trường đại học, các ngành nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên có vẻ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh hơn là các trường khối ngành xã hội hoặc là một trường về nghệ thuật hay một trường khác...
PGS.TS Trần Trung Kiên: Theo tôi, có mặt này mặt kia, trong phạm vi của thành phố Hà Nội, tôi nhận thấy do xu hướng dịch chuyển ngành nghề hiện nay và thị trường lao động trong tương lai, mối quan tâm của các em học sinh cũng khác. Bên cạnh đó, do quan niệm chưa được tốt như học các nghành nghề nhẹ nhàng nhưng sau ra dễ kiếm việc làm, đó là bài toán luôn luôn mâu thuẫn. Ở Hà Nội, một số ngành kỹ thuật từ trước đến nay vẫn có những cái khó khăn nhất định, cũng có những ngành có sự phát triển tăng lên hoặc hạ xuống theo chu kỳ.
Chúng tôi cũng xác định một số ngành, đặc biệt là các ngành các trường khác không đào tạo hoặc không có khả năng đào tạo, chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm xã hội, mặc dù có thể chưa hiệu quả lắm về tuyển sinh. Chẳng hạn một số ngành: Kỹ thuật khoa học vật liệu, ngành Vật lý, ngành Kỹ thuật môi trường... các ngành đó nếu trường tôi không đào tạo thì số lượng kỹ sư ra trường cũng không đáp ứng được hết những vị trí công việc mà xã hội cần thiết. Có những ngành nhu cầu cao, có những ngành nhu cầu ít thì việc đào tạo vẫn phải bảo đảm.
BTV Nguyễn Quốc: Thưa ông Vũ Hoàng Linh, cùng tuyển sinh những ngành cơ bản, ông có thể so sánh số lượng đầu vào của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với trường mình?
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Theo tôi được biết, trong lĩnh vực khoa học cơ bản, trường Nhân Văn cũng thu hút được số lượng thí sinh rất lớn. Một trong những lý do theo tôi là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trong những năm gần đây thí sinh có thể chọn lựa những bài thi bắt buộc Toán, Văn và Ngoại ngữ thì chọn thêm cả tổ hợp KHTN hoặc KHXH. Từ đó, những thí sinh lựa chọn vào tổ hợp KHXH có thể lựa chọn không nhiều như bên tự nhiên.
Chúng tôi thấy việc làm của người tốt nghiệp hiện nay có sự dịch chuyển lớn. Số lượng người tốt nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp hoặc các đơn vị tư nhân đã bắt đầu chiếm tỷ trọng nhiều hơn, gấp đôi so với bên Nhà nước. Đối với bên khoa học cơ bản, khó khăn phần lớn là làm việc ở các viện nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, trường ĐH KHTN cũng có một số thuận lợi nhất định như: Đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, hợp tác quốc tế tốt, các em sinh viên có cơ hội học tiếp sau đại học cao hơn. Hoặc là các chương trình như trao đổi sinh viên trong quá trình học đi nước ngoài, cơ hội xin học học bổng là rất nhiều. Tôi nghĩ câu chuyện này cũng tương tự với các ngành công nghệ bên trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
BTV Nguyễn Quốc: Với những ngành khoa học cơ bản (tự nhiên, kỹ thuật) thì việc học hành nghiên cứu có vẻ như khó khăn hơn bên ngành khoa học xã hội thì ông Linh có ý kiến như nào ạ?
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh: Theo tôi, với mỗi ngành nghề lĩnh vực sẽ có những độ khó riêng, với những ngành như khoa học xã hội hay những ngành kinh tế thì học chuyên sâu cũng không thể dễ dàng hơn. Chỉ có thể nói là những ngành khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật nhiều khi trừu tượng quá hoặc gắn với phòng thí nghiệm.
Còn những ngành bên khoa học xã hội, kinh tế sẽ thực tế hơn và không phải đi thực địa, nhưng nếu để có kiến thức tốt thì cũng phải đầu tư tâm trí và thời gian, chỉ là hình thức nó khác nhau thôi.
PGS.TS Trần Trung Kiên: Tôi cũng đồng ý kiến với ông PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, các ngành khoa học kỹ thuật nói một cách hình tượng như thế này: Vặn cái nút nó sẽ tác động ngay còn với ngành khoa học xã hội thì vặn cái nút nó sẽ có tác động lâu dài hoặc lâu dài nữa chúng ta sẽ nhìn thấy nó. Mỗi ngành sẽ có những cái khó riêng, và các thí sinh cũng nên xác định đã đi học thì sẽ không có ngành nào dễ cả. Và phải khó khăn, phải trải nghiệm thì lúc ra trường chúng ta mới có được sự thành công. Xin chân thành cảm ơn!