NDTV dẫn thông tin từ phía cảnh sát cho biết hôm 3/7, một cậu bé 14 tuổi được cho là đã tự kết liễu, sau khi bị mẹ ép đi học thêm.
Cụ thể, nạn nhân là Pant Aarti Makwana. Cậu bé đã nhảy xuống từ tòa nhà Brooke ở khu vực Kandivali, Mumbai, Ấn Độ vào hôm 2/7.
Cũng theo cảnh sát, mẹ của cậu bé cho biết bà đã yêu cầu cậu bé đi học thêm vào khoảng 19h tối cùng ngày nhưng cậu bé tỏ ra miễn cưỡng. Sau khi liên tục bị thúc giục, cuối cùng cậu bé đã rời khỏi nhà, khiến mẹ cậu bé cho rằng cậu bé đã đi học.
Vài phút sau, người bảo vệ đến nhà và thông báo với người mẹ rằng con trai bà đã rơi từ tòa nhà xuống.
Biên bản báo cáo tử vong đã được lập và thi thể cậu bé đã được gửi đi khám nghiệm tử thi.
Cảnh sát cho biết không tìm thấy điều gì đáng ngờ trong lời khai của gia đình nhưng một cuộc điều tra chi tiết vẫn đang được tiến hành.
Ảnh minh họa
Trẻ luôn cần sự cảm thông, đồng hành từ bố mẹ
Tại Việt Nam, mới đây ghi nhận một trường hợp nữ sinh 14 tuổi gặp căng thẳng vì chuyện học tập, lo giữ vị trí đầu lớp, dần trở nên chán nản, khó ngủ, bác sĩ chẩn đoán mắc trầm cảm.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E trung ương, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng suy nhược tinh thần nghiêm trọng, trí nhớ suy giảm, khó tập trung, thường xuyên chán nản, tự trách bản thân và có hành vi tự hại. Kết quả chẩn đoán cho thấy cô bé mắc hội chứng trầm cảm với ý tưởng tự sát, bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý lớn.
Gia đình kỳ vọng rất nhiều vào nữ sinh do anh trai em mắc bệnh Hemophilia – rối loạn đông máu mãn tính. Tuy nhiên, áp lực từ kỳ vọng của gia đình, cùng việc thường xuyên không nhận được sự công nhận của mẹ, khiến em cảm thấy mình vô giá trị và không chịu nổi áp lực học tập.
Nữ sinh chia sẻ rằng nếu không đạt thành tích tốt, em sẽ bị ông và mẹ mắng, dẫn đến ý nghĩ rằng mình không còn giá trị để sống, VnExpress thông tin.
Bác sĩ cho biết, trầm cảm đang gia tăng ở lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt là những học sinh cuối cấp hai và cấp ba với học lực khá, giỏi. Nguyên nhân thường xuất phát từ căng thẳng giữa áp lực thành tích và kỳ vọng của gia đình, thầy cô.
Nhiều trẻ tâm sự về cảm giác phải liên tục học để đáp ứng những mong đợi xung quanh nhưng lại không đạt được sự công nhận hay hài lòng. Hậu quả là stress tích tụ và dần hình thành trầm cảm.
Nữ sinh chia sẻ rằng nếu không đạt thành tích tốt, em sẽ bị ông và mẹ mắng, dẫn đến ý nghĩ rằng mình không còn giá trị để sống. Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, theo một khảo sát về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông được thực hiện bởi UNICEF Việt Nam cho thấy cứ khoảng 6 trẻ thì có 1 trẻ đã từng suy nghĩ nghiêm túc đến việc tự tử trong vòng 12 tháng qua, theo báo Nhân Dân.
Một số dấu hiệu cần chú ý bao gồm: Trẻ trở nên chán nản, ngại giao tiếp, thu mình, thường xuyên nói về những điều tiêu cực; trẻ có những lời dặn dò với người thân hoặc tìm kiếm thông tin về tự tử.
Bên cạnh đó, trẻ thay đổi hành vi và cảm xúc rõ rệt mà không có lý do rõ ràng, như chán học, xa lánh bạn bè, hay thể hiện sự tuyệt vọng.
Cha mẹ cũng đặc biệt lưu ý: Khi trẻ bày tỏ suy nghĩ về tự tử, cha mẹ không nên chủ quan, vì đó có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng cần được lắng nghe và chia sẻ.
Cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý và đặc điểm phát triển của trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Trẻ cần không gian riêng để phát triển và thể hiện bản thân, nhưng đồng thời cũng cần sự gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu từ cha mẹ.
Quan tâm, thấu hiểu, kiên nhẫn lắng nghe tâm sự và tránh áp đặt là những cách thiết thực để giảm bớt áp lực cho trẻ.
Cha mẹ cũng cần đồng hành trong học tập, giải trí, kiểm soát mạng xã hội và các nguồn thông tin độc hại. Đồng thời, gia đình cần sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường để can thiệp kịp thời, tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách loại bỏ những vật dụng nguy hiểm như thuốc hay vật sắc nhọn.