Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Liệu có cái "bắt tay ngầm" để rút ruột công trình?

(DS&PL) -

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ hư hỏng nặng chỉ sau 1 tháng đưa vào sử dụng đang gây bức xúc trong dư luận.

Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ hư hỏng nặng chỉ sau 1 tháng đưa vào sử dụng đang gây bức xúc trong dư luận. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Dù mới thông xe đưa vào khai thác được hơn 1 tháng, nhưng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với mức đầu tư 34.500 tỷ đồng đã hư hỏng nặng, lởm chởm “ổ gà, ổ trâu” ở nhiều vị trí khiến dư luận xôn xao. Ông nghĩ sao về sự xuống cấp nghiêm trọng chỉ trong một thời gian ngắn này?

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 140km với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, trước thời điểm dừng thu phí, mỗi ngày tuyến cao tốc này thu được 500 đến 800 triệu/ngày. Tuy nhiên, tuyến đường cao tốc đang xuống cấp một cách nghiêm trọng dù mới chính thức thông xe được hơn 1 tháng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân cả nước nói chung và người dân các tỉnh miền Trung nói riêng.

Việc Trưởng ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đưa ra nguyên nhân là do mưa nhiều, xe quá tải chạy nhiều để “bao biện” cho việc hư hỏng trên tuyến đường là trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tuyến đường cao tốc hơn 34.000 tỷ xuống cấp chỉ trong vòng 1 tháng là trong quá trình xây dựng chưa đúng theo quy trình thiết kế, ăn xén vật tư rồi thi công cẩu thả… Rất nhiều đơn vị có liên quan như đơn vị giám sát, đơn vị tư vấn, thi công, đơn vị chủ đầu tư... cũng có thể hợp tác với nhau để “rút ruột” công trình mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Trước sự việc nghiêm trọng trên, các cơ quan chức năng, bộ GTVT, các đoàn thanh tra phải vào cuộc một cách quyết liệt để làm rõ những vấn đề đang xảy ra.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng.

Theo ông, các cơ quan chức năng, các đoàn thanh tra khi vào cuộc phải làm rõ những vấn đề gì để có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận về sự xuống cấp nhanh chóng của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi?

Tôi cho rằng, những vấn đề đã và đang xảy ra tại tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang bộc lộ những sai phạm cần phải được đưa ra ánh sáng.

Để có câu trả lời rõ ràng cho dư luận, các cơ quan chức năng, các đoàn thanh tra cùng thanh tra của bộ GTVT phải vào cuộc kiểm tra lại tất cả các công đoạn từ khâu thiết kế ban đầu, quá trình thi công, nghiệm thu... đến chất lượng công trình. Tất cả các khâu dù là nhỏ nhất phải được kiểm tra một cách khách quan, minh bạch. Phải đi tìm cho câu trả lời cho câu hỏi, tại sao một tuyến đường với tổng số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ lại xuống cấp nhanh đến thế? Quá trình nghiệm thu công trình có chính xác hay không, hay chỉ là làm hình thức cho qua loa rồi cho tiến hành lưu thông trên đường đó?

Tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và có nhiều dấu hiệu tiêu cực trong việc thực hiện đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Cần phải quy trách nhiệm đến cùng những đơn vị, cá nhân có liên quan, phải làm rõ ai là người chủ trì, chủ chốt trong vấn đề tiêu cực này, có hay không những cái bắt tay “không trong sáng” để tham ô, rút ruột công trình?

Trước mắt thanh tra làm rõ mức độ sai phạm đến đâu, như thế nào. Nếu có số liệu cụ thể, có dấu hiệu sai phạm, tham ô đề nghị cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề và truy cứu trách nhiệm đến cùng đối với từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Không thể chấp nhận những công trình xây dựng mà năm nào cũng góp ý, xuống cấp, làm hoài không thể mang niềm tin lại cho nhân dân.

Đừng bao giờ đổ thừa trách nhiệm cho những điều kiện khách quan dẫn đến xuống cấp tuyến đường. Đó là câu trả lời vô trách nhiệm, không thể chấp nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước sự hư hỏng nặng của tuyến đường cao tốc hơn 34.000 tỷ, bộ GTVT và hội đồng nghiệm thu Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Ông có đồng quan điểm?

Rõ ràng để xảy ra vấn đề trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, gây mất niềm tin cho nhân dân người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Với cương vị là Bộ trưởng, là tư lệnh ngành, để đơn vị cấp dưới xảy ra sai phạm nên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Thời gian qua, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ nghìn tỷ vừa thông xe đã hư hỏng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông không còn hiếm. Việc hư hỏng của các tuyến đường này đang mỗi ngày làm giảm bớt chữ tín của ngành giao thông. Ông nghĩ sao về câu chuyện “chưa dùng đã hỏng” này?

Trong thời gian qua, nhiều con đường quốc lộ, đường cao tốc thậm chí có những công trình vừa thi công xong, chưa nghiệm thu đã xuống cấp rồi. Cao tốc Long Thành – Dầu Giây với tổng số vốn đầu tu 20.000 tỷ lún, nứt ngay sau khi thông xe, rồi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhanh chóng xuống cấp trở thành tuyến đường liên tục phải sửa chữa để đảm bảo an toàn và còn rất nhiều các công trình khác nữa.

Đây là một thực trạng đáng buồn, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Đó là hệ quả của sự tắc trách, vô trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị chủ quản trong vấn đề này.

Qua đó, không riêng gì tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mà tất cả các công trình trên cả nước cần có sự kiểm tra giám sát, chặt chẽ để trừng trị nghiêm minh đối với những cá nhân tập thể có liên quan, nếu tiêu cực, ăn xén, ăn bớt . Từ đó, làm gương cho những đơn vị khác để sau này họ không dám, không muốn, không tham nữa. Lúc đó chất lượng công trình không chỉ riêng ngành giao thông mà còn tất cả các lĩnh vực khác mới đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh xảy ra sai sót, thất thoát tiền của đất nước, nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường đại học GTVT Hà Nội cho rằng: “Chất lượng đường xấu từ đâu thì cũng cần các nhà chuyên môn kiểm tra kỹ lưỡng để đưa ra đánh giá đúng. Chất lượng công trình xấu do nhà thầu làm ẩu thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong đó, bộ GTVT và hội đồng nghiệm thu Nhà nước là những cơ quan nghiệm thu ký vào các biên bản công trình đạt chất lượng, cho thông xe đều phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm với Nhà nước thì chủ đầu tư và bộ GTVT phải đứng ra nhận, cùng với đó là các cơ quan chuyên môn liên quan. Đặc biệt, Bộ trưởng bộ GTVT phải đứng ra chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ. Nếu chất lượng công trình kém để xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản thì Bộ trưởng bộ GTVT nên từ chức”.

Khánh Ngân

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật