Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, tại khoa Thận, cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận một số bệnh nhân vào điều trị do tai biến tiêm khớp hoặc chọc hút dịch khớp. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng những bệnh nhân đến khám đều có tình trạng tai biến phức tạp, người bệnh sốt kéo dài, mệt mỏi, tại vị trí khớp tiêm/ hút dịch có biểu hiện viêm mủ khớp; áp xe phần mềm.
Trong lĩnh vực y tế, hút dịch khớp hoặc tiêm nội khớp là các thủ thuật có tính xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ tai biến nếu áp dụng không đúng chỉ định, thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật/hoặc thực hiện bởi các bác sĩ không phải chuyên khoa; bác sĩ không được Sở Y Tế cấp phép thực hiện kĩ thuật.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Phương Anh, Phó trưởng Khoa Nội thận, Cơ xương khớp cho biết, các tai biến của tiêm khớp hoặc hút dịch khớp được chia thành 2 nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn. Trong đó, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc áp xe phần mềm quanh khớp do thủ thuật là tai biến nguy hiểm nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng khớp, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng tim, sốc nhiễm trùng nhiễm độc; quá trình điều trị phức tạp, chi phí rất tốn kém và sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng.
Hút dịch khớp hoặc tiêm nội khớp là các thủ thuật có tính xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ tai biến nếu áp dụng không đúng chỉ định, thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật
"Qua theo dõi các đối tượng bệnh nhân chúng tôi nhận thấy tình trạng tai biến nhiễm khuẩn khớp sau can thiệp tiêm/hoặc hút dịch khớp gặp trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ như: mắc các bệnh đái tháo đường; béo phì; hội chứng Cushing do sử dụng Corticosteroid hoặc các thuốc có chứa Corticosteroid , thuốc hoàn tán không rõ nguồn gốc xuất xứ mua ở các cơ sở bán thuốc không được cấp phép của Sở Y Tế", Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Phương Anh thông tin.
Thông tin về các dấu hiệu nhận biết viêm khớp nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết sau tiến hành hút dịch/tiêm khớp vài giờ đến vài ngày bệnh nhân cảm thấy sưng, nóng đỏ và đau /rất đau vùng khớp, phần mềm quanh khớp tổn thương. Triệu chứng toàn thân: sốt nóng hoặc sốt rét, nhiệt độ dao động tùy thể trạng của từng người có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm rét run hoặc không.
Đối với trường hợp này, hướng điều trị sẽ là sử dụng kháng sinh ngay khi có bằng chứng nhiễm khuẩn; có thể dùng 1 loại hoặc phối hớp hai loại từ đầu; nhóm kháng sinh lựa chọn ưu tiên các cầu khuẩn Gram (+) đặc biệt là Tụ cầu vàng trong lúc chờ kết quả kháng sinh đồ.
Bệnh cơ xương khớp thường gây cho bệnh nhân đau mỏi, hạn chế vận động, khó khăn trong sinh hoạt. Hiện nay, nhiều người dân đã tự đi tiêm tại những cơ sở y tế tư nhân tại địa phương vì nhanh, giá rẻ, không phải xếp hàng chờ và làm các chụp chiếu khác như ở các bệnh viện.
Tuy nhiên, do nhiều cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, nên đã tiêm không đúng chỉ định hoặc tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến bệnh nhân bị nhiễm trùng sau tiêm. Để đảm bảo an toàn khi thực hiện những thủ thuật này người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
Thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế được cấp phép; Giữ vệ sinh vị trí tiêm/hút dịch khô, sạch trong vòng 24 giờ từ lúc tiêm; Thông báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường để kịp thời xử lý tránh diễn biến nặng của người bệnh.
Hút dịch khớp, tiêm khớp là những biện pháp điều trị được chứng minh có hiệu quả, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Đây là những thủ thuật thường quy được thực hiện tại Khoa Nội thận, Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Người bệnh khi đến khám sẽ được hướng dẫn làm các siêu âm, xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh viêm hay bệnh khớp thoái hóa, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Hiện nay, bệnh viện đang triển khai thường quy thủ thuật “Chọc hút dịch ổ khớp, tiêm khớp dưới hướng dẫn siêu âm” có độ chính xác và tỉ lệ thành công cao hơn so với phương pháp cũ. Tất cả các thủ thuật đều được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, môi trường vô khuẩn, đảm bảo tối đa sự an toàn của người bệnh.