Da bị dị ứng nổi mẩn ngứa, đỏ da, thậm chí da tay bong tróc dẫn tới bệnh chàm, viêm da tiếp xúc... là những triệu chứng có thể xảy ra nếu lạm dụng nước rửa tay khô.
Theo các bác sĩ bệnh viện Da liễu Trung ương, nước rửa tay khô hay còn gọi là dung dịch sát khuẩn tay nhanh là loại dung dịch rửa tay dạng xịt hoặc dạng gel, sau khi sử dụng không cần rửa lại với nước. Thành phần của nước rửa tay khô gồm có các thành phần: cồn, nước tinh khiết, chất hút ẩm, hương liệu tạo mùi và chất diệt khuẩn.
Tuy nhiên, để diệt những loại vi khuẩn gây bệnh mà không cần dùng xà phòng, nước rửa tay khô phải chứa hàm lượng cồn kháng khuẩn lớn. Cồn giúp tiêu diệt vi khuẩn nhưng đồng thời cũng làm hại da tay, lấy đi lớp dầu trên da và nếu dùng nhiều sẽ làm giảm khả năng tự bảo vệ của da, khiến da khô rát, bong tróc.
Với trẻ em, làn da thường mỏng hơn nhiều so với người lớn. Do đó, lượng cồn nhiều trong nước rửa tay khô có thể khiến da trẻ bị kích ứng, ngứa rát, dị ứng, thậm chí có thể làm suy giảm miễn dịch
Một số sản phẩm nước rửa tay khô có chứa thành phần tạo mùi hóa học có khả năng gây phản ứng dị ứng, viêm da.
Việc dùng quá nhiều nước rửa tay khô thì những người có làn da dị ứng rất dễ bị nổi mẩn ngứa, đỏ da. Thậm chí, trong trường hợp xấu còn gặp phải hiện tượng da tay bong tróc, thô ráp, dẫn tới bệnh chàm, viêm da tiếp xúc.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo: Chỉ nên sử dụng nước rửa tay khô là biện pháp tạm thời khi không có xà phòng và chỉ dùng một lượng nhỏ vừa đủ. Không nên lạm dụng thường xuyên. Việc rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy vẫn là phương pháp rửa tay tốt nhất.
Ngoài ra, thường xuyên bôi thêm kem dưỡng da để giữ ẩm cho da tay, đặc biệt khi dịch Covid-19 đang lan tràn và mọi người thường phải rửa tay quá nhiều.
Dưới đây là hướng dẫn rửa tay ngoại khoa được bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ:
Minh Khôi (T/h)