Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi do tỷ lệ tiêm phòng giảm

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Thống kê cho thấy chỉ có 71% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm phòng sởi đầy đủ 2 liều trong năm 2021, đánh dấu độ bao phủ vaccine phòng sởi thấp nhất kể từ năm 2008.

Tỷ lệ tiêm phòng sởi sụt giảm

Reuters đưa tin, ngày 23/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo nguy cơ bệnh sởi lan rộng trên toàn cầu do đại dịch COVID-19 làm sụt giảm mức độ tiêm chủng và sự cảnh giác đối với căn bệnh này.

Báo cáo mới của CDC Mỹ cho thấy tỷ lệ tiêm phòng sởi trong đại dịch COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Theo WHO, gần 40 triệu trẻ em toàn cầu đã bỏ lỡ liều vaccine sởi trong năm 2021, trong đó có 25 triệu trẻ không tiêm mũi đầu tiên trong số 2 liều khuyến cáo và 14,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ 2.

Đáng chú ý, số liệu thống kê chỉ ra năm 2021, chỉ có 71% trẻ em trên toàn thế giới được tiêm phòng sởi đầy đủ 2 liều. Đây là tỷ lệ tiêm phòng sởi toàn cầu thấp nhất kể từ năm 2008. “Đây là kỷ lục về số trẻ em toàn thế giới không được tiêm chủng và là nguy cơ khiến bệnh sởi dễ bùng phát nghiêm trọng”, TS Rochelle Walensky – Giám đốc CDC Mỹ chia sẻ.

Trong khi đó, TS Patrick O'Connor – chuyên gia về sởi của WHO nói với Reuters: “Mặc dù hiện tại các trường hợp mắc sởi vẫn chưa tăng đột biến so với những năm trước, tuy nhiên bây giờ là lúc phải hành động. Chúng ta đang ở ngã ba đường. 12 đến 24 tháng tới sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn để ngăn dịch bệnh này”.

TS Patrick O'Connor giải thích thế giới hiện chưa chứng kiến sự bùng nổ các ca bệnh sởi là do tính chu kỳ của bệnh này cũng như thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên con người ít tương tác với nhau. Thế nhưng, tình trạng này sẽ không kéo dài.

Tiêm vaccine là cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất. Ảnh minh họa

WHO đã ghi nhận sự gia tăng của các đợt bùng phát sởi lớn kể từ đầu năm 2022. TS Patrick O'Connor tiết lộ ông đặc biệt lo lắng về nguy cơ bùng dịch sởi tại các khu vực ở châu Phi cận Sahara.

Cách phòng tránh mắc bệnh sởi tốt nhất

Người mắc bệnh sởi thường bị sốt, ho, sổ mũi, đau mắt đỏ, phát ban trên mặt và cổ, rồi lan ra các phần còn lại của cơ thể. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể tử vong.

Được biết, bệnh nhân có thể lây lan virus trong vài ngày trước và sau khi xuất hiện các vết phát ban rõ rệt – dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Virus sởi có thể tồn tại 2 tiếng trên các bề mặt.

Mọi người có thể dễ dàng bị nhiễm bệnh khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm nói trên, sau đó dụi mắt, mũi, miệng. Một cách lây nhiễm khác là hít phải những giọt bắn sau khi người mắc bệnh sởi ho hoặc hắt hơi.

Theo các chuyên gia, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Thống kê cho thấy, cứ 10 người không được tiêm phòng đầy đủ thì có 9 người bị nhiễm bệnh khi họ tiếp xúc với virus.

Một báo cáo chung của WHO và CDC chỉ ra sởi là một trong những loại virus dễ lây lan nhất ở người nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tuy nhiên, cần ít nhất 95% dân số tiêm phòng sởi đầy đủ thì mới có thể đạt được và duy trì miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm phòng sởi giảm trong đại dịch COVID-19 có khả năng khiến số ca mắc sởi tăng đột biến trong thời gian tới.

Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi trên toàn thế giới, khuyến cáo được đưa ra là tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ đạt hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Các chuyên gia khuyên cha mẹ cho trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ để giúp phòng tránh mắc bệnh, tránh lây lan bệnh và tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật