Đóng

Cảnh báo mối nguy hiểm "thập diện mai phục" từ chiếc đồng hồ thông minh đối với trẻ em

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng về mặt tối của đồng hồ thông minh, khi trẻ em ngày càng dễ bị tổn thương trước nội dung độc hại trong môi trường mạng không được kiểm soát.

Khi cô bé Chen Xian mở to mắt nhìn vào màn hình chiếc đồng hồ thông minh, dòng tin nhắn "Chúng ta hãy cùng chết!" hiện lên rõ ràng, khiến mẹ cô bé - chị Chen không khỏi bàng hoàng.

Ngay lập tức, chị Chen giật lấy thiết bị, chụp ảnh màn hình làm bằng chứng và hướng dẫn con gái lớp 2 thoát khỏi nhóm trò chuyện - nơi tin nhắn đáng sợ này được đăng tải bởi một bạn học lớn tuổi hơn - người cùng tham gia một khóa học ngoại khóa với cô bé.

Chị Chen, đến từ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, thở phào nhẹ nhõm khi con gái đã tin tưởng để chia sẻ tin nhắn đó với mình. Tuy nhiên, nỗi lo lắng vẫn đè nặng khi chị nghĩ về những đứa trẻ khác trong nhóm, những người có thể không cởi mở với cha mẹ về các hoạt động trực tuyến.

"Con gái tôi đã nói với tôi ngay lập tức, nhưng điều đó không có nghĩa là những đứa trẻ khác, đặc biệt là thanh thiếu niên, cũng sẽ làm như vậy”, chị chia sẻ.

Đồng hồ thông minh.

Vụ việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối lo ngại ngày càng tăng của các bậc phụ huynh đối với đồng hồ thông minh. Trong nhiều năm qua, những thiết bị này được quảng cáo là giải pháp thay thế an toàn hơn điện thoại thông minh cho trẻ em và thanh thiếu niên ở Trung Quốc. Ban đầu, chúng được thiết kế để thực hiện các cuộc gọi giới hạn và theo dõi vị trí. Thế nhưng, công nghệ ngày nay lại đưa trẻ em vào một hệ sinh thái kỹ thuật số phức tạp và đôi khi là những "góc tối" nguy hiểm.

Các chuyên gia cho biết, những cộng đồng trực tuyến được tạo ra bởi trẻ em ở mọi lứa tuổi, thường được gọi là "vòng tròn theo dõi" (tracking circles), phần lớn không bị kiểm soát. Chúng phản ánh cả nhu cầu xã hội đang thay đổi của trẻ em và những thách thức lớn mà các bậc cha mẹ phải đối mặt trong thời đại internet.

Một thế giới dễ dàng kết nối và "thập diện mai phục" các nguy cơ

Khi Liu Meng (đến từ Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) 10 tuổi, cô bé nhận được chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên vào năm 2017, đó thực sự là một món quà "trời cho".

Liu từng bị bạn bè xa lánh do gặp khó khăn trong giao tiếp. Ở trường tiểu học, chỉ việc nói "xin chào" đôi khi cũng là một thử thách, và khi người khác bắt chuyện, sự lo lắng có thể trở nên tồi tệ đến mức gây ra những phản ứng thái quá như la hét hoặc đập đầu vào tường.

Liu cuối cùng được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger khi còn học trung học – một dạng rối loạn phát triển phổ tự kỷ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội. Tuy nhiên, việc chẩn đoán này chỉ diễn ra sau nhiều năm cô bé phải chịu đựng sự bắt nạt cả về lời nói và hành động từ các bạn cùng lớp.

Trẻ sợ giao tiếp khi mắc hội chứng Asperger. Ảnh minh họa

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi với Liu vào năm lớp năm khi bố mẹ cô bé đồng ý mua cho cô một chiếc đồng hồ thông minh của một thương hiệu lớn của Trung Quốc. Cô bé bắt đầu nài nỉ mua sau khi thấy nhiều bạn cùng lớp "chạm" – tức là chạm thiết bị vào nhau – để kết nối với bạn bè trực tuyến trong giờ ra chơi.  

Bà Wang Ting, mẹ của Liu, đơn giản chỉ nghĩ rằng chức năng theo dõi vị trí sẽ giúp đảm bảo an toàn cho con gái mình. Bà không bao giờ ngờ rằng đó sẽ là cánh cổng đưa Liu đến một thế giới hoàn toàn mới.

Sau khi có thiết bị, Liu nhanh chóng nhận thấy những người bạn cùng sử dụng đồng hồ của một thương hiệu khác đang tạo và tham gia các cuộc trò chuyện nhóm dựa trên sở thích chung như anime, thể thao, nghệ thuật và lồng tiếng.  

Giống như Instagram, WeChat và các nền tảng mạng xã hội khác, nền tảng đồng hồ thông minh cho phép người dùng đăng bài cập nhật để bạn bè thích hoặc bình luận. Liu có một người bạn nhận được 70 đến 80 lượt thích cho mỗi bài đăng, vì vậy cô bé đặt mục tiêu đó làm chuẩn mực. Cô bé tích cực tham gia nhiều nhóm trò chuyện, bắt chuyện với người lạ về mọi thứ, từ sở thích, gia đình đến kinh nghiệm sống.

Cô bé tiếp cận mỗi cuộc trò chuyện như một bài toán, đôi khi dành hơn một tiếng đồng hồ để soạn thảo một tin nhắn hoặc bài đăng. Cô bé bắt đầu trút bầu tâm sự lên mạng, tiết lộ gần như mọi chi tiết về cuộc sống của mình:  "Tôi đói quá", "Vừa về nhà", "Tôi mệt quá", "Tôi buồn quá" … đôi khi đăng 20 hoặc 30 lần một ngày.

Và những nỗ lực của cô bé dường như đã được đền đáp. Đến lớp chín, cô bé đã tích lũy được gần 150 kết nối tối đa và đạt được mục tiêu về lượt thích và bình luận. "Điều đó khiến em cảm thấy được nhìn nhận và tôn trọng”, Liu nói. Mặc dù có mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ, nhưng cô bé vẫn khao khát những gắn kết tình cảm mà chỉ bạn bè đồng trang lứa mới có thể mang lại.

Cạm bẫy bủa vây

Liu chỉ mới 13 tuổi khi lần đầu tiên chạm trán với mặt tối của đồng hồ thông minh. Một đêm hè nọ, cô bé được thêm vào một nhóm chat xa lạ, nơi cô bất ngờ bị tấn công bởi hàng loạt nội dung người lớn, bao gồm cả những trò đùa tục tĩu và hình ảnh nhạy cảm.

Ngay sau khi chấp nhận lời mời kết bạn của một chàng trai trong nhóm, anh ấy đã gửi một tin nhắn có nội dung: "Mình thích bạn. Bạn có muốn hẹn hò với mình không?".

Sau đó, chàng trai đã gửi ảnh xương quai xanh của mình và yêu cầu cô gửi ảnh. Tiếp đến, Liu thấy anh ta đăng những bình luận khiếm nhã, ảnh và meme không lành mạnh trong nhóm.

Cô bé cũng nghe nói về những nhóm mà các cô gái bị ép phải gửi ảnh khỏa thân, trong khi các chàng trai sẽ tặng họ "điểm thưởng", ảnh hưởng đến thứ hạng của người dùng trên nền tảng và có thể được đổi lấy đồ dùng học tập.

Những chiếc đồng hồ thông minh tưởng trừng vô hại nhưng lại ẩn khuất nhiều cạm bẫy. Ảnh minh họa

Liu, giờ đã gần 18 tuổi, nhớ lại lúc đó, bản thân vừa sốc vừa thấy tò mò. "Hồi còn dậy thì, tôi hoàn toàn ngây thơ về tất cả những thứ này," cô nói. "Tôi chỉ nghĩ nói chuyện kiểu đó sẽ giúp mình hòa nhập hơn”.

Bà Wang biết rõ các hoạt động trực tuyến của con gái mình, vì Liu coi bố mẹ cô bé là tri kỷ và chia sẻ gần như mọi thứ với họ. Tuy nhiên, bà Wang bắt đầu lo lắng khi phát hiện bạn trai trực tuyến của Liu đã yêu cầu gửi ảnh nhạy cảm. Bà nói rõ rằng điều này là không thể và đăng ký cho Liu tham gia trại hè giáo dục giới tính.

Cha mẹ cô bé cũng tin rằng việc sử dụng đồng hồ thông minh đã góp phần khiến tâm trạng của Liu ngày càng bất ổn trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông ở Trung Quốc. Chỉ còn ba tháng nữa là đến kỳ thi, các giáo viên đã khuyên cô bé nên nghỉ học sau khi một đoạn video ghi lại cảnh Liu lăn lộn trên sàn lớp học trước khi chạy ra ngoài xuất hiện. Ngay sau đó, cô bé đã được kê đơn thuốc điều trị chứng trầm cảm nặng.

Trong khi hội chứng Asperger và áp lực học tập chắc chắn là nguyên nhân dẫn đến sự suy sụp này, thì nhà trị liệu của Wang và Liu cũng cảm thấy rằng cô bé đã bị kích thích quá mức bởi hoạt động giao lưu trực tuyến.

Tuy nhiên, Wang quyết định không lấy chiếc đồng hồ thông minh của con gái. Suy cho cùng, nó đã giúp Liu trải nghiệm nhiều lần đầu tiên, chẳng hạn như tình bạn thân thiết đầu tiên và mối tình đầu. "Tất cả những điều này đều mới mẻ với con bé”, cô nói. "Nhưng con bé coi mọi lời mọi người nói là thật lòng, không hề biết rằng đó chỉ là những lời bàn tán trên mạng xã hội”.

Phụ huynh nên đồng hành, thay vì cấm cản

Trước thực tế rủi ro mà đồng hồ thông minh gây ra cho trẻ em, nhiều phụ huynh cho rằng các nhà sản xuất đã phản ứng quá chậm trước các vấn đề liên quan đến an toàn.

Sau khi con gái nhận được tin nhắn “cùng chết nhé”, chị Chen Xian đã gửi khiếu nại đến công ty sản xuất đồng hồ, chất vấn vì sao những nội dung nhạy cảm như vậy không bị chặn trong các nhóm chat.

Ban đầu, nhân viên chăm sóc khách hàng cho rằng Chen Xian phản ứng thái quá với “một trò đùa trẻ con”, khiến chị càng phẫn nộ.

Sau đó, công ty thay đổi lập trường và hứa sẽ bổ sung từ “chết” vào danh sách những từ bị cấm.

Một số thương hiệu hiện có tính năng trợ lý lọc tin nhắn nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ, nhưng dường như chưa đủ hiệu quả, các tin nhắn thoại mang nội dung độc hại dường như vẫn lọt qua dễ dàng.

“Đây chính là lý do vì sao phụ huynh cần phải đồng hành sát sao”, chị Chen chia sẻ, cho biết trước vụ việc, chị chưa từng kiểm tra kỹ từng tính năng phức tạp trên đồng hồ của con. “Nó giống như điện thoại thông minh vậy, ngay cả người lớn còn chưa chắc hiểu hết mọi chức năng”.

Chen cũng nhận thấy nội dung mà bạn bè con gái đăng tải trên trang cá nhân chủ yếu mang sắc thái tiêu cực, phần lớn là kiểu than thở “chán quá”. Chị đã quyết định vô hiệu hóa một số tính năng trên thiết bị, dù con gái thú nhận lén bật lại các tính năng khi mẹ ngủ.

“Tôi biết tịch thu đồng hồ thì hơi mạnh tay, nhưng đôi khi thật sự tôi không biết phải làm sao để cân bằng”, Chen thừa nhận.

 

Theo ông Cai Dan, Viện trưởng Viện Tâm lý, Đại học Sư phạm Thượng Hải, khi còn nhỏ, trẻ thường gần gũi kết nối với cha mẹ, nhưng đến tuổi dậy thì sẽ ưu tiên nhu cầu gắn bó với bạn bè cùng trang lứa. Kết quả, đồng hồ thông minh trở thành “biểu tượng của sự hòa nhập” trong giới trẻ.

“Việc dùng cùng một mẫu đồng hồ để ‘chạm’ và kết bạn là phương thức quan trọng giúp các em hình thành nhóm bạn thân”, ông Cai nói. “Tính năng trang cá nhân cũng tạo ra sự cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ. Trong không gian ảo này, trẻ có thể trút bỏ áp lực học hành, chia sẻ nỗi niềm thường ngày và tìm thấy sự đồng cảm khi biết rằng bạn bè cũng đang trải qua điều tương tự”.

Tuy nhiên, ông Cai nhấn mạnh dù tiện lợi đến đâu, giao tiếp trực tuyến cũng không thể thay thế giá trị cảm xúc mà tương tác trực tiếp mang lại.

Ông cho biết: “AI và các thiết bị điện tử có thể truyền đạt thông tin, kiến thức, nhưng cốt lõi của kỹ năng xã hội như sự đồng cảm, hợp tác hay tinh thần giúp đỡ, sẻ chia chỉ được nuôi dưỡng thông qua giao tiếp bằng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể”.

Chuyên gia tâm lý cho rằng việc trẻ quá đắm chìm trong thế giới mạng là dấu hiệu đáng lo, biểu hiện việc các em không tìm được sự thỏa mãn trong đời sống thực.

Tuy vậy, ông Cai khuyên phụ huynh không nên can thiệp thô bạo, mà nên để trẻ được phép mắc sai lầm trong khuôn khổ có kiểm soát, đồng thời hướng dẫn các em giá trị sống và chuẩn mực đạo đức đúng đắn.

Tin nổi bật