Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo chiêu lừa đảo trên mạng khiến nhiều người “ngậm trái đắng”

(DS&PL) -

Mới đây, một thủ đoạn khá tinh vi được các đối tượng lừa đảo thực hiện đó là lừa gửi mã OTP để chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo liên tục nghĩ ra các thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn từ các nạn nhân. Mới đây, một thủ đoạn khá tinh vi được các đối tượng lừa đảo thực hiện đó là lừa gửi mã OTP để chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

“Ma xui” gửi tiền hết lần này đến lần khác

Theo đơn trình báo của chị Hoàng Thị T., trú phường Phú Hải, TP.Đồng Hới gửi cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, vào khoảng giữa tháng 4/2019, chị T. chấp nhận lời mời kết bạn trên Facebook với một người mang quốc tịch Đức tên Jangam Shivolingoppa. Sau vài lần chuyện trò, Jangam Shivolingoppa bày tỏ tình cảm với chị T. nhưng vì đã có gia đình nên chị T. từ chối.

Mặc dù người phụ nữ bên kia địa cầu từ chối chuyện tình cảm nhưng người đàn ông ngoại quốc này vẫn thường xuyên nhắn tin tâm sự với chị T.. Trong những lần chuyện trò như vậy, Jangam Shivolingoppa thường hứa rằng sẽ sang Việt Nam thăm chị. Những câu chuyện chóng vánh qua tin nhắn Facebook cứ thế tiếp diễn cho đến một ngày chị T. nhận được thông báo của người đàn ông ngoại quốc rằng anh ta đã chuyển hành lý của mình về Việt Nam trước và trong hành lý có 100.000USD cùng một số giấy tờ quan trọng. Lúc này, Jangam Shivolingoppa mở lời nhờ chị T. chuyển một số tiền nhỏ để đóng phí cho số hành lý này.

Chỉ mấy ngày sau đó, chị T. nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Người này thông báo cho chị T. về số hành lý của Jangam Shivolingoppa và yêu cầu chị chuyển 35 triệu đồng để nhận. Cùng lúc chị cũng nhận được tin nhắn của người bạn ngoại quốc nhờ giúp đỡ.

Không chút đắn đo, chị T. ra ngân hàng chuyển 35 triệu đồng theo yêu cầu của “bạn”. Thời điểm này, chị T. không nghĩ rằng mình đã trở thành “con mồi” cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo với số tiền rất lớn.

Theo đó, sau khi chuyển số tiền 35 triệu đồng, chị T. nhắn tin cho người bạn ngoại quốc rồi gọi cho người tự xưng là nhân viên sân bay. Thế nhưng, một tình huống khiến chị T. khá bất ngờ và không bao giờ nghĩ tới, đó là thông báo của người nhân viên về việc họ phát hiện trong hành lý có một số vàng và kim cương nên hải quan không cho xuất kho. Nếu muốn nhận hành lý, chị phải chuyển tiếp 170 triệu đồng nữa.

Cảnh báo chiêu lừa đảo trên mạng khiến nhiều người “ngậm trái đắng” - Hình minh họa

Vì kế hoạch lừa tiền đã được nhóm đối tượng lên từ trước với những thủ đoạn hết sức tinh vi nên chị T. không lường trước được các tình huống xảy ra. Chị đặt hết sự tin tưởng vào người bạn ngoại quốc nên răm rắp làm theo mọi yêu cầu của đối tượng. Do vậy khi người bạn Đức “thú nhận” có gửi vàng, kim cương trong hành lý, chị T. lại chạy vạy gom đủ 170 triệu đồng và chuyển tiếp vào tài khoản mà các đối tượng đưa ra.

Hai ngày sau, vẫn người tự xưng là “nhân viên sân bay” lại gọi điện cho chị báo tin rằng hải quan tiếp tục phát hiện một số tiền lớn trong hành lý và nghi ngờ “người bạn Đức” của chị đang thực hiện hành vi “rửa tiền”, đồng thời yêu cầu chị T. chuyển tiếp 400 triệu đồng. Lúc này, chị T. thấy “sốc” với số tiền quá lớn nên trả lời mình không có khả năng thanh toán.

Về phía người đàn ông mang quốc tịch Đức, quyết không muốn buông tha “con mồi”, hắn liên tục nhắn tin cầu xin chị T. giúp đỡ kèm theo đó là nhiều lời hứa hẹn “có cánh”. Đồng thời, hắn thông báo “tin vui” với chị T. rằng phía nhân viên sân bay có thể giảm số tiền xuống còn một nửa là 200 triệu đồng.

Vì đã dính “bẫy lừa” nên chị T. lại lẳng lặng đi ngân hàng chuyển tiếp 200 triệu đồng. Với thủ đoạn như thế, lần chuyển tiền cuối cùng của chị T. là 100 triệu đồng, đưa tổng số tiền chuyển khoản lên đến 505 triệu đồng.

Sau khi chuyển 505 triệu đồng, chị T. còn nhận được nhiều tin nhắn của người bạn ngoại quốc kia nhờ chuyển tiền nhiều lần nữa với mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng nhưng lúc này chị T. bắt đầu cảm thấy bất an, lo lắng vì cảm giác mình đã bị các đối tượng trên lừa đảo. Chị yêu cầu người bạn Đức gửi hóa đơn về số hành lý được cho là gửi về Việt Nam kia nhưng chỉ nhận được hóa đơn, trong đó có số điện thoại của công ty giao hàng. Lúc này, chị T. gọi theo số máy trong hóa đơn thì gặp một người phụ nữ ở Bắc Ninh. Sau cuộc nói chuyện giữa 2 người, chị T. mới ngã ngửa khi biết người phụ nữ này cũng là nạn nhân của bọn lừa đảo cùng với thủ đoạn đã lừa đảo chị.

Ngay lập tức, chị T. viết đơn trình báo cơ quan công an. Theo trình báo của chị T., tất cả tiền của chị được chuyển vào hai tài khoản cùng mang tên Nguyễn Thanh Tâm, có địa chỉ ở TP.HCM...

Nguy cơ mất trắng với chiêu trò gửi mã OTP

Có thể nói, thủ đoạn của đối tượng là tự xưng là người nước ngoài ở trên, là một trong những thủ đoạn khá phổ biến của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội khác nữa phải kể đến như chiếm dụng tài khoản Facebook và nhắn tin nhờ mua thẻ cào, nạp tiền vào tài khoản. Số tiền mất của nạn nhân trong thủ đoạn này thường không lớn nên nhiều nạn nhân không trình báo cơ quan công an. Đặc biệt, một thủ đoạn mới nhất hiện nay là các đối tượng đặt mua hàng online và xin số tài khoản để chuyển tiền, sau đó xin mã số OTP để chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản đó.

Theo đó, khi người bán hàng online cung cấp thông tin về tài khoản như: Số tài khoản, tên chủ tài khoản... thì các đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link cho người bán và thông báo sẽ có một mã số gửi vào điện thoại của người bán. Muốn hoàn tất thủ tục chuyển tiền, người bán cần gửi mã số này cho bọn chúng. Đây chính là số OTP xác nhận giao dịch chuyển tiền qua mạng. Vì tâm lý bán được hàng lại được thanh toán đúng thời hạn nên người bán hàng hầu như không nghi ngờ đối tượng, lập tức cung cấp mã số OTP. Ngay sau đó, toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân đều bị chuyển hết cho đối tượng.

Với thủ đoạn chuyển tiền mua hàng online, hiện phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Bình đã nhận được đơn tố cáo của hai nạn nhân với số tiền bị lừa đảo là 31 triệu đồng. Đây là tất cả số tiền trong tài khoản, nếu tài khoản có số tiền lớn hơn cũng sẽ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hết. Thủ đoạn này mới, tinh vi và khả năng thiệt hại sẽ rất lớn nên người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo mà điều trước tiên là tuyệt đối không cung cấp mã OTP gửi đến điện thoại của mình cho bất cứ ai và trong bất kỳ trường hợp nào.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội không phải là thủ đoạn mới xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã từng bắt 2 đối tượng và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do mất cảnh giác hoặc chưa tiếp cận được thông tin, nhiều người, trong đó có chị Hoàng Thị T. vẫn rơi vào bẫy của bọn lừa đảo, thậm chí đã có người phải đau đớn “ngậm trái đắng” vì mất số tiền quá lớn. Có người vì không chịu đựng được cú sốc đã phải quyên sinh. Do vậy, để bảo vệ chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức cần thiết khi sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là các hoạt động chuyển tiền và tuyệt đối không tham lam "của hời" để rồi bị sập bẫy, “tiền mất tật mang”.

Ngô Huyền

Bài đăng trên ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 29

Tin nổi bật