Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo chiêu giả mạo Bộ Công Thương “phát quà online”

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Bộ Công Thương khẳng định đơn vị và TiKi khẳng định hoàn toàn không có Chương trình hợp tác nào về việc phê duyệt dự án tham gia nhận quà online như thông tin trong văn bản đang lan truyền.

Theo thông tin trên báo Vietnam Plus, chiều 30/10, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho hay, đơn vị này vừa nhận được thông tin phản ánh một số đối tượng trên mạng xã hội đăng tải văn bản giả mạo Quyết định của Bộ Công Thương về việc “Phê duyệt dự án tham gia nhận quà online.”

Văn bản giả mạo Bộ Công Thương. Ảnh: Bộ Công thương

Sau khi kiểm tra xác minh, đại diện cơ quan quản lý khẳng định văn bản nêu trên là hoàn toàn giả mạo. Bộ Công Thương và Sàn giao dịch Thương mại Điện tử TiKi hoàn toàn không có chương trình hợp tác nào như vậy.

Phía TiKi cũng lên án hành vi giả mạo trên và cho hay đã nhiều lần cảnh báo trên website của mình.

Để phòng ngừa, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số đề nghị người dân, doanh nghiệp khi phát hiện đối tượng giả mạo nêu trên cần gửi phản ánh tới đơn vị này qua địa chỉ Phòng Quản lý Hoạt động Thương mại Điện tử, địa chỉ 25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội theo số điện thoại: 024-22205512 và Email: qltmdt@moit.gov.vn.

Theo báo Vietnamnet, từ nội dung văn bản giả mạo, có thể dự đoán việc các đối tượng xấu sử dụng văn bản này để củng cố niềm tin hòng dụ dỗ người dân tham gia các chương trình mạo danh sàn thương mại điện tử để tuyển cộng tác viên online. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online là 1 trong 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam.

Theo Cục An toàn thông tin, sử dụng hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên online, các đối tượng giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Một trong những dấu hiệu để nhận biết hình thức lừa đảo này là đối tượng yêu cầu người dùng tạm ứng tiền. Do đó, nếu được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, người dân cần cảnh giác. Đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của nạn nhân mà không cung cấp công việc thực tế.

Đối tượng lừa đảo cũng có thể yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. “Hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của bạn với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ”, Cục An toàn thông tin khuyến nghị.

Theo VTC News, ngày 29/9, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp và người dân nên cảnh giác với các thông tin sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo Chương trình thương mại điện tử xuyên quốc gia nhằm mục đích lừa đảo.

Cụ thể, sau khi người dân liên hệ người hướng dẫn sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản; Đăng ký mở thành công đại lý cửa hàng sẽ được thưởng 30.000 đồng thẻ cào điện thoại; sau khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên của cửa hàng sẽ nhận được 200.000 đồng tiền phụ giúp để hoàn thành đơn hàng từ hệ thống.

"Các đối tượng lừa đảo sẽ trực tiếp chiết khấu và chuyển tiền vào tài khoản người tham gia, sau đó, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia để tiếp tục lôi kéo người thân tham gia cùng và gắn bó lâu dài với công việc", đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật