Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh báo “bẫy” nhà trọ rình rập tân sinh viên chân ướt chân ráo tới thành phố

(DS&PL) -

Bước vào năm học mới, nhu cầu tìm nhà trọ của các tân sinh viên tăng cao. Tuy nhiên do sự non nớt, bỡ ngỡ, nhiều em đã phải "ăn quả đắng" trước các mánh lừa đảo.

Bước vào năm học mới, nhu cầu tìm nhà trọ tại thành phố lớn của các tân sinh viên tăng cao. Tuy nhiên do sự non nớt, bỡ ngỡ, nhiều em đã phải "ăn quả đắng" trước các mánh lừa, chiêu trò của bên cho thuê.

Mất tiền rước ấm ức với các trung tâm môi giới

Những sinh viên có kinh nghiệm thường dặn dò các đồng môn khóa dưới rằng muốn trọ phải thuê ngay đầu hè, giữa hè. Vì thời điểm cuối hè (cuối tháng 8, đầu tháng 9) - khi tân SV nhập học, nhu cầu trọ tăng cao, kiếm một phòng trọ rẻ và tiện lợi không hề đơn giản. Dẫu vậy, đối với những tân sinh viên mới chân ướt chân ráo từ những vùng quê lên thành phố đi học, cả tin và thiếu thốn điều kiện thì điều này quả thực rất khó khăn.

Ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn và biết mình đã thi đỗ, bạn V.T.T (huyện Thanh Miện, Hải Dương) rủ một bạn gái cùng lớp lên Hà Nội chơi đồng thời tranh thủ tìm nhà trọ. Từ thông tin thu thập trên mạng, T. đã đến một căn nhà được rao cho thuê trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tại đây, T. gặp một người đàn ông trung niên nhận là chủ căn nhà. Ông ta cho biết, do nhà cho thuê đang khan hiếm, hiện chưa có phòng trống nên nếu muốn thuê, T. phải đặt cọc số tiền là 500.000 đồng và 4 ngày sau quay lại ký hợp đồng, khi đó có phòng sẽ giao. Đúng hẹn, T. đến ký hợp đồng thì chủ nhà nói vài ngày nữa mới có người chuyển đi nên phải đợi.

Nhiều quảng cáo cho thuê nhà trọ không đúng với thực tế. Ảnh minh hoạ 

Nghe vậy, T. không đồng ý và yêu cầu trả lại tiền đặt cọc thì chủ nhà kiên quyết không trả và cho rằng chính em là người phá vỡ cam kết. Vì giấy đặt cọc tiền là giấy viết tay do bên cho thuê giữ nên T. không biết đòi lại tiền bằng cách nào. Cảm thấy bế tắc, T. gọi điện đến đường dây nóng của một tờ báo để phản ánh về vụ việc.

Trong khi đó, những tân sinh viên tìm tới các trung tâm giới thiệu phòng cho thuê nếu không tỉnh táo cũng dễ tiền mất tật mang. Chiêu trò của những trung tâm này là đưa ra những lời chào mời hấp dẫn bằng bảng thông tin nhà trọ. Họ thuê người lùng sục trong các ngõ hẻm để lấy thông tin các hộ cho thuê. Người lấy thông tin ghi lại chỉ số phòng thuê như dài, rộng, nhà vệ sinh, lối đi... Khổ nỗi, những thông tin ghi lại và căn phòng thực tế nhiều khi không trùng khớp với nhau, phụ thuộc vào độ trung thực của người lấy thông tin.

Đơn cử, bạn N.H, sinh viên khoa Tin – đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã phải mất tiền, tốn công sau khi trao niềm tin cho một trung tâm giới thiệu nhà trọ. “Mình đi vào trung tâm hỏi nhà trọ, sau khi đóng phí 50 ngàn đồng, chủ trung tâm... bật mí cho một địa chỉ nhà trọ, chạy đến nơi mới thấy là nhà dạng... sắp sập. Quay về lại mắng vốn, chủ trung tâm bật mí tiếp căn nhà thứ hai, đến nơi mới biết hẻm nhỏ, cụt, ngập nước... Quay đi quay lại vài lần như vậy, bở cả hơi tai mà tiền cò, tiền xăng đi tong”.

“Treo đầu dê bán thịt chó”

Dễ thấy, các tờ rơi hoặc đăng trên mạng xã hội về cho thuê phòng trọ thường đi kèm với những thông tin hấp dẫn như: Giá rẻ, giờ giấc tự do, lối đi riêng, gần trạm xe buýt, wifi - giữ xe miễn phí.... Khi đến xem phòng, bên thuê sẽ được dẫn đến những căn phòng khang trang, rộng rãi nhưng có giá rất phải chăng. Nếu đồng ý thuê, bên cho thuê sẽ yêu cầu bên thuê đặt cọc một khoản tiền tương đương với 1 tháng tiền phòng để giữ chỗ. Do sợ mất phòng giá tốt nên không ít tân sinh viên đã nhanh chóng đặt cọc. Đến ngày nhận phòng, một số bạn mới té ngửa khi phòng trọ thực chất chỉ bằng một phần so với “phòng trọ mẫu”, thậm chí còn xập xệ, cũ nát nên không muốn thuê nữa. Lấy lý do bên thuê tự ý hủy giao kết, bên cho thuê không trả lại tiền đặt cọc.

Ngoài quỵt tiền đặt cọc, một thủ đoạn khác mà bên cho thuê nhà thường áp dụng là khi đến hẹn, khách thuê trở lại để ký hợp đồng, bên thuê sẽ đưa ra hàng loạt các khoản chi phí phát sinh như tiền gửi xe, tiền mặt bằng, tiền truyền hình cáp, internet, tiền đăng ký tạm trú, camera an ninh... khiến nhiều sinh viên phải “bỏ của chạy lấy người”.

Trong quá trình đi thuê phòng trọ, không ít sinh viên đã phải thanh toán một khoản tiền không nhỏ cho “cò” nhà trọ. Như hai chị em bạn Nguyễn Thị Huệ (khoa Tài chính - Tín dụng, ĐH Ngân hàng), sau khi đọc báo có thông tin nhà trọ nguyên căn vừa ý, hai chị em đã chủ động liên lạc với số điện thoại ghi bên dưới tờ rơi, đến nơi mới biết người tiếp đón mình không phải chủ nhà cho thuê mà là “cò”, chuyên dẫn đi xem nhà. Vì nóng ruột tìm phòng, chị em Huệ đưa cho cò 100 ngàn đồng rồi được dẫn đi xem 3, 4 nhà nhưng không có nhà nào giống như mô tả trên tờ rơi. “Bà ta dẫn mình chạy quanh quanh, đến lúc nản, rút lui, tiền cò cũng không lấy lại được”, Huệ cay đắng tâm sự.

Không riêng gì chị em Huệ, nhiều bạn sinh viên khác cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự vì đặt niềm tin nhầm chỗ. Với chiêu trò tìm thông tin nơi cho thuê phòng trọ và đăng lên các trang web và mạng xã hội, khi có người liên hệ, “cò” sẽ dẫn đến xem phòng. Sau đó, không cần biết bên thuê có thuê được nhà trọ hay không, “cò” sẽ đòi thanh toán một khoản tiền gọi là tiền giới thiệu. Điều đáng nói là một số “cò” còn sử dùng thủ đoạn một nhà giới thiệu cho rất nhiều người để thu phí. Nếu không thận trọng, các tân sinh viên sẽ rất dễ gặp phải các đối tượng này.

 MINH MINH
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 107 

Tin nổi bật