Dự kiến trong 12h tới, bão số 9 sẽ đi vào vùng biển từ Bình Thuận đến Bến Tre, sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Hiện, 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã di dời dân ở các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét để ứng phó với bão số Usagi.
Theo thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 6h vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7.
Đường đi của bão số 9. Ảnh: Tổ Quốc |
Hồi 4h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 110km, cách Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Trong 12 đến 24h tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, TP. đã có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP. Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TP. với sức gió giật từ cấp 8 - 9 trở lên, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng sẵn sàng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có nguy cơ đổ sập và những khu vực xung yếu. Dự kiến di dời, sơ tán khoảng hơn 100.000 hộ với khoảng hơn 500.000 người.
Trong tình huống phát lệnh sơ tán, thời gian thực hiện hoàn thành trước 24h so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp. Lực lượng dự kiến huy động từ các sở ngành, đơn vị cấp TP. đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó đảm bảo khoảng 29.000 - 30.000 người.
Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đang khẩn trương di dời đến nơi an toàn để tránh bão số 9. Ảnh: Người Đưa Tin |
Theo ghi nhận, tính đến ngày 24/11, 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã di dời dân tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét để ứng phó với bão số 9.
Cụ thể, tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 910 điểm xung yếu cần sơ tán khoảng 280.000 dân. Đối với TP.Nha Trang, công tác sơ tán dân được thực hiện từ ngày 22/11.
Riêng xã Phước Đồng, sơ tán khoảng 1.600 hộ/6.400 nhân khẩu, trong đó khu vực xóm Núi thuộc thôn Thành Phát khoảng 320 hộ/1.200 nhân khẩu; xóm Mũi, thôn Thành Đạt 70 hộ/300 khẩu; khu vực dọc Núi Xanh (Phước Tân, Phước Lộc, Phước Hạ) khoảng 500 hộ/2.000 khẩu,…
Để hạn chế những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt công tác di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng xung yếu trước khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt là các vị trí dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển; kiên quyết cưỡng chế các hộ dân không chịu di dời, sơ tán.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng đã lập 51 chốt chặn tại các đập tràn không cho người dân đi qua để đảm bảo an toàn và bố trí nơi neo đậu tránh trú bão cho hơn 9.400 tàu thuyền.
Tại tỉnh Bình Thuận, theo dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời dân tại 37 điểm/11.165 hộ/46.689 khẩu, trong đó huyện Tuy Phong 3.131 hộ/13.246 khẩu, huyện Bắc Bình 2.248 hộ/9.705 khẩu, TP. Phan Thiết 3.116 hộ/12.205 khẩu, thị xã La Gi là 1.808 hộ/7.886 khẩu, huyện Phú Quý 259 hộ/1.153 khẩu (03 xã),..
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng có kế hoạch di dời, sơ tán 12.464 hộ/50.546 khẩu, thuộc 82 điểm có nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt trên toàn địa bàn, gồm huyện Tuy Phong 964 hộ/3.897 khẩu, huyện Bắc Bình 3.355 hộ/13.560 khẩu, huyện Hàm Thuận Bắc 1.757hộ/7.331 khẩu, thành phố Phan Thiết 2.112 hộ/8.010 khẩu, huyện Hàm Thuận Nam 420 hộ/1.653 khẩu, huyện Hàm Tân 736 hộ/2.961 khẩu, thị xã La Gi 1.245 hộ/5.189 khẩu, huyện Tánh Linh 700 hộ/2.954 khẩu, huyện Đức Linh 1.175 hộ/4.991 khẩu.
Đến 9h hôm nay, tại tỉnh Ninh Thuận cũng đã sơ tán được 117 hộ/446 khẩu. Dự kiến hôm nay sẽ tiếp tục sơ tán 10.090 hộ/39.357 người dân sống ở những vùng có nguy cơ thiệt hại nhiều khi cơn bão số 9 đổ bộ vào.
Trước đó, sáng 23/11, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có thông báo khẩn gửi tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 9 và mưa lũ.
Học sinh được nghỉ học để tránh bão số 9. Ảnh: Zing.vn |
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TP.HCM, Sở GD&GD TP.HCM đề nghị tất cả trường học các cấp ngừng tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập và các hoạt động khác bắt đầu từ 12h ngày 24/11 để tránh bão số 9.
Cũng trong chiều hôm qua (23/11), thực hiện công văn hỏa tốc số 7563/UBND ngày 23/11 của UBND huyện Cần Giờ, Phòng GD&ĐT huyện có thông báo khẩn đối với các trường học tại địa bàn huyện cho học sinh nghỉ học từ sáng 24/11.
Nguyễn Phượng (T/h)