Trốn nợ là hành vi đáng lên án
Thời gian vừa qua, nhiều công ty tài chính, tín dụng gặp nhiều khó khăn khi người vay cố tính không trả nợ, thậm chí là dùng các thủ đoạn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bên cho vay.
Thượng tá Trịnh Kim Vân
Thượng tá Trịnh Kim Vân, Nguyên điều tra viên cao cấp, Công an TP Hà Nội chia sẻ, trong thời gian công tác, không ít lần ông gặp phải những trường hợp các công ty tài chính, tín dụng nộp đơn cầu cứu vì người vay tiền chây ì, cố tình giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của bên cho vay.
Theo ông Vân, trong xu thế tài chính tiêu dùng hiện nay, ngoài ngân hàng, người dân có thể tiếp cận các tổ chức, đơn vị cho vay, hỗ trợ tài chính mà Nhà nước cho phép để vay tiền với thủ tục ràng buộc theo quy định của bên cho vay.
Với hình thức đơn giản không thế chấp, tự thỏa thuận mức % cho vay bằng các Hợp đồng kinh tế, góp vốn hoặc dân sự, các công ty tài chính tín dụng thời gian qua có nhiều ưu thế và được nhiều người lựa chọn. Chính điều này khiến cho nhiều người nảy sinh tâm lý không muốn trả nợ, tìm mọi cách chiếm đoạt tài sản và đẩy những rủi ro về phía bên cho vay.
“Trường hợp người nợ chây ì, bỏ trốn không thanh toán tiền đúng hạn, nếu có tài liệu chứng minh chiếm đoạt thì phạm tội theo Điều 175 Bộ luật hình sự . Đối với trường hợp có khả năng thanh toán tiền nhưng không trả thì đối tượng này đã vi phạm giao kết hợp đồng vay theo Điều 466, Bộ luật dân sự về “nghĩa vụ trả nợ của người vay”. Nếu thật sự không có khả năng trả nợ thì bị cảnh cáo theo Điều 351 Bộ luật dân sự về vi phạm nghĩa vụ dân sự. Trên các cơ sở các điều luật trên mà tùy từng hành vi của người vay nợ mà áp dụng”, thượng tá Vân dẫn chứng.
Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng thừa nhận, hiện nay một số công ty tài chính, tín dụng, tổ chức cho vay gặp phải trường hợp người vay không trả. Đây là hành vi đáng lên án và làm cho xã hội bất an. Việc này cũng khiến các công ty tài chính rất khó xử trong việc thu hồi nợ, dẫn tới nhiều xung đột, có thể làm bên cho vay gặp phải các rủi ro không mong muốn.
“Pháp luật luôn bình đẳng với mọi Công dân. Vay mượn là một thỏa thuận dân sự mà các bên đều phải tôn trọng các nội dung đã thỏa thuận và thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung đó. Dù trong trường hợp nào, người vay tiền cũng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo hợp đồng đã thỏa thuận trước đó. Nếu cố tình trốn tránh, trì hoãn nghĩa vụ trả nợ sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật”, Luật sư Vi nói.
Tăng mức phạt xử lý những người trốn nợ
Thượng tá Trịnh Kim Vân chia sẻ, pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền. Nếu cố tình trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt từ vi phạm hành chính đến khởi tố hình sự, với hình phạt cao nhất lên tới chung thân. Tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn nhiều kẽ hở, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng nhờn luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình chây ì, thậm chí tỏ thái độ thách thức với bên cho vay.
“Pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ, nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, để hạn chế những rủi ro với bên cho vay, phải tính toán tăng mức độ xử phạt đối với hành vi trốn nợ và cố tình không trả nợ. Một khi có chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc người vay sẽ sợ và thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Có vậy mới chấm dứt tình trạng việc đòi nợ thuê và các vi phạm khác xảy ra.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao, Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao cần có 1 bản hướng dẫn cụ thể về hành vi như thế nào để xác định người vay nợ phạm tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc có hành vi vi phạm Hợp đồng Dân sự. Tránh để các đối tượng vay nợ lợi dụng vào pháp luật còn chỗ hở để chuyển hóa từ Hình sự thành Dân sự. Từ đó gây khó khăn cho công ty tài chính, tín dụng”, Thượng tá Vân nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi đánh giá, các trường hợp nợ xấu đa phần là các trường hợp cho vay tín chấp. Nếu cho vay có đảm bảo thì bên cho vay hoàn toàn có khả năng thanh lý tài sản để đảm bảo thu hồi khoản vay. Bởi vậy, pháp luật cần phải quy định chặt chẽ đối với trường hợp cho vay tín chấp. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện Luật xử lý nợ xấu để tạo hành lang pháp lý nhằm xử lý các trường hợp nợ xấu một cách hiệu quả, đúng luật.
“Việc mạnh tay xử lý các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ góp phần giảm nợ xấu, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nó cũng là cơ sở để ổn định nền tài chính, kinh tế quốc gia. Đồng thời đây cũng là lời cảnh báo tới những người đi vay có ý định tương tự, giúp họ vay tiền một cách văn minh, ý thức hơn”, Luật sư Vi chia sẻ.
Đình Hoàn