Đó là quan điểm của luật sư về tính pháp lý liên quan đến sự việc hàng loạt các doanh nghiệp đang có dấu hiệu tư vấn, tuyển dụng XKLĐ “sai quy định”.
Liên quan đến sự việc hàng loạt doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng người lao động đi XKLĐ sang thị trường Singapore, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh để tìm hiểu những tình tiết pháp lý liên quan.
Theo số liệu từ Cục QL lao động ngoài nước, tính từ đầu năm cho đến nay mới có 3 đơn hàng XKLĐ đi Singapore được đăng ký với Cục. Những đơn hàng này đều là tuyển dụng tay nghề cao là Thuyền viên tàu biển của 2 công ty PITSCO và TMAS Co.,Ltd.
Đại diện Cục QL lao động ngoài nước cũng khẳng định, ngoài 2 công ty trên thì tất cả các công ty đang tuyển dụng XKLĐ sang thị trường sang Singapore đều là sai quy định.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, khi các doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ sang thị trường Singapore mà không được cơ quan chức năng chấp thuận thì đó là hình thức đi “chui”.
Theo đó, để người lao động đi Xklđ có thể sang làm việc với các bên đối tác, phải có doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ đưa đi và chịu trách nhiệm cho người lao động.
Luật sư Thơm đã nêu lên những quan điểm của mình. |
Việc các doanh nghiệp môi giới cho người lao động với chủ sử dụng nước ngoài cũng cần được làm rõ và phải xác định người lao động đi làm việc bên đó bằng cách nào trong khi không thông báo cho Cục quản lý lao động ngoài nước. Hành vi trên có dấu hiệu tổ chức cho người lao động trốn đi nước ngoài theo quy định là không hợp pháp, và nếu có hậu quả thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.
“Khi tổ chức đưa người đi hàng loạt như vậy thì các doanh nghiệp sẽ đưa đi theo con đường nào, có thể bằng đường du lịch và sau đó ở lại làm việc.”
Luật sư Thơm cũng cho biết thêm, trong trường hợp các doanh nghiệp cố ý đưa người lao động ra nước ngoài mà không được sự đồng ý của Bộ LĐ TBXH thì sẽ bị xử phạt Theo Quy Định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Việc thu tiền rồi đưa người lao động sang nước ngoài làm việc trái quy định sẽ tùy theo vào mức độ nặng nhẹ để xác định yếu tố lừa đảo kinh tế.
“Những công ty không có chức năng về môi giới và XKLĐ theo giấy phép hoạt động của Bộ LĐ TBXH. Các doanh nghiệp hoạt động môi giới việc làm trong nước còn cần giấy phép, đây lại là các doanh nghiệp xklđ nước ngoài.” - Luật sư Thơm nói.
Cũng theo quan điểm của luật sư Thơm, tùy theo trường hợp người lao động đi “chui” bằng con đường nào thì cũng có thể xem xét dấu hiệu hình sự theo luật pháp hiện hành.
Trước đó, nhóm PV đã đi thực tế để tìm hiểu về việc tuyển dụng XKLĐ Singapore tại rất nhiều các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.
Rất dễ tìm kiếm các liên hệ xklđ sang thị trường Singapore trên mạng. |
Chỉ bằng một từ khóa tìm kiếm “XKLĐ Singapore” trên mạng với hàng chục nghìn kết quả, tuy nhiên những thông tin trên đều rất “mơ hồ” và chỉ hiển thị mỗi số điện thoại liên hệ. Khi PV liên hệ thì các cán bộ tuyển dụng mới hướng dẫn địa chỉ cụ thể để tư vấn trực tiếp.
Các doanh nghiệp đã tư vấn trực tiếp cho PV bao gồm: Cty CP đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế TLC, Công ty cổ phần Traenco, Công ty cố phần đầu tư và phát triển quốc tế Nhật Mỹ (được giới thiệu là công ty con của Cty Labcoop), Công ty TNHH Quốc Tế Bảo Dương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Tuấn Dũng