(ĐSPL) - "Nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ và phần tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần". Đây là một trong những ý kiến đề xuất liên quan đến kiến nghị luật hóa quan chức kê khai tài sản gian dối.
Khai báo không trung thục có thể bị khởi tố
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất hình sự hóa đối với cán bộ kê khai tài sản gian dối của bộ Tư pháp.
|
Những người kê khai tài sản không trung thực sẽ bị khởi tố?!
|
Luật sư Tiến cho biết: Chúng ta có thể thấy rằng việc kê khai tài sản biến động theo hàng năm hoặc kê khai tài sản trước khi được bổ nhiệm, ra ứng cử vào các chức vụ thuộc cơ quan công, quyền của Nhà nước thì thủ tục phải kê khai tài sản của mình có. Việc làm này nặng về tính hình thức, làm cho đủ thủ tục, có ai xem xét, kiểm tra đúng sai, có bất hợp lý hay không đâu.
Do đó cần một tổ chức chuyên trách có chức năng thẩm quyền được kiểm tra nguồn tài chính của người có nghi vấn thu nhập bất minh, có quyền được yêu cầu người có nghi vấn giải trình để tiến hành xác minh. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
"Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang VKS cùng cấp để khởi kiện vụ án. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án", luật sư Tiến nhấn mạnh.
Trước đây, bộ Tư pháp cũng từng phối hợp với chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo hoàn thiện quy định của BLHS về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Một trong điểm đáng lưu tâm của báo cáo được nhóm chuyên gia đề cập là hiện nay tình trạng làm giàu bất chính ngày càng phổ biến và cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chế tài của pháp luật Việt Nam xử lý hành vi làm giàu bất chính không đủ răn đe, giáo dục cũng như xử lý triệt để.
Xuất phát từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiều phương án xử lý đối với trường hợp này. Cụ thể: Quy định tội danh làm giàu bất chính trong BLHS; Quy định tội làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình.
Bên cạnh đó, bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó.
Giàu bất thường gây nguy hiểm cho xã hội
Theo TS. Nguyễn Thanh Tân, điều tra viên bộ Công an, cần thiết phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp ở Việt Nam. Hành vi làm giàu bất hợp pháp có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao.
"Thực tế ở Việt Nam, tuy chưa có một báo cáo chính thức của các cơ quan, tổ chức nào về vấn đề này nhưng qua nhiều nguồn phản ánh khác nhau, có thể thấy rằng tình trạng làm giàu bất chính cực kỳ nghiêm trọng. Do vậy cần phải minh bạch tài sản, thu nhập cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai có thể bị áp dụng các hình thức xử lý nếu kê khai tài sản, thu nhập hoặc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực", TS. Tân nói.
|
Cần truy thu tài sản của người khai báo gian dối. |
- Thưa ông, hiện tại có một số quan chức khoe giàu một cách phản cảm, hay gần đây một số việc hé lộ mới thấy cán bộ có khối tài sản khổng lồ. Người dân sẽ đặt ra nghi vấn nếu không tham nhũng thì liệu quan chức làm gì để giàu thế, ông nghĩ sao về thực tế này?- Tôi nghĩ rằng lương công chức thì đến lãnh đạo cao cấp cũng không thể giàu được. Đã làm công chức một cách trong sạch, đúng đắn thì không ai giàu.
- Như thế những chuyện mang cả "bị tiền" đến hối lộ quan chức là chuyện vẫn có thể xảy ra?
- Đấy là biểu hiện của nhiều thứ. Đầu tiên nó là kết quả của tham nhũng, không tham nhũng thì không thể có tiền được, vì tiền không thể tự đẻ ra mà phải nhập vào, nạp vào, tập hợp lại. Việc xuất hiện những ngôi nhà lớn, những siêu xe giá cả triệu USD... trong khu vực của công chức là kết quả của tham nhũng. Nếu công chức chỉ có làm công ăn lương không thôi thì đủ sống đã là rất khó.
Vấn đề là chúng ta lên án nạn tham nhũng, nhưng chúng ta chưa đặt ra vấn đề đãi ngộ, trả lương cho công chức như thế nào để họ sống được. Có lẽ chưa đặt ra vấn đề đấy là bởi vì do lương thấp như vậy thì người ta đã tận dụng địa vị, đã bán các địa vị trước đó để kiếm tiền rồi, cho nên xã hội không còn hứng thú để để ý đến cấu trúc đấy. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi quan chức đều tham nhũng...
- Theo như đề xuất sửa đổi BLHS, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, không giải thích được nguồn gốc hợp pháp của tài sản (kiểu như tài sản được "cô em", "cậu em" nào đấy tặng) thì bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị xử lý hình sự?
- Cách giải thích nguồn gốc tài sản như chị vừa nói là cách giải thích vội vã của những kẻ tham nhũng không chuyên nghiệp. Đó là dạng tham nhũng một cách bản năng. Những người có kinh nghiệm sẽ lên kế hoạch để giải thích khôn ngoan hơn nhiều. Đây là cách giải thích coi thường dư luận xã hội, đó là cái lỗi khổng lồ, lỗi ấy không phải chỉ của quan chức mà là của nhà chính trị bên trong cái áo của quan chức. Thậm chí nó là sự coi thường đạo đức.
"Đuổi vịt" xong phải "rào giậu"
- Dư luận đang cho rằng đưa quy định làm giàu bất chính vào BLHS (sửa đổi) là nhằm tấn công với nạn tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Tôi cho rằng, "làm giàu bất chính" không phải là định nghĩa luật học, nó là những thuật ngữ đạo đức. Nếu đưa thuật ngữ này vào luật để hạn chế quan chức tham nhũng thì cũng rất khó. Tôi cũng không đồng ý với cách nói về chuyện này là "hình sự hoá làm giàu bất chính".
Hiện nay truy đuổi tội phạm trong khu vực quan chức, công chức chưa được mà lại mở rộng sang khu vực khác sẽ không ổn. Chống tham nhũng là công việc rất vất vả, ở đâu cũng vậy. Bởi những kẻ có gan tham nhũng là những kẻ rất mạnh họ vừa có quyền thế, vừa có bè cánh để che chắn.
- Vậy thưa ông, để làm giàu bất chính được kiểm soát, luật pháp cần phải "rào giậu" như thế nào?
- Chúng ta vẫn phải chống tham nhũng với những hoạt động như hiện tại. Nhưng "đuổi vịt" đến đâu phải "rào giậu" đến đấy, đó là vai trò của luật pháp. Tuy nhiên, nếu làm không cẩn thận cả về phương diện nội dung, thái độ lẫn thuật ngữ thì chúng ta có thể làm cho xã hội hiểu nhầm. Hơn nữa, cũng cần lưu ý về mối quan hệ giữa đối tượng hối lộ trong khu vực tư nhân với đối tượng tham nhũng trong khu vực công.
Người hối lộ có hai dạng cơ bản, có người đưa một cách chủ động và có người bắt buộc phải đưa. Những người bắt buộc phải đưa là nạn nhân của quá trình tham nhũng, là kẻ bị hại trong quá trình tham nhũng. Còn có những người chủ động mua quyền lực nữa.
Quan chức "bán" quyền lực, bán của công thì đương nhiên là có tội, không phải bàn nữa, nhưng kẻ dám mua quyền lực Nhà nước thì đấy mới là vấn đề phức tạp.
Ở nước ta, mới có tham nhũng trong khu vực công, nước ngoài tham nhũng đã có cả trong khu vực tư. Việc xây dựng BLHS để thoả mãn công ước chống tham nhũng thì nó cũng phải toàn diện. Điều này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế, chứ không phải chỉ có lý thuyết và tiến hành phải có chiến thuật.
Tôi nghĩ một bộ luật không để nhằm "tấn công" mà nó là tư liệu mô tả đời sống bình ổn, ngăn chặn những tiêu cực, đảm bảo trong sạch tất cả các hoạt động của xã hội.
Minh Khánh - Cao Tuân