Báo Lao động dẫn lời bà Hà Thị Thúy (Phan Bá Vành – Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 17/1, giá heo hơi tại Hà Nội đã chạm mốc 58.000 đồng/kg – là mức giá cao nhất cả nước. Với giá này, hộ nuôi nhỏ lẻ đã có thể thu lãi 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tuấn – chăn nuôi heo tại Bình Thuận cũng cho hay, ngày 17/1, giá heo hơi ở hầu hết các tỉnh trên toàn quốc tăng giá. Tăng nhiều nhất là ở khu vực phía Bắc, trong đó giá heo tại Hà Nội cao nhất: 58.000 đồng/kg, giá cao thứ hai thuộc các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang…
Giá heo hơi bình quân tăng 3.000-4.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo tăng tới 10.000 đồng/kg.
Ông Hà Văn Thi (chợ Sồng - Trực Ninh, Nam Định) nhận định: Giá heo hơi sẽ tăng từ nay đến sát Tết Nguyên đán, thậm chí giữ mức cao đến thời điểm sau Tết do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng lên.
Theo báo Công Thương, trong khi giá heo hơi tăng chậm, nhích từng ngày và trong phạm vi hẹp thì theo các tiểu thương, giá thịt heo móc hàm đang tăng rất mạnh.
Chị Thu Hòa - tiểu thương chợ Kim Liên cho biết, giá heo móc hàm tăng 8 - 10 giá, lên mức 76.000 - 78.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo các tiểu thương bán ra vẫn chưa thể tăng do nhu cầu còn thấp. Việc tăng giá cũng phải cân nhắc rất nhiều do người mua chủ yếu là khách hàng thân thiết.
Ghi nhận ở các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, hiện giá thịt heo cũng đang phổ biến quanh mức 90.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, chưa ghi nhận mức tăng so với những ngày trước đó.
Lý giải về việc có sự chênh lệch biến động giá giữa giá bán lẻ, giá heo móc hàm và giá heo hơi trên thị trường, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, ở đây có thể do khâu lưu thông.
Thông thường, tại các doanh nghiệp chăn nuôi họ bán hàng qua các đại lý, đôi khi các tiểu thương ở chợ phải mua qua 3 - 4 cấp trung gian trước khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Việc này khiến tạo chênh lệch giá đồng thời cũng phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thịt heo.
Nhận định về nhu cầu tiêu dùng thịt heo dịp Tết này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng cho rằng nhu cầu sẽ không có sự gia tăng đột biến.
Dự báo về giá heo hơi từ nay đến Tết Nguyên đán, ông Trọng đánh giá, giá heo hơi có tăng nhưng chỉ nhích lên một chút, không tăng mạnh như cùng thời điểm của mọi năm. Trừ trường hợp có biến cố về nguồn cung do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, còn lại với tình hình hiện nay, giá khó đạt 60.000 đồng/kg. “Trước đây tôi kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ cải thiện nhiều vào dịp Tết nhưng tình hình thực tế lại không được như vậy. Giá chỉ nhích nhẹ từng ngày”, ông Trọng chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, thời điểm cuối năm 2023, dịch tả heo châu Phi diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều ý kiến lo ngại về thiết hụt nguồn cung. Tuy nhiên, khó có khả năng có sự cố về nguồn cung bởi tính đến thời điểm đầu tháng 1, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Các doanh nghiệp lớn hoàn toàn chủ động theo kế hoạch của họ. Với tỷ lệ đàn heo hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ của thị trường từ nay đến Tết nguyên đán Giáp Thìn.
Hiện tại, chi phí sản xuất 1kg heo hơi dao động từ 45.000 - 52.000 đồng/kg, tuỳ mô hình và quy mô nuôi. Như vậy, với mức giá hiện tại, mỗi kg thịt heo hơi xuất chuồng, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhất là các nông hộ nhỏ lẻ.
“Số lượng các nông hộ cũng đang giảm rất thấp, từ 4 triệu xuống 1,7 triệu hộ, tuy nhiên, tôi lo rằng không đến con số 1,7 triệu hộ, con số này dự báo sẽ còn tiếp tục giảm nếu tình hình chăn nuôi tiếp tục diễn tiến như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.
Vân Anh (T/h)