Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cần đi tới cùng vấn đề xung quanh khối tài sản "khủng" của Thứ trưởng Kim Thoa

(DS&PL) -

Kể từ khi nhận quyết định kỷ luật, cũng như “rò rỉ” thông tin khối tài sản khủng của đại gia đình Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khiến mã cổ phiếu DQC bốc hơi

Kể từ khi nhận quyết định kỷ luật, cũng như “rò rỉ” thông tin khối tài sản khủng của đại gia đình Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khiến mã cổ phiếu DQC đã bốc hơi hàng trăm tỷ đồng. Theo các chuyên gia, cần phải truy đến cùng số tài sản này có nguồn gốc ra sao? Nếu chứng minh được thì cũng phải công khai để dư luận rõ.

Cổ phiếu DQC “bốc hơi” trăm tỷ sau một tháng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu DQC của công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm, đứng giá ở mức 54.000 đồng/cổ phần – giảm 1,8% so với giá đóng cửa phiên trước đó. Trong gần một tháng trở lại đây, giá cổ phiếu DQC đã giảm liên tục từ mức 64.500 đồng/CP (phiên ngày 11/01) với mức giảm từ 0,8% - 3% mỗi phiên. Cũng trong khoảng thời gian trên, gắn với biến động cổ phiếu DQC là sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với đại gia đình Hồ Quỳnh Hưng – em trai Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Theo báo cáo quản trị do doanh nghiệp này công bố, tính đến hết năm 2016, bà Thoa đang nắm giữ 1,7 triệu cổ phiếu DQC – tương ứng tỉ lệ 4,91%. Do tỉ lệ này dưới 5% (không nằm trong danh sách cổ đông lớn) và bà Thoa không nắm giữ chức vụ trong HĐQT hay Ban điều hành của bóng đèn Điện Quang, mỗi giao dịch mua – bán cổ phiếu của vị Thứ trưởng được phép không cần báo cáo với Ủy ban chứng khoán và các đơn vị liên quan.

Liên tiếp trong thời gian ngắn, cổ phiếu của công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang sụt giảm

Ngoài bà Thoa, hàng loạt thành viên trong gia đình Thứ trưởng đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong HĐQT, lẫn Ban điều hành công ty sản xuất bóng đèn có thị phần lớn nhất cả nước này. Cụ thể, em trai bà Thoa là ông Hồ Quỳnh Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Trước đó, vị trí này do bà Thoa đảm nhiệm trước khi chuyển sang công tác tại bộ Công Thương. Ông Hưng sở hữu 2,5 triệu cổ phiếu DQC – tương ứng tỉ lệ 7,33% vốn.

Ngoài ra, mẹ bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ hay con gái bà Thoa là Nguyễn Thái Nga – thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Thái Quỳnh Lê – Giám đốc Ban dự án cũng nắm trong tay hàng triệu cổ phiếu DQC. Tính riêng những người liên quan trực tiếp đến Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã sở hữu tới 11,78 triệu cổ phiếu DQC – tương ứng 33% vốn điều lệ của doanh nghiệp nghìn tỷ này. Tính theo giá thị trường, tổng tài sản của gia đình họ Hồ tại Bóng đèn Điện Quang lên tới gần 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã bị giảm tới hơn 100 tỷ do biến động giá cổ phiếu giảm sâu trong vòng một tháng qua.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong phân tích: “Ngay khi có thông tin Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật, cũng như cả gia đình có khối tài sản lớn tại công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang được dư luận đặc biệt quan tâm thì thị trường chứng khoán đã phản ứng. Thực tế, với bất cứ mã chứng khoán nào không riêng gì DQC, khi bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp đó “có vấn đề” thì thị trường sẽ phản ứng rất nhanh. Thị trường sẽ phản ứng cả tiêu cực và tích cực. Trong trường hợp này là tiêu cực, người mua mã cổ phiếu đó sẽ giảm, thậm chí không mua, còn người có cổ phiếu sẽ bán tháo, bán lỗ. Chính vì vậy mà cổ phiếu DQC mất giá là điều dễ hiểu và hết sức bình thường của thị trường”.

Nhiều trường hợp biến mất tài sản bất minh thành hợp pháp

Trong khi đó, TS. Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng: “Việc lãnh đạo một cơ quan chủ quản lại có cổ phần tại doanh nghiệp trực thuộc sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. Có thể chỉ ra tiêu cực như việc bổ nhiệm cán bộ, phân chia lợi nhuận, thậm chí có thể lấy danh nghĩa để các thành viên trong gia đình đứng tên... Hơn nữa, việc Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hoặc người nhà mua theo diện cổ phiếu thông thường, thì không có vấn đề gì, còn nếu rơi vào cổ đông ưu đãi hay cổ đông chiến lược thì cần xem xét”.

Ông Đinh Xuân Thảo cũng đặt vấn đề: “Liệu lãnh đạo thuộc cơ quan chủ quản của doanh nghiệp lại có nhiều cổ phần tại đó, thì có xảy ra xung đột lợi ích, tạo kẽ hở, hay có sự ưu ái cho chính doanh nghiệp đó để trục lợi. Trong trường hợp này, ở khía cạnh tích cực là có thể tạo niềm tin cho các cổ đông khác. Bởi lý do, doanh nghiệp đó chắc phải làm ăn được họ mới mua. Nhưng còn về mặt trái, có thể là không khách quan, vì doanh nghiệp này cổ phần hóa còn để lại phần vốn Nhà nước. Mà bộ đó là chủ quản, hay quản lý gián tiếp, thì việc bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ có thể sẽ liên quan đến tiêu cực, kể cả việc phân chia lợi nhuận, lợi ích cổ phần, cổ phiếu”.

“Đặc biệt, việc mua bán cổ phần đứng tên anh, hay chỉ lấy danh nghĩa rồi đứng tên người khác là các thành viên trong gia đình. Thời điểm đó, có thể việc mua cổ phần không phải dễ dàng, nhưng bởi anh có vị trí nên mới được mua. Nếu mua cổ phiếu như cổ đông ưu đãi lại càng không hợp lý. Bởi vậy, cần phải rà soát lại, quy định cho chặt chẽ hơn, tránh để lợi dụng quyền hạn, làm thiếu đi sự bình đẳng, minh bạch”, TS. Thảo nói.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khẳng định, về nguyên tắc, cán bộ đảng viên có quyền làm giàu chính đáng. Có người tuy là cán bộ công chức, nhưng vợ chồng, con cái họ kinh doanh ở những lĩnh vực họ không phụ trách trực tiếp, không có khả năng tạo ra sân sau, thì đó là nguồn tài sản chính đáng của họ. Rồi có thể họ kiếm tiền bằng nghề tay trái, ngoài lĩnh vực phụ trách... Tuy nhiên, theo ông Vân, vấn đề đặt ra mà xã hội nhức nhối đó là sự lạm quyền để tác động, ảnh hưởng dưới những cách thức tinh vi. Đôi khi chỉ bằng một cú điện thoại, một thông tin cung cấp, họ đã được “lại quả” chứ chưa nói đến sự liên kết chặt chẽ. Từ đó dẫn đến tham nhũng từ chính sách cho đến tham nhũng tài sản trực tiếp quản lý.

Trước việc một Thứ trưởng có khối tài sản lớn được dư luận quan tâm, ông Vân cho rằng: “Cần phải kiểm tra để tìm ra sự thật về khối tài sản đó có chính đáng hay không. Cả cơ quan chủ quản và bà Thoa phải chứng minh, nguồn gốc tài sản ấy từ đâu ra? Chứng minh được tài sản đó chính đáng, thì phải trả lời cho dư luận biết và cũng là để thanh minh cho bà ấy. Còn nếu có những cái không rõ nguồn gốc thì xem xét, để các cơ quan khác vào cuộc”.

H.L - V.P


Tin nổi bật