''Tôi đề nghị cần xem xét thận trọng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người kê khai'', ĐBQH Bùi Quốc Phòng nhìn nhận.
Thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), mặc dù các Đại biểu Quốc hội thống nhất về quan điểm phải quy định để xử lý, tuy nhiên xử lý theo phương án nào thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này.
Tại Điều 59 dự thảo luật đưa ra hai phương án xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực. Phương án thứ nhất: Yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Phương án thứ hai: Xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (TP.Hà Nội) cho rằng, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo phương án 2 là hợp lý hơn kể cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, cần nêu rõ căn cứ để xử phạt 45% giá trị tài sản không kê khai là như thế nào.
“Ngoài ra, để đảm bảo kỷ cương và sự tôn nghiêm của pháp luật thì ngoài việc xử lý hành chính theo Phương án 2 đối với người phải kê khai tài sản nhưng không kê khai hoặc kê khai không trung thực. Theo tôi cần bổ sung thêm một số biện pháp xử lý khác liên quan đến nhân thân như xử phạt, cảnh cáo, khiển trách, cách chức, hạ bậc lương”, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính góp ý thêm.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh. |
Còn Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) nhìn nhận: “Tôi đồng tình với nhận định của Ủy ban Tư pháp đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc dù quyết định áp dụng phương án nào cũng phải hết sức thận trọng, có bước đi phù hợp. Đa số cử tri và nhân dân có ý kiến nên làm rõ tính công khai, minh bạch vấn đề này”.
Theo bà Hạnh: “Để xử lý vấn đề này và nâng cao tính thuyết phục của quy định chúng ta nên nghiên cứu xử lý theo hướng vi phạm ở mức độ nào xử lý đến mức độ đó, không gộp chung các hành vi sai phạm của vấn đề và tính công khai, minh bạch được thể hiện cụ thể ở đây…”.
ĐBQH Bùi Quốc Phòng. |
ĐBQH Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) lại phân tích: “Tôi đề nghị cần xem xét thận trọng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người kê khai. Đề nghị làm rõ thế nào là tài sản thu nhập không giải trình được một cách hợp lý để đảm bảo tính thống nhất trong thi hành luật.
Bản thân tôi đồng tình việc dự thảo luật quy định xử lý đối với các loại tài sản này là cần thiết, nhưng đây là vấn đề liên quan đến sở hữu tài sản, là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định. Và trong thực tế thì đa số người Việt Nam ít khi công khai tài sản mà họ có được một cách đầy đủ cho người khác biết. Kể cả việc bố mẹ chắt chiu cả đời để lại tài sản cho con cái cũng cần kín đáo, vì đó cũng là một nét tính cách của người Việt. Qua nghiên cứu, phân tích của Chính phủ nêu trong báo cáo giải trình, ở cả hai phương án tôi đều băn khoăn. Tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về cơ sở pháp lý của quy định này”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm, cần mạnh tay thu hồi số tài sản kê khai không trung thực.