Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, gắn bó mật thiết với nhân dân

(DS&PL) -

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Sáng 15/6, sau 21 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự, tiếp tục ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phát huy cao nhất trách nhiệm trước cử tri và nhân dân

Diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đưa đất nước ta ngày càng đổi mới, phát triển vững chắc trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội chụp ảnh chung tại Lễ bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Là kỳ họp giữa năm nên đã thành thông lệ, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Khoảng 60% tổng thời gian của cả Kỳ họp đã được Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp, một chức năng quan trọng, cơ bản của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.

Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, giữ vững quốc phòng, an ninh. Quốc hội đã cho ý kiến về 9 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.

Lập pháp là một trong những chức năng quan trọng cơ bản của Quốc hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chức năng đặc biệt này, trong nhiều Kỳ họp gần đây, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, rất nhiều luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý để đất nước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Các dự án luật được xem xét, thông qua tại Kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Nhiều dự án luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống xã hội đã được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi thông qua như Luật An ninh mạng. Đây là một dự án luật khó, đã được tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, nhân dân để phân định rõ giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các chủ thể bảo vệ an ninh mạng.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình...

Tại Kỳ họp thứ 5, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc tiếp tục được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm rất cao. Các ý kiến, lập luận, phân tích của các đại biểu đã đề cập đa chiều các nội dung quan trọng của dự án Luật, từ công tác cán bộ, cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh, thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu… và cách làm để thu hút đầu tư, tạo cực tăng trưởng mạnh mẽ, vừa bảo đảm kinh tế đất nước phát triển bền vững, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Trước tính chất đặc biệt quan trọng của dự án Luật mới, chưa có tiền lệ với nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Quốc hội đã thống nhất lùi việc xem xét, thông qua dự án Luật này vào kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Quyết định này cho thấy sự trân trọng lắng nghe ý kiến của các đại biểu, cử tri và nhân dân một cách nghiêm túc, cầu thị, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Gắn bó mật thiết với nhân dân

Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt của mỗi Kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày đã giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong công tác quản lý, điều hành, giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 5 tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động nghị trường. Phương thức hỏi nhanh - đáp gọn lần đầu tiên được áp dụng và phát huy hiệu quả, mỗi đại biểu có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau ba câu hỏi chất vấn thì người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút.

Qua ba ngày chất vấn đã khẳng định hiệu quả của việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, giúp tăng số đại biểu hỏi, đồng thời tránh sự trùng lặp về nội dung. Việc đổi mới cũng đặt ra đòi hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vấn đề chắc chắn để trả lời ngắn gọn, cô đọng, đi trực tiếp vào nội dung câu hỏi.

Tại các phiên chất vấn, hơn 200 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết các câu hỏi đặt ra. Tuy vậy, vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại Hội trường. Điều này cho thấy các vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn thực sự "nóng", liên quan mật thiết tới đời sống người dân và sự phát triển đất nước.

Bốn nhóm nội dung chất vấn tại Kỳ họp này đều là những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Đó là các nhóm nội dung về: giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước; công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; thực trạng thị trường lao động và giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường...

Sau ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều vấn đề quan trọng, thiết thân đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã được giải đáp thấu đáo, được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Những kết quả tích cực, nhiều mặt của Kỳ họp thứ 5 tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, không ngừng đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Luôn lắng nghe, cầu thị, trân trọng và tiếp thu ý kiến của cử tri, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng.

Qua đó, Quốc hội ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin nổi bật